Những kịch bản dẫn tới chiến tranh Triều Tiên

30/05/2010 13:38 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - “Bản giao hưởng của thần chết” - đó là cụm từ nghe ớn lạnh mà Kurt Campbell, người hiện nắm ghế Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương trong chính quyền Mỹ, từng sử dụng để nói tới hậu quả của cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Sau khi cuộc chiến tranh kết thúc hồi năm 1953, đôi bên đã thông qua hiệp ước ngừng bắn và hiệp ước này đã tồn tại suốt 57 năm qua. Tuy nhiên các bên chưa từng ký một hiệp định hòa bình và trong bối cảnh Hàn Quốc cáo buộc CHDCND Triều Tiên đánh chìm tàu chiến Cheonan của nước này, bóng ma chiến tranh đã tìm đường trở lại.

Nguy cơ từ những chiếc loa phóng thanh

Với việc Hàn Quốc chính thức cáo buộc CHDCND Triều Tiên là thủ phạm đánh chìm tàu chiến Cheonan của họ, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã ở mức cao nhất kể từ năm 1994, thời điểm Bình Nhưỡng đe dọa biến Seoul trở thành “biển lửa”. Mặc dù Hàn Quốc đã tuyên bố rõ rằng nước này sẽ không tiến hành biện pháp trả đũa quân sự song khả năng xảy ra chiến tranh trong một khoảnh khắc căng thẳng cao độ đã được đề cập tới.

Theo phân tích của tờ Times, giới chuyên gia đã tính tới ba khả năng đụng độ nhỏ chuyển thành giao tranh lớn. Thứ nhất là giao tranh tại biển Hoàng Hải (biển Tây theo cách gọi của người Triều Tiên). Trước khi tàu Cheonan bị đánh chìm hôm 26/3, trong vòng một thập kỷ tại đây đã chứng chiến 3 cuộc đụng độ dọc theo khu vực Đường giới hạn phía Bắc (NLL). NLL là đường ranh giới được vẽ ra hồi năm 1953 bởi Liên hợp quốc trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Một số chuyên gia nói rằng Triều Tiên chưa từng công nhận NLL. Số khác tuyên bố Triều Tiên đã hoàn toàn thừa nhận NLL trong một hiệp ước không gây hấn ký với Hàn Quốc hồi năm 1992. Với việc chìm tàu Cheonan, Hoàng Hải hiển nhiên trở thành điểm nhạy cảm dễ nổ ra xô xát nhất.

Thứ hai là những chiếc loa tại khu phi quân sự. Với phần lớn các quốc gia đang sống ở thời hậu chiến tranh lạnh hiện nay, ý tưởng về một cuộc chiến truyền thông nghe có vẻ hài hước: người ta sẽ dựng nên những chiếc loa cỡ lớn ở Hàn Quốc chĩa về phía Triều Tiên và phát đi các thông điệp, tin tức chống phá chính quyền Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên với một số nhà phân tích, hành động này có thể châm ngòi cho những xung đột lớn. Cheong Seong Chang, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Sejong, một tổ chức cố vấn ở Seoul, tin rằng kế hoạch tái khởi động chiến tranh truyền thông sẽ chọc giận Triều Tiên.

“Quân đội của họ (Triều Tiên) hiện đang ở trong trạng thái cảm xúc mạnh” - Cheong nhận xét. Và Triều Tiên đã tuyên bố thẳng rằng họ sẽ bắn vào bất cứ loa phóng thanh nào từ phía Nam khu vực phi quân sự, phát thông điệp chống phá chính quyền Bình Nhưỡng. Cheong tin rằng nếu Bình Nhưỡng thực hiện tuyên bố của họ, đó sẽ được xem là “một hành động gây hấn nghiêm trọng và Hàn Quốc sẽ phải có biện pháp trả đũa”.

Thứ ba là trả đũa khó kiểm soát. Các vụ chạm súng dọc theo khu vực phi quân sự ở thời điểm căng thẳng cao như hiện nay hoàn toàn có thể gây nguy cơ chiến tranh. Một quan chức ngoại giao Mỹ giấu tên cho Times biết rằng các sự kiện chạm súng kiểu trên “không thể không xảy ra trong vài tuần hoặc vài tháng tới”. “Vấn đề cốt yếu là không được để cho chúng leo thang. Phía chúng tôi hiểu rõ sự nguy hiểm nếu để những chuyện như thế vượt tầm kiểm soát” - vị quan chức này nói.

Viễn cảnh không ai muốn nếu chiến tranh bùng nổ

Trên đây là ba “tiền đề” được tờ Times đặt ra, có thể gây ra một cuộc chiến tranh quy mô lớn trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng nếu chiến tranh diễn ra, mọi chuyện sẽ diễn biến ra sao?

Trang tin Straight.com đã đặt ra vài kịch bản cho một cuộc chiến ở quy mô rộng lớn hơn. Đó là Triều Tiên sẽ huy động đạo quân lớn thứ 4 thế giới của họ tấn công ồ ạt vào Hàn Quốc. Thủ đô Seoul, sẽ nhanh chóng bị pháo lớn của Triều Tiên nhấn chìm trong biển lửa. Binh lính phía Bắc sẽ tiến xuống phía Nam dưới sự yểm trợ của khoảng 400 chiếc máy bay MiG-17, MiG-19, MiG-21 và vài chục mẫu MiG-29 hiện đại. Một cơn mưa tên lửa tầm ngắn cũng sẽ bắn vào các căn cứ không quân và sở chỉ huy quân sự ở Hàn Quốc.

Tuy nhiên Straight.com đánh giá nếu Triều Tiên chỉ sử dụng vũ khí thông thường, họ sẽ thất bại nhanh chóng. Lực lượng không quân sẽ bị hỏa lực phòng không đối phương tiêu diệt nhanh chóng. Các hệ thống pháo tự hành Hàn Quốc, hiện đại tối tân hơn, sẽ dập tắt hỏa lực pháo đối phương. Các tên lửa đạn đạo tầm ngắn loại Scud sẽ không tiêu diệt hết những mục tiêu chiến lược mà Triều Tiên mong muốn và các đơn vị bộ binh của nước này tiến vào phía Nam sẽ bị hỏa lực không quân đối phương “băm nhỏ”. Theo Straight.com, không một đạo quân hiện đại nào có thể sống sót nếu thiếu sự yểm trợ của không quân. Khả năng của máy bay chiến đấu trong việc tiêu diệt mục tiêu mặt đất với độ chính xác cao đã tăng lên gấp hàng trăm lần kể từ Thế chiến II. Không quân Mỹ và Hàn Quốc hiện có khoảng 600 chiếc máy bay chiến đấu hiện đại đặt tại Hàn Quốc và Mỹ có thể tăng số máy bay trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Mặc dù đặt ra giả thuyết quân đội Triều Tiên sẽ bị đối phương sử dụng trang thiết bị hiện đại gây cho những tổn thất nặng nề, chuyên gia của Straight.com không cho rằng quân đội Mỹ - Hàn sẽ nhân đà thắng để tiến thẳng sang miền Bắc và thống nhất hai miền Triều Tiên. Rõ ràng hai nước này đều không muốn chọc giận Trung Quốc thông qua việc tấn công Triều Tiên bởi những bài học từ cuộc chiến hồi năm 1953 vẫn còn nóng hổi. Hơn hết, tất cả các bên đều không muốn dính vào một cuộc chiến, với viễn cảnh thấy trước là chẳng bên nào được lợi lộc từ diễn biến của nó.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm