Xem dựng "nhà ngục" ở trường quay Cổ Loa

15/05/2009 14:21 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Đã hoàn thiện 2 bối cảnh đầu tiên dựng tại trường quay Cổ Loa; ngày 25/5 các diễn viên tham gia phim bước vào tập luyện; 80% “mục chi” trong bảng tổng dự toán đã được Hà Nội “quyết”... theo đúng kế hoạch, phim Trần Thủ Độ (30 tập) sẽ bấm máy vào tuần thứ hai của tháng 6 tới.

“Đánh bật” Mùa hè lạnh lẽo ra khỏi trường quay!

Để “nhường” đất cho đoàn phim Trần Thủ Độ vào trường quay nội ở Cổ Loa, đạo diễn Ngô Quang Hải đã phải dỡ bỏ bối cảnh khách sạn phim Mùa hè lạnh lẽo. Đầu tư gần 100 triệu đồng cho bối cảnh này, nhưng chưa có tiền để quay nên chẳng có lý gì để “chiếm chỗ” trong lúc phim Trần Thủ Độ đã vào nhịp. Tiếc đứt ruột mà vẫn phải phá. Bối cảnh hoành tráng là thế, dỡ ra chỉ còn là một đống phế liệu.

“Lãng phí quá, nhưng biết làm sao được. Điện ảnh là thế! - họa sĩ thiết kế Phạm Quang Vĩnh nói - Khi chưa có trường quay với những bối cảnh cố định được quy hoạch và giữ lại cho nhiều đoàn phim cùng sử dụng, thì phải chấp nhận. Các bối cảnh trong phim Trần Thủ Độ dựng tại Cổ Loa cũng thế thôi”.
 
Nhân viên kỹ thuật đang thực hiện các lớp sơn để tạo tường gạch ở các buồng giam
trong nhà ngục

Ngay sau khi phá bỏ bối cảnh khách sạn, một bối cảnh nhà ngục hoành tráng được dựng lên với 9 buồng giam, 1 phòng dành cho cai ngục và hệ thống hành lang ngang dọc dành để đặt máy và ray trượt. Thời gian để dựng bộ khung nhà ngục là 15 ngày, còn phần nội thất thì phải mất cả tháng trời để biến những bức tường làm bằng xốp trắng thành những tường gạch với màu sắc ảm đạm, hằn ấn những vết tích của các cuộc giam giữ, tra khảo...

Kế bên bối cảnh nhà ngục là bối cảnh miếu hoang. Họa sĩ Phạm Quang Vĩnh cho biết: “Đây là bối cảnh mà đội quân Quách Bốc trên đường tiến vào kinh thành một đêm đã nghỉ lại và bắt được cô Trần Thị Dung. Sau đó, Trần Thủ Độ đến giải thoát cho Trần Thị Dung và thả toàn bộ số ngựa của Quách Bốc quanh miếu để ghìm chân đội quân này. Khi Quách Bốc về đến kinh thành thì Trần Thủ Độ đã dàn xếp xong mọi chuyện. Còn nhà ngục là bối cảnh mà khi lên kinh thành, Trần Thủ Độ đã bị bắt giam, sau được giải thoát. Đây cũng là bối cảnh mà nhân vật Phạm Bình Di sau khi dẹp loạn về kinh cũng bị bắt giam và bị ép uống thuốc độc...”.
 
Hoàn thiện “nội thất” cho bối cảnh nhà ngục

Ông Vĩnh cũng cho biết, sẽ dựng thêm một số bối cảnh khác trong trường quay nội này... Còn toàn bộ ngoại cảnh kinh thành Thăng Long (diện tích khoảng 40.000m2) sẽ được dựng ở khu đất trống cách 2 bối cảnh trên khoảng hơn 100m.

Khâu nào cũng có chuyên gia “ngoại” tham gia

Quyết định kéo dài thời lượng phim từ 15 tập thành 30 tập nên kế hoạch quay tại Trung Quốc cũng phải thay đổi. Một phần do phía trường quay Hoành Điếm từ nay đến tháng 8/2009 đang có quá nhiều đoàn làm phim hoạt động, không có “chỗ” cho đoàn phim của VN nên phải bấm máy các cảnh ở VN trước. Phần khác, do thời lượng kéo dài, nên một số cảnh dự kiến quay ở Trung Quốc phải... dời về VN để đảm bảo về vấn đề kinh phí.
 
Đạo diễn Đào Duy Phúc (bên trái) tại bối cảnh trường quay đang xây dựng
 

Khá hào hứng, đạo diễn Đào Duy Phúc chỉ bối cảnh nhà ngục nói: “Nếu không dựng tại trường quay, không thể tìm đâu ra bối cảnh đảm bảo các yêu cầu về góc đặt máy; không gian diễn xuất cho diễn viên”.

Mặc dù vậy, so với kịch bản cũ, số lượng các cảnh thực hiện tại Trung Quốc trong kịch bản mới vẫn “đội lên” khá nhiều. Ông Đặng Tất Bình, giám đốc đơn vị được đặt hàng sản xuất Trần Thủ Độ cho biết, việc thuê ngựa từ Trung Quốc cũng đã được khảo sát và tính toán kỹ lưỡng. Qua khảo sát thực tế các trại ngựa ở VN, đặc biệt là ở Hóc Môn - nơi đoàn làm phim Tây Sơn hiệp khách
(Hãng phim Lý Huỳnh sản xuất) thuê ngựa đóng phim, thì ngựa ở VN quá nhỏ (từ chân đến lưng, con cao nhất cũng chỉ khoảng 1,3m. Trong khi ngựa ở Trung Quốc con thấp nhất cũng cao khoảng 1,6m). Mặt khác, ngựa ở VN chưa quen với công việc làm phim, rất khó xử lý trong những cảnh phức tạp. Ở góc độ tạo hình, nếu để các nhân vật chính cần đến phong độ lẫm liệt như Trần Thủ Độ cưỡi những chú ngựa “còi” e không ổn. Đó là chưa kể đến giá thuê ngựa ở trong nước không hề rẻ so với giá thuê tại Trung Quốc, thậm chí còn đắt hơn. Vì thế, đoàn sẽ thuê một số ngựa cùng các mã phu chuyên đóng phim của Trung Quốc kết hợp với số ngựa thuê ở trại ngựa Bá Vân (Thái Nguyên). Theo kế hoạch, số ngựa thuê của Trung Quốc sẽ có mặt tại Hà Nội vào cuối tháng 9/2009. Đoàn phim cũng đã mua khá nhiều đạo cụ từ Trung Quốc phục vụ cho việc đóng phim và phần lớn số đạo cụ này đã về đến VN.
 
Bối cảnh nhà ngục (trái) và miếu hoang tại trường quay Cổ Loa
 
Riêng về vấn đề sử dụng chuyên gia nước ngoài, ông Bình khẳng định khâu nào cũng có chuyên gia Trung Quốc tham gia: trợ lý đạo diễn, họa sĩ thiết kế, họa sĩ hóa trang, đạo diễn võ thuật, trợ lý sản xuất, diễn viên quần chúng...
 
Nguyệt Anh

 

 

 


 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm