Chuyện luật pháp và hành pháp của BĐVN: Khi lỗi không còn là cơ chế

07/04/2010 12:17 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Để có được một mô hình “xử án” như hiện thời, VFF đã phải trả những cái giá rất đắt trong một cuộc cải tổ mô hình tổ chức Liên đoàn BĐVN cách nay 5 năm. Cuộc cải tổ được tiếp tục tại Đại hội khóa VI mới diễn ra cuối năm 2009. Nhưng “vụ Công Vinh” và cả những án phạt đã và sẽ còn được ban hành bởi Ban kỷ luật (KL) và Ban Giải quyết Khiếu nại (GQKN) lại cho thấy cuộc cải tổ ấy mới chỉ là bước đầu.

Sản phẩm của 5 năm cải tổ

Đại hội VFF khóa V năm 2005, một cột mốc đánh dấu sự thay đổi, cho ra đời Ban KL và Ban GQKN, để khắc phục sự toàn quyền và đôi khi lạm quyền của cái gọi là Ban Thi đua Khen thưởng Kỷ luật (từ 2005 về trước) được “thống lĩnh” bởi những vị trí cốt cán của Liên đoàn, hoạt động theo kiểu vừa đá bóng vừa thổi còi.

Ban đầu, Ban KL được xây dựng với nguyên tắc độc lập (tương đối) với các phòng ban và các giải đấu trong hệ thống Liên đoàn. Và Ban GQKN có nhiệm vụ giải quyết các khiếu nại về các quyết định được đưa ra bởi Ban KL.

Sự thúc ép của FIFA và cả nỗ lực tiến tới một mô hình chuẩn trong thời gian qua tiếp tục khiến VFF sau Đại hội khóa VI có những thay đổi, mà việc cả Trưởng Ban KL và Trưởng Ban GQKN đều không được là ủy viên của Ban chấp hành là để củng cố tính độc lập của 2 ban bệ nắm quyền sinh quyền sát với BĐVN.

Mặt khác, cũng có sự phân cấp rõ rệt hơn giữa Ban KL với Ban GQKN, vì trước đấy cả 2 ban cùng thuộc cấp quản lý (BCH) thì Ban GQKN không thể ngồi “mâm trên” và không được phép phán xử Ban KL (hủy, thay đổi quyết định…).

Xin nhắc lại, cuộc cải tổ ấy đã giúp BĐVN không lạc lõng trong thế giới bóng đá về mô hình tổ chức, quản lý và điều hành, mà cụ thể là “xử án”. FIFA, tổ chức điều hành bóng đá thế giới, bao năm qua hoạt động theo mô hình này, và cấp bậc cũng là từ Ban KL rồi tới Ban Khiếu nại, và sau đó, người ta mới phải lôi nhau ra tòa án thể thao CAS nếu cần.


Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ chiều nay sẽ làm việc với Ban KL

Lỗi của ai?

Một khi không phải là lỗi của cơ chế, thì nó chỉ là lỗi của con người. Những cá nhân được tin tưởng trao quyền điều hành những ban ấy, và những người được các ông Trưởng ban khả kính mời tham gia làm Ủy viên hoặc giữ các vị trí khác nhau không chỉ có trách nhiệm để vận dụng luật cho BĐVN mà còn gánh trọng trách chứng tỏ tính ưu việt của sự phân cấp 2 ban nói trên.

Dĩ nhiên là còn phải lệ thuộc vào các văn bản pháp quy của Liên đoàn, của nền thể thao nước nhà, nhưng trên hết và có thể nhấn mạnh là yếu tố con người ở đây vẫn nắm một vai trò quan trọng.

Cũng vẫn thường thấy ở cuộc sống, không phải lúc nào tòa phúc thẩm cũng y án hay tăng nặng so với tòa sơ thẩm, mà còn có cả xử nhẹ hơn hoặc trắng án

Nhưng khi Ban GQKN lại lấy một cái sai để sửa cho một cái mà họ cho là sai khác, và cho thấy sự bỡ ngỡ đối với một lĩnh vực có nhiều đặc thù như bóng đá, thì phải bàn, và bàn rất kỹ.

Chánh thanh tra Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Sỹ Cương trong bức thư ngỏ (đăng số hôm qua, 6-4-2010) đã chia sẻ và có cùng nhận định với TT&VH, rằng việc áp theo Mục 4 và Điều 62 là một sự nhầm lẫn khá cơ bản cho hành vi vái lạy trọng tài của Công Vinh.

Chủ tịch Hội đồng Trọng tài QG, ông Nguyễn Văn Mùi chỉ ra việc Ban GQKN đã không đếm xỉa (hoặc không biết?) về luật bóng đá (Laws of the Game), ở đó quy định đó là lỗi và hành vi khiếm nhã, thuộc luật 12, chứ không phải là lỗi phản ứng.

Sai đâu phải sửa đó

Điều lệ VFF quy định và tiến trình thành lập Ban GQKN đã đảm bảo một tiêu chí là tập hợp những luật gia, hoặc cử nhân luật rất đáng kính, nhưng lại chưa đáp ứng được một đòi hỏi cũng rất chính đáng phải hiểu và thuộc cả luật bóng đá. Ông Chủ tịch Hội đồng trọng tài Mùi bảo, xử thế (không rõ luật bóng đá) thì “Tây” nó cười cho.

Chuyện lập luận kiểu “rắn là một loài bò sát” khi khẳng định vái lạy thì không xâm phạm thân thể ai cả, hoặc những nghi ngờ nảy sinh liệu có minh bạch và công bằng hay không từ dư luận, có lẽ cũng xuất phát từ lỗ hổng này?

Thậm chí, sự thiếu sót từ vụ phán xử Công Vinh đặt ra cả một đòi hỏi là liệu VFF có cần cải tổ một lần nữa, tìm ra những cơ chế để có thể tuýt còi thật nhanh và chữa cháy cho Ban GQKN một khi nó có trục trặc, thay vì phải chờ tới Hội nghị Ban chấp hành thưởng tổ chức 2 năm 1 lần hoặc Đại hội thường niên VFF.

Nếu đồng ý là không thể triệu tập Hội nghị khẩn hay tổ chức Đại hội bất thường chỉ vì việc “bé như cái kiến”, thì VFF từ đây rất cần phải thay đổi. Bằng không, một chuyện cỏn con cũng có thể làm sứt mẻ uy tín Liên đoàn.

Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm