Từ bất ổn chính trị ở Italy đến những thách thức châu Âu phải đối mặt

26/07/2022 10:30 GMT+7 | Tin tức 24h

Chính trường Italy trong những ngày qua lại một lần nữa rung chuyển bởi quyết định từ chức của Thủ tướng Mario Draghi. Tình trạng bất ổn tại Italy cũng được cho là sẽ tác động lớn đến châu Âu, trong bối cảnh châu Âu đang có xu hướng xây dựng bộ ba Đức-Pháp-Italy làm trụ cột của khối.

Dịch COVID-19: Thủ tướng Italy kêu gọi người dân đoàn kết, Bosnia tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia

Dịch COVID-19: Thủ tướng Italy kêu gọi người dân đoàn kết, Bosnia tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia

Ngày 17/3, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã gửi thông điệp tới người dân Italy và khẳng định: “Chưa bao giờ như lúc này Italy cần phải được đoàn kết” trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Chia rẽ trong chính phủ liên minh khiến Thủ tướng Mario Draghi từ chức   

Vào tuần trước, chính trường Italy rơi vào khủng hoảng khi Thủ tướng Mario Draghi ngày 21/7 đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Sergio Mattarella.   

Việc từ chức của Thủ tướng Mario Draghi được cho là khởi nguồn từ cuộc bỏ phiếu ngày 14/7 tại Thượng viện về Dự luật cứu trợ (Aiuti) nhằm giúp các gia đình và doanh nghiệp ứng phó giá cả leo thang. Cuộc bỏ phiếu được giới chính trị đánh giá là một phép thử đối với sự đoàn kết của Chính phủ liên minh tại Italy và uy tín của Thủ tướng Mario Draghi.

Tuy dự luật cuối cùng vẫn được Thượng viện thông qua với tỷ lệ áp đảo 172 phiếu thuận và 39 phiếu chống, song việc Phong trào 5 sao (M5S), đảng lớn thứ hai trong liên minh cầm quyền, tẩy chay cuộc bỏ phiếu đã được xem là “giọt nước tràn ly” khiến Thủ tướng Draghi suy giảm lòng tin về sự đoàn kết trong chính phủ liên hiệp và tuyên bố từ chức.   

Chú thích ảnh
Thủ tướng Italy Mario Draghi. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ đoàn kết dân tộc do Thủ tướng Mario Draghi lãnh đạo vốn được thành lập vào tháng 2/2021, quy tụ phần lớn các đảng chính trị có mặt trong Quốc hội, ngoại trừ đảng Anh em Italy đối lập của chính trị gia cực hữu Giorgia Meloni. Thời gian qua, chính phủ Italy và cá nhân Thủ tướng Draghi đã ghi nhiều dấu ấn nổi bật cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, với tính chất là một liên minh cầm quyền có quá nhiều đảng phái, những khác biệt và bất đồng vốn đã tồn tại, càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Một số chính đảng chủ chốt như M5S, đảng Dân chủ (PD), đảng Liên đoàn (Lega) trong Chính phủ liên minh thường xuyên chỉ trích, tranh cãi lẫn nhau về các đề xuất chính sách ngay từ khi mới được thảo luận trong nội bộ chính phủ. Trong đó, Dự luật Aiuti gần đây được đa số liên minh ủng hộ, song M5S lại phản đối vì cho rằng một số nội dung không phù hợp giá trị cốt lõi của đảng. M5S ngày 6/7 còn đưa ra yêu sách 9 điểm ép Thủ tướng Mario Draghi phải thực hiện. Dù Thủ tướng Mario Draghi thực tế đã có sự nhượng bộ với các yêu sách của M5S, nhưng đảng lớn thứ hai trong liên minh cầm quyền này vẫn chưa cảm thấy hài lòng và tẩy chay cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện.   

Do đó, dù Thủ tướng Draghi đã vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện ngày 20/7 với 95 phiếu ủng hộ, 38 phiếu chống, song việc 3 đảng lớn trong liên minh cầm quyền là Phong trào 5 sao (M5S), Liên đoàn, và Forza Italy đều từ chối tham gia bỏ phiếu đã gây ra ảnh hưởng bất lợi đến chính quyền của Thủ tướng Draghi.   

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Mario Draghi ngày 21/7 đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Sergio Mattarella và đã được Tổng thống Mattarella chấp thuận. Tuy nhiên, Tổng thống cho biết chính phủ của ông Draghi vẫn tiếp tục nắm quyền để xử lý các công việc hiện tại cho đến cuộc bầu cử tiếp theo. Tổng thống Italy Sergio Mattarella cũng đã ký sắc lệnh giải tán Thượng viện và Hạ viện, chuẩn bị cho cuộc bầu cử trước thời hạn dự kiến diễn ra vào ngày 25/9 tới. 

Chú thích ảnh
Toàn cảnh phiên họp Thượng viện Italy ở thủ đô Rome ngày 20/7/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tổng thống Mattarella đã chỉ thị cho chính phủ của ông Draghi phải tiếp tục tham gia giải quyết các vấn đề hiện tại của đất nước, bao gồm việc thực thi các đạo luật và quyết định vốn được Quốc hội phê chuẩn, thông qua các hành động khẩn cấp.   

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Mario Draghi ngày 24/7 đã nêu ra một loạt quy tắc quản lý của chính phủ tạm quyền do ông đứng đầu. Ông Draghi cho biết chính phủ sẽ tiếp tục họp định kỳ và các nghị sĩ sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ kỹ thuật, chẳng hạn như phê chuẩn các dự luật đã có thành luật trước khi ông từ chức.     

Về đối ngoại, ông Draghi nhấn mạnh Italy tiếp tục tham gia như trước đây tại các tổ chức đa phương như Liên hợp quốc, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Hội đồng châu Âu, Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), và bất kỳ thỏa thuận ràng buộc nào cũng sẽ phải được Thủ tướng Draghi chấp thuận.     

Tuy nhiên, Thủ tướng Draghi cho biết sẽ không có luật mới hoặc đề xuất lập pháp nào được xem xét cho đến khi nước này tiến hành một cuộc bầu cử quốc hội mới, trừ khi đó là luật do luật pháp Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu.

Châu Âu đối mặt với áp lực lớn   

Việc Thủ tướng Mario Draghi đệ đơn xin từ chức dù đang có vị trí vững chắc tại Quốc hội đã khiến cho chính trường Italy bất ngờ rơi vào khủng hoảng. Hiện các đảng phái ở Italy đang bước vào giai đoạn vận động tranh cử. Chính phủ tiếp theo rất có thể sẽ là một liên minh bao gồm các đảng trung hữu, theo chủ nghĩa dân tộc, có quan điểm nghi ngờ châu Âu. Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng một liên minh như vậy “sẽ tạo ra một kịch bản biến động hơn nhiều cho Italy và Liên minh châu Âu (EU)”.   

Trong bối cảnh châu Âu đang có xu hướng xây dựng bộ ba Đức-Pháp-Italy làm lãnh đạo trụ cột, sự bất ổn tại Italy sẽ có tác động lớn đến châu Âu. Mặc dù từ trước tới nay, nền chính trị Italy thường có sự thay đổi và có thể nói không có quốc gia nào tại châu Âu thay đổi chính phủ nhiều như Italy, và thông thường những sự bất ổn chính trị như hiện nay sẽ không có nhiều tác động ảnh hưởng đến châu Âu.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Italy Mario Draghi phát biểu trước Thượng viện ở thủ đô Rome ngày 20/7/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN

Song, hiện nay Italy nói riêng và toàn khối nói chung đang phải đối phó với tỷ lệ lạm phát cao nhất trong vài thập kỷ, cùng với đó là nguy cơ khủng hoảng năng lượng cận kề nếu Nga cắt khí đốt, và những tác động khác về chính trị-kinh tế-xã hội do cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra. Do đó, sự bất ổn chính trị lần này của Italy có nguy cơ tạo ra các tác động dây chuyền, ảnh hưởng đến toàn bộ EU.   

Về mặt kinh tế, ngày 21/7 vừa qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã chính thức nâng lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm nhằm kiềm chế lạm phát, ngăn chặn đà sụt giảm mạnh của đồng euro từ đầu năm. Theo đó, ECB nâng lãi suất tiền gửi 50 điểm cơ bản lên 0%, vượt mức dự kiến trước đó là 25 điểm cơ bản, khi cùng với các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu tăng chi phí đi vay.   

Tuy nhiên việc nâng lãi suất chỉ đạo của ECB là một hành động rất phức tạp vì cùng với việc nâng lãi suất, ECB cũng phải xây dựng một cơ chế ngăn chặn cách biệt lãi suất huy động quá cao giữa các nước thành viên trong Eurozone, đặc biệt giữa các nước Bắc Âu, Nam Âu mà Italy là điển hình. Khi ECB tăng lãi suất, chi phí đi vay cũng sẽ tăng với các nước như Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.   

Do đó, ngay sau khi Thủ tướng Italy Mario Draghi nộp đơn từ chức ngày 21/7, lãi suất trái phiếu Chính phủ Italy đã lập tức tăng cao, Italy sẽ phải trả lãi suất cao hơn khi đi vay và làm gia tăng gánh nặng nợ công của nước này. Vì vậy, mọi biến động trên chính trường Italy sẽ càng khiến nhiệm vụ điều phối thị trường của ECB phức tạp hơn, đặc biệt hơn nữa khi Thủ tướng Italy Draghi vốn từng là cựu Chủ tịch của ECB và vai trò cá nhân của ông có tác động tương đối lớn trong việc trấn an thị trường tài chính Italy.   

Về mặt chính trị, những xáo trộn trên chính trường Italy được nhận định ít nhiều ảnh hưởng đến các nước châu Âu. Các nhà phân tích nhận định, khủng hoảng chính trị có thể không chỉ dừng ở Italy, mà nguy cơ còn lan rộng ra các nước châu Âu khác.

Đó là việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đánh mất đa số ủng hộ tại Quốc hội Pháp trong cuộc bầu cử hồi tháng 6 vừa qua. Hay sự thay đổi chính phủ ở Đức với một liên minh rất đa dạng, cũng được cho là khó đảm bảo sự ổn định chính trị trung và dài hạn. Hiện uy tín của Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng có xu hướng giảm. Tất cả cho thấy một tín hiệu rõ ràng các nước châu Âu chủ chốt đang gặp khó khăn trong nội bộ.   

Có thể thấy, dù những khó khăn mà các chính phủ châu Âu hiện nay đang phải đối mặt không phải đều do cuộc xung độ giữa Nga và Ukraine gây ra, nhưng rõ ràng cuộc xung đột này đã gây ra căng thẳng trên thị trường năng lượng cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu về lương thực, về nguyên liệu đầu vào, đẩy các nền kinh tế châu Âu vào một chu kỳ khó khăn mới, sau khi tham vọng phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19. Bởi vậy, thời điểm hiện nay chính là phép thử về sự dẻo dai của các nhà lãnh đạo châu Âu cũng như lòng tin của người dân đối với chính phủ.

Trọng Đức/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm