Từ bài học Sharapova nghĩ về công tác phòng chống doping của thể thao Việt Nam

11/03/2016 06:00 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Những câu chuyện liên quan tới doping không chỉ trở nên nóng bỏng với làng thể thao thế giới trong những ngày vừa qua mà với thể thao Việt Nam (TTVN) vấn đề này cũng đang nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận trong nước.

Sau những sự cố đáng tiếc liên quan tới các VĐV Việt Nam bị phát hiện sử dụng chất cấm trong quá khứ gần đây và Olympic 2016, công tác phòng chống doping đang nhận được sự chú ý đặc biệt của những người làm công tác chuyên môn với mong muốn, kiểm soát tối đa việc sử dụng thuốc, thức ăn, đồ uống của các VĐV để tránh những trường hợp “dính” doping.

Bài học từ quá khứ

Con số thống kê sơ bộ trong hơn một thập kỷ vừa qua cho thấy, TTVN đã có 16 trường hợp ở nhiều môn thể thao khác nhau như thể dục, cử tạ, đua thuyền, quyền Anh, thể hình,… bị phát hiện sử dụng doping khi tham dự các giải đấu hoặc các sự kiện thể thao quốc tế.

Điển hình trong số này là trường hợp của VĐV Đỗ Thị Ngân Thương ở môn thể dục bị phát hiện dùng thuốc lợi tiểu ở Olympic 2008 hay lực sỹ Hoàng Anh Tuấn ở môn cử tạ có mẫu thử dương tính với danh sách chất cấm của Hiệp hội chống Doping thế giới (WADA) sau giải vô địch cử tạ thế giới năm 2010.

Không chỉ tác động tiêu cực tới hình ảnh của TTVN trên trường quốc tế, mà từ những sự cố này, rất dễ để nhìn thấy nhiều lỗ hổng và nguy cơ trong công tác phòng chống doping của TTVN.

Thực tế cho thấy, các VĐV, HLV thể thao thành tích cao thiếu kiến thức, thậm chí là khá “mù mờ” về doping. Điều này thể hiện qua trường hợp Ngân Thương bị phát hiện sử dụng thuốc lợi tiểu ở Olympic 2008, vì nghĩ đơn giản là muốn giảm cân nhanh và không ý thức được việc, BTC Olympic có thể yêu cầu thử doping với bất cứ VĐV nào sau khi thi đấu, kể cả có thành tích thấp.

Với các nhà chuyên môn, việc thiếu phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật và cả kinh phí để thực hiện công tác phòng chống doping một cách quyết liệt nhất là những nguyên nhân chính dẫn đến những sự cố này.

Bịt lỗ hổng

Chưa tạo được những đột phá đáng kể trong công tác phòng chống doping vì những hạn chế khác nhau, song đến thời điểm này, ngành thể thao cho thấy ít nhiều nỗ lực để nâng cao hiệu quả trong việc phòng ngừa và ngăn chặn khả năng “dính” doping của các VĐV.  

Sau sự ra đời của Trung tâm Doping và Y học thể thao (trực thuộc Tổng cục TDTT) vào năm 2011 với nhiệm vụ chính là nghiên cứu, kiểm tra, phòng chống doping, Tiểu ban Y tế chuyên phục vụ cho đoàn TTVN khi tham dự các Đại hội thể thao quốc tế cũng đã được thành lập vào năm 2015.

Ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, cho biết: “Ngoài việc đảm trách các vấn đề liên quan đến y tế, nhiệm vụ của tiểu ban này là theo dõi và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc trong điều trị chấn thương, cũng như các loại thực phẩm thuốc khác mà các VĐV vẫn dùng trong quá trình tập luyện.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, bổ sung kiến thức về doping, cập nhật danh sách các chất mà WADA cấm sử dụng cho các HLV, VĐV cũng được các thành viên của tiểu ban thực hiện một cách thường xuyên, liên tục để tất cả nắm bắt một cách đầy đủ nhất nhằm tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra”.  

Kiểm soát chặt chẽ

Trong 5 năm gần đây, chỉ có một trường hợp VĐV Việt Nam bị phát hiện sử dụng doping trong thi đấu quốc tế, đó là cầu thủ Đoàn Ngọc Hào của ĐT futsal Việt Nam khi tham dự giải vô địch châu Á vào tháng 6 năm 2014.

'Nữ hoàng kim cương' Lý Nhã Kỳ làm Phó Chủ tịch Liên đoàn Xe đạp - Mô tô Thể thao Việt Nam

'Nữ hoàng kim cương' Lý Nhã Kỳ làm Phó Chủ tịch Liên đoàn Xe đạp - Mô tô Thể thao Việt Nam

Kiều nữ nổi tiếng của showbiz Việt Nam Lý Nhã Kỳ, người được gọi là “Nữ hoàng kim cương” vừa đảm nhận chức vụ mới, đó là Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông của Liên đoàn Xe đạp – Mô tô Việt Nam khóa VI (Nhiệm kỳ 2016 – 2020).


Con số này cho thấy, những nỗ lực phòng chống doping của TTVN bước đầu đã mang lại hiệu quả, nhưng nó vẫn gióng lên những tiếng chuông cảnh báo đầy lo ngại, bởi công tác phòng chống doping cần được thực hiện một cách kiên trì và quyết liệt trong thời gian dài.

Bên cạnh các giải pháp, hành động và đầu tư cụ thể trong hoạt động phòng chống doping, trước tiên chờ đợi ở ý thức của những người trong cuộc với lời tuyên chiến thực sự với doping, cùng với những kiến thức đầy đủ nhất ở lĩnh vực này.

Cũng theo lời ông Phấn, toàn bộ những VĐV trọng điểm của TTVN tham dự các cuộc thi đấu vòng loại Olympic 2016 hay gần đây nhất là dự SEA Games 28 đều được kiểm tra doping trước khi lên đường làm nhiệm vụ.

“Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, song ngành thể thao đang nỗ lực rất lớn để kiểm soát các vấn đề liên quan tới doping để giảm thiểu tối đa tình trạng có VĐV “dính” doping mà đến khi thi đấu mới phát hiện được”, ông Phấn chia sẻ thêm.

Mong muốn kiểm tra doping ở các giải đấu trong nước

Trở ngại và khó khăn lớn nhất trong công tác phòng chống doping của TTVN thời điểm hiện tại là Trung tâm Doping và Y học thể thao vẫn chưa thể kiểm tra về doping tại Việt Nam. Hiện tại, đơn vị này làm nhiệm vụ tổng hợp và thu thập các mẫu thử, sau đó chuyển ra nước ngoài xét nghiệm với mức giá kiểm tra 1 mẫu thử vào khoảng 200-300 USD. Vì lý do này, hầu như các cuộc thi đấu trong nước việc kiểm tra doping không thực hiện được hoặc chỉ thực hiện được ở một phần rất nhỏ các VĐV tham gia thi đấu. Việc kiểm tra doping một cách toàn diện chỉ được thực hiện khi đoàn TTVN tham dự các đại hội thể thao quốc tế lớn.

Ông Trần Đức Phấn cho biết, mong muốn của ngành thể thao là Trung tâm Doping và Y học thể thao sẽ tự kiểm tra được các mẫu thử và việc thử doping sẽ áp dụng ở các giải đấu trong nước, nhằm mang lại sự công bằng cao nhất có thể cho tất cả các VĐV. Tuy nhiên, đến bao giờ điều này trở thành hiện thực thì vẫn chưa ai trả lời được.


Vũ Lê
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm