Trang Trịnh: Viết nhật ký trên cây đàn dương cầm

10/02/2011 14:47 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Ngày 23/2 tới đây, tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ diễn ra một chương trình độc tấu piano đặc biệt của nghệ sĩ trẻ Trang Trịnh có tên là Nhật ký dương cầm. Có thể dùng 2 từ “đặc biệt” là bởi không giống những chương trình độc tấu piano khác, nội dung biểu diễn có cốt truyện, và sẽ giống như những dòng nhật ký của cây đàn về những bàn tay đã lướt qua phím đàn…

Trang Trịnh đã từng thực hiện một chương trình tương tự như vậy ở nước ngoài. Chương trình đã được người thầy của cô khen ngợi và động viên cô hãy mang về thực hiện tại Việt Nam.

Ngày 9/2 vừa qua, Trang Trịnh đã có buổi họp báo công bố về chương trình. TT&VH đã có cuộc trò chuyện với cô nghệ sĩ piano xinh đẹp sinh năm 1986 này.

Nhiều người đã hiểu nhầm về sonate Ánh trăng

* Điều gì đã khơi nguồn cho Trang Trịnh lên một chương trình về chiếc đàn piano biết kể chuyện?

- Có thể gọi đây là chương trình “Piano sáng tạo” được dàn dựng có kịch bản, có chuyện kể xuyên suốt. Tôi đã bắt đầu ý tưởng này khi nảy ra suy nghĩ rằng, nếu như trên thế giới chỉ còn có một cây đàn piano thì cây đàn ấy sẽ kể những chuyện gì?

Tôi vẫn thường nghĩ cây đàn biết kể chuyện. Khi trên thế giới còn có một cây đàn, chắc chắn sẽ có nhiều bàn tay lướt trên phím đàn, những bàn tay ấy là những số phận của con người và cây đàn sẽ kể về những số phận ấy. Cùng với đàn thì tôi cũng mong muốn sẽ mở thêm những cánh cửa khác nữa, ví như cánh cửa của nhiếp ảnh. Bạn tôi là một nghệ sĩ nhiếp ảnh và sẽ thực hiện những bức hình phù hợp với bản nhạc. Tôi nghĩ đây là một cách để khán giả tiếp cận gần hơn với âm nhạc cổ điển theo một cách mới.

* Trong những câu chuyện mà cây đàn piano của Trang Trịnh sẽ kể vào đêm diễn, liệu có câu chuyện nào của riêng Trang Trịnh không?

- Tôi có một đề tài nghiên cứu thạc sĩ về Beethoven với bản nhạc sonate Ánh trăng. Từ trước tới nay người ta luôn hiểu nhầm đây là câu chuyện lãng mạn về tình yêu, nhưng sau khi tôi nghiên cứu và tham khảo nhiều tài liệu thì tôi thấy không phải, đó là cảm xúc buồn trước một lễ tang. Tôi biết hiện vấn đề này vẫn còn tranh cãi nhưng tôi nghĩ những gì tôi tìm hiểu là đúng, bản nhạc rất buồn, cô đơn chứ không lãng mạn như mọi người thường hay thể hiện về nó. Tôi có một người bạn mất cha sớm, khi tôi thể hiện nghiên cứu của tôi cho bạn đó, bạn đó cũng đã cảm nhận được điều đó.

* Vậy tức là Trang Trịnh nghĩ rằng mình đúng, còn nhiều người đã hiểu sai?

- Một số nghệ sĩ piano tên tuổi trên thế giới cũng đồng tình điều đó, họ đều là những người chuyên về âm nhạc cổ điển Vienna, bằng chứng là bản nhạc này xuất phát từ vở nhạc kịch của Mozart và đó là đoạn về lễ tang, cùng cái melody (giai điệu) đó, Beethoven chỉ chuyển giọng và mang sang sonate Ánh trăng. Thực tế, sonate Ánh trăng đã sống với thời gian cùng với những huyền thoại xung quanh nó, cũng rất khó thay đổi suy nghĩ của người ta. Hầu hết đều cho đó là câu chuyện tình yêu của Beethoven, người thì nói rằng Beethoven đang đi trên đường và nhìn thấy một cô gái mù, ông muốn mang đến cho cô một ánh trăng vì cô không nhìn thấy gì cả. Giả thuyết khác nữa là Beethoven có một mối tình đẹp và đây là bài nhạc viết tặng cho mối tình đó... Nhưng, tôi tin là cách thể hiện mà tôi nghĩ sẽ đúng với tinh thần tác phẩm hơn.

Cú sốc lớn khi về Việt Nam

* Với một chương trình mới được gọi là “Piano sáng tạo”, chắc chắn Trang Trịnh và ê kíp của mình sẽ phải chuẩn bị rất nhiều để khán giả có thể tiếp cận được với một hình thức nghe nhạc cổ điển mới như thế?

- Mục đích của tôi là muốn có một chương trình để mọi người đều thấy piano hay nhạc cổ điển không xa lạ, rất bình thường thôi. Bởi thực tế những người viết nên những bản nhạc ấy cũng là những người bình thường, tôi nghĩ Beethoven cũng vậy.

Để chuẩn bị cho chương trình này chúng tôi đã thực hiện một cái trailer 30 giây. Trong đó, tôi mang một cây đàn piano ra giữa sân Nhà hát Lớn Hà Nội trước mọi người và chơi. Mọi người cứ đi qua mà không ai để ý đến, chỉ có một em bé để ý đến và đứng xem...

Điều mà tôi muốn chuyển tải là tôi là nghệ sĩ, tôi cố gắng chơi đàn thật hay, chơi với tất cả tấm lòng và sự chân tình của mình. Vấn đề chính là khán giả có mở lòng ra với nghệ thuật hay không, có dừng cuộc sống bề bộn để đến Nhà hát Lớn và lắng nghe một chút không mà thôi.

* Có vẻ như Trang Trịnh khá băn khoăn với việc khán giả Việt Nam có đón nhận âm nhạc của mình không?

- Trước đây tôi đã từng gặp một cú sốc lớn trong đời. Đó là khi tôi bị chấn thương tay trái, không đàn được. Tôi đã rất tuyệt vọng, tôi không thể hình dung nổi cái ngày mình không thể đàn. Nhưng cú sốc đó vẫn chưa thể bằng với cú sốc tinh thần mà tôi gặp khi về Việt Nam mà mới đây tôi mới hồi phục được.

Đó là khi tôi về Việt Nam, tôi thường được nghe một câu nói là “khán giả không hiểu nhạc cổ điển đâu, hãy ra nước ngoài đi. Biểu diễn nó ở Việt Nam chỉ như “đàn gảy tai trâu thôi”. Và rằng, có làm chương trình làm gì thì cũng không bán được vé đâu, chỉ phát vé mời thôi...

Tôi buồn và bi quan lắm, nhưng rồi tôi nghĩ là nhiệm vụ của người nghệ sĩ là cống hiến âm nhạc cho khán giả, không nên quan niệm về chuyện “đàn gảy tai trâu”. Tôi được nghệ sĩ piano Bích Trà động viên. Cô ấy có nói với tôi là phải nhớ là đừng có xem thường khả năng tiếp nhận của khán giả. Điều đó làm tôi tự tin hơn. Điều làm cho người nghệ sĩ đau khổ nhất là không được chia sẻ với ai cả. Không ai nghe được tôi nghĩa là tôi không được chia sẻ - và điều đó làm người nghệ sĩ đau đớn hơn bất kỳ nỗi đau nào khác.

Mỹ nữ sợ gương lược

* Từng bị chấn thương tay tưởng không đàn được, vậy cách nào đã giúp Trang Trịnh đàn trở lại?

- Đó là một điều kỳ diệu và là sự may mắn. Sau khi bị chấn thương, bác sĩ yêu cầu tôi ngừng đàn và điều trị. Nhưng, tôi đã may mắn gặp được một bác sĩ chuyên điều trị đôi tay cho các nghệ sĩ piano. Anh đã chữa lành tay tôi. Nhớ lại khoảng thời gian sau đó, tôi vẫn kinh sợ. 7 tháng trời tôi phải tập đàn lại từ đầu. Anh đặt bên cạnh cây đàn của tôi một tấm gương và tôi nhìn vào gương để luyện tay. Giờ tôi sợ gương vô cùng. Giờ đây, tôi không để trong phòng mình một tấm gương nào cả. Hễ nhìn thấy gương là tôi nhớ lại thời kỳ đó.

* Là con gái thì luôn gắn với gương lược, nhất là nghệ sĩ biểu diễn còn phải trang điểm, sợ gương thì làm sao làm được những việc đó?

- Đấy cũng là một khó khăn mà tôi phải vượt qua, nhưng tôi may mắn có nhiều người giúp như mẹ chẳng hạn, nhưng nói chung là tôi sợ gương nhất là gương để cạnh đàn.

Thành tích đáng nể của cô gái 8X Trang Trịnh

Trang Trịnh sinh năm 1986 tại Hà Nội. Theo học giảng viên Mai Thu Thủy tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, sau khi giành được giải cao nhất trong cuộc thi Tài năng trẻ năm 1996, 1997, cô liên tục được tham dự các chương trình âm nhạc cổ điển phát sóng trên VTV.

Năm 2004, cô theo học với 2 vị giáo sư lỗi lạc là Christopher Elton và Hilary Coates. Khi ấy Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh đã qua kỳ tuyển sinh. Nhưng vì sớm thấy được khả năng phát triển vượt trội của Trang Trịnh, 2 vị giáo sư đi đến một quyết định bất ngờ, lần đầu tiên trong đời họ đã thuyết phục Học viện Hoàng gia tổ chức lại hội đồng chấm thi dành riêng cho Trang Trịnh. Bất ngờ hơn, hội đồng đã đồng ý và cuối cùng Trang Trịnh được chọn, chính thức vào học tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh (RAM) với học bổng Sterndale Bennett.

Năm 2006, cô đoạt giải cao nhất trong cuộc thi chọn người độc tấu trong Festival Paganini. Năm 2007 giành giải Francis Simmer Prize - Giải dành cho người xuất sắc nhất cuộc thi độc tấu piano và giải Lilian Davis Prize - Cuộc thi biểu diễn các tác phẩm Sonata - Beethoven. Năm 2008, cô được giải Gretta GM Parkinson Prize 2008 - Giải thưởng cho người có thành tích học tập xuất sắc. Cô còn đoạt được nhiều giải thưởng khác như: giải Nhì trong cuộc thi Beethoven (London RAM) - 2008; Giải Mozart Prize (cuộc thi Jacque Samuel Competition) - 2009. Năm 2010, Trang Trịnh đã hoàn thành xuất sắc bằng Thạc sĩ Âm nhạc chuyên ngành biểu diễn tại RAM và thực hiện chuyến lưu diễn châu Âu đầu tiên với các buổi biểu diễn độc tấu tại Vienna, Dublin, Belfast, Enns, London. Năm 2011 cô sẽ tiếp tục biểu diễn tại Madrid, Cantebury, các thành phố khác của Anh và tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.

Lan Xuân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm