Triển lãm 'Khải huyền' của Bùi Hải Sơn: Những chiêm nghiệm siêu hình về hạt lúa

04/01/2023 17:38 GMT+7 | Văn hoá

Bùi Hải Sơn là nhà điêu khắc rất tiêu biểu của thế hệ mới tại TP.HCM. Ông sinh 1957 sau khi tham gia gần 30 triển lãm nhóm, hơn 10 trại điêu khắc trong nước và quốc tế, đây mới là triển lãm cá nhân lần thứ 2. Chính vì vậy, Khải huyền đang rất được giới làm nghề và công chúng yêu điêu khắc đón đợi.

Triển lãm khai mạc lúc 18h ngày 6/1 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, diễn ra đến ngày 13/1/2023. Trưng bày 9 tác phẩm, với sắp đặt ý niệm và ánh sáng. Thể thao và Văn hóa trân trọng giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông về triển lãm này.

Một không gian sắp đặt điêu khắc

Bùi Hải Sơn đang trong giai đoạn sáng tạo sung sức nhất, cùng với số ít nghệ sĩ đồng trang lứa, điêu khắc của Bùi Hải Sơn có phong cách cá nhân rất rõ trong lát cắt vài thập niên điêu khắc Việt Nam đột ngột thay đổi với các xu hướng nghệ thuật hiện đại.

Thành công trong ngôn ngữ điêu khắc kim loại, những hoạt động sáng tác, quản lý và giảng dạy mỹ thuật xuyên suốt từ đầu năm 2000 đã tạo cho Bùi Hải Sơn một vị trí quan trọng hàng đầu trong nền điêu khắc đương đại, đặc biệt tại TP.HCM, nơi ông sống và làm việc.

Triển lãm 'Khải huyền' của Bùi Hải Sơn: Những chiêm nghiệm siêu hình về hạt lúa - Ảnh 1.

Điêu khắc gia Bùi Hải Sơn

Kể từ triển lãm cá nhân lần đầu năm 2010, hình tượng hạt lúa và những biến thể đa chất liệu trong ngôn ngữ điêu khắc xu hướng tối giản của Bùi Hải Sơn đã là những chiêm nghiệm siêu hình về khởi sinh/ biến dịch, quá khứ/ tương lai... mang nội hàm và tình yêu văn hóa miền Tây Nam bộ quê hương ông.

Hình tượng hạt lúa gắn với Bùi Hải Sơn không chỉ như một tài nguyên phong phú ngôn ngữ tạo hình, nó còn là, như ông từng nói "chứng nhân tinh thần về cuộc di dân của dân tộc Việt về phương Nam. Ngoài ý nghĩa về nguồn gốc, nó còn là đích đến của một hành trình nhiều gian lao, thử thách."  

Triển lãm Khải huyền, về mặt hình thức, sẽ là một nỗ lực nghệ thuật giàu tham vọng, nâng hình tượng hạt lúa từ một "object" (đối tượng /vật thể) điêu khắc thành một không gian sắp đặt điêu khắc. Một không gian tinh thần kết tinh trọn vẹn trong tổng hòa các khối vật chất hữu hình và khối tích không gian vô hình của 4 phòng trưng bày rộng hơn 450m2 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

Triển lãm 'Khải huyền' của Bùi Hải Sơn: Những chiêm nghiệm siêu hình về hạt lúa - Ảnh 2.

Tác phẩm “Khải huyền”

Về ý tưởng nghệ thuật, từ sau hướng kết nối trực tiếp với biểu tượng hạt lúa - triển lãm Nguồn (2010) - Khải huyền (2023) nằm trong trục tư duy phổ quát (universal) địa văn hóa, tôn giáo, liên quan rõ hơn với bản sắc (identity) của tác giả.

Bùi Hải Sơn sinh trưởng tại cù lao Ông Chưởng, tỉnh An Giang, nơi sông Tiền, sông Hậu, sông Ông Chưởng và sông Vàm Nao bao quanh, có cồn Cây Sao từng là những rừng gỗ sao phục vụ nghề đóng ghe thuyền. Không gian nuôi dưỡng ông là không gian văn hóa vật chất/tinh thần Nam bộ, song song hài hòa với không gian đức tin Ki-tô giáo, một truyền thống gia đình.

Triển lãm 'Khải huyền' của Bùi Hải Sơn: Những chiêm nghiệm siêu hình về hạt lúa - Ảnh 3.

Tác phẩm “Mã nguồn”

Chu trình bất tử thiêng liêng của sự sống

Về ý niệm, "khải huyền" là tỏ lộ những điều huyền bí, nên triển lãm sắp đặt điêu khắc Khải huyền là không gian vật chất, hữu hình hóa mặc khải siêu hình của Bùi Hải Sơn về trục thời gian vô tận luân hồi trong mỗi mầm sống.

Triển lãm 'Khải huyền' của Bùi Hải Sơn: Những chiêm nghiệm siêu hình về hạt lúa - Ảnh 4.

Tác phẩm “Cội rễ”

Dù ở thời điểm nào, hóa thạch triệu năm hoặc vừa sinh ra, mỗi mầm sống, mỗi tế bào đều trọn vẹn trong nó chu trình bất tử thiêng liêng của sự sống. Ở dạng hình khối điêu khắc, mỗi mầm sống, dù ở các biến thể đa dạng khác nhau, nhưng chúng đều có một mã nguồn chung, mã này chính là hình thể của hạt lúa - nơi tàng ẩn thông điệp Bùi Hải Sơn đã mặc khải và muốn chia sẻ với công chúng.

Với triển lãm sắp đặt điêu khắc lần này, nghệ thuật của Bùi Hải Sơn tự nhấn mạnh lần nữa đặc điểm hài hòa giữa lý tính và tình cảm.

Phần lý tính là nền tảng học vấn vững chãi, phong cách tạo hình tối giản, tập trung vào cảm thụ khách quan về vật chất (ví dụ cảm thụ bề mặt tự nhiên của các khối kim loại, ánh sáng tạo ra từ khối kim loại), vào ý nghĩa, nguồn gốc sử dụng vật liệu (như tái sử dụng gỗ sao - loại gỗ chuyên đóng ghe thuyền vùng cù lao Ông Chưởng); là khả năng hàng đầu về cảm thụ và xử lý các chất liệu điêu khắc mới như thép không rỉ, kính, mica (flexiglass).

Triển lãm 'Khải huyền' của Bùi Hải Sơn: Những chiêm nghiệm siêu hình về hạt lúa - Ảnh 6.

Tác phẩm “Trầm tích”

Phần tình cảm chính là niềm tin chân lý tôn giáo mà ông hấp thụ, cái gốc văn hóa miền Tây Nam bộ đã sinh dưỡng ông.

Bằng lý tính và tình cảm, Bùi Hải Sơn đã trình bày "khải huyền" của riêng ông - "khải huyền" của một nghệ sĩ điêu khắc, nó hứa hẹn chắc chắn sẽ cung cấp những trải nghiệm thị giác và tinh thần đặc sắc cho công chúng.

"Hạt lúa là chứng nhân tinh thần về cuộc di dân của dân tộc Việt về phương Nam. Ngoài ý nghĩa về nguồn gốc, nó còn là đích đến của một hành trình nhiều gian lao, thử thách" - Bùi Hải Sơn.

Vũ Huy Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm