Trần Quốc Toàn với phố hàng thương, hàng nhớ

22/04/2024 18:00 GMT+7 | Văn hoá

Đây là tác phẩm mới nhất của nhà văn Trần Quốc Toàn, lại không viết cho/về thiếu nhi, mà viết về tình yêu Hà Nội. Tập truyện ký Phố hàng thương hàng nhớ (NXB Dân trí) chính là nỗi niềm của một chàng trai xa Hà Nội từ trẻ, mang theo nỗi nhớ khôn nguôi trong cuộc hành phương Nam.

1. Trần Quốc Toàn tự bạch: "Sinh ở Hàng Ngang, lớn lên ở Hàng Trống, đón sự kiện tiếp quản Thủ đô ở ngã tư Hàng Bông - Hàng Gai, Hàng Hòm, Hàng Trống, rồi xa Hà Nội từ phố Hàng Thùng… Bây giờ nhìn về nơi ấy thấy đâu đâu cũng là hàng nhớ, hàng thương! Nhớ quá thì tìm người Hà Nội đang xa Hà Nội mà hàn huyên".

Đây là tuyển tập gồm 10 truyện ngắn và 9 bút ký, đóng góp vào gia tài sáng tác đã lên đến 38 đầu sách của Trần Quốc Toàn, bao gồm cả sáng tác, nhận định và phê bình văn học.

Trần Quốc Toàn với phố hàng thương, hàng nhớ - Ảnh 1.

Nhà văn Trần Quốc Toàn

Trong Phố hàng thương hàng nhớ, độc giả có thể thấy đó là bóng hình, là đất, là người, có khi lẩn khuất, khi hiển lộ, làm nên một miền hoài nhớ. Một xứ sở có thể là quê hương chung của muôn triệu con người, nhưng đồng thời là một mảnh tình riêng, biến hóa theo ký ức của mỗi cá nhân.

Trần Quốc Toàn đã chọn tranh của họa sĩ Thành Chương làm bìa, bức tranh gợi nhắc người xem đến cầu Long Biên, một trong những biểu tượng của Hà Nội, hình ảnh nổi bật hiện lên tâm trí nhiều người mỗi khi nhắc đến Thủ đô.

Trần Quốc Toàn với phố hàng thương, hàng nhớ - Ảnh 2.

Tập truyện ký “Phố hàng thương hàng nhớ”

Hà Nội trở đi trở lại trong trang viết của Trần Quốc Toàn, trong những khuôn mặt người của một thời đã xa và cả con người ở thời điểm hiện tại. Ông thấy cả Hà Nội thân thương giữa đường xá TP.HCM, nơi ông đang sinh sống, "Hà Nội ba mươi sáu phố phường là Hà Nội thời Thạch Lam (1910 - 1942), xưa rồi Diễm ơi! Bây giờ Hà Nội đã có phố thứ ba mươi bảy ở TP.HCM này hay xa hơn nữa!"

Vẫn là những dòng trích từ bút ký Phố hàng thương hàng nhớ. Bài bút ký này được tác giả chọn in ở cuối cùng như một lời chào tạm biệt, khép lại cuốn sách. Tựa hồ món ngon thường phải để dành để ăn sau, như màn hay đợi đến hồi cuối. Có thể nói tùy bút này gói gọn lại những gì Trần Quốc Toàn muốn tỏ bày trong phần lớn cuốn sách.

Trần Quốc Toàn với phố hàng thương, hàng nhớ - Ảnh 3.

2. Tuy vậy, bước chân ông không chỉ quanh quẩn Hồ Gươm, nó còn ngược sông Đà, xuôi sông La Ngà (Đồng Nai), vào gần Vũng Tàu, rồi đến tận chân Núi Sam (An Giang)… Mọi trang văn xuôi của Trần Quốc Toàn được đúc từ trải nghiệm thực tế và tiệm cận thể loại ký. Như truyện ngắn Một chiều Hồ Gươm kết thúc bằng dòng "hồ sơ khoa học": "Câu chuyện xảy ra chiều 12/1/2004 nhằm 21 tháng Chạp Quý Mùi, tôi có ghi đầy đủ trong hồ sơ khoa học của mình".

Nhân vật ông sống động, đời thường, như thể ta có lẽ đã gặp họ đâu đó rồi, trong cái cuộc sống hằng hữu không ngừng tuôn chảy này. Qua những mảnh đời thường đó, tác giả muốn gửi gắm tâm tình như ở truyện ngắn Dưới chân núi Sam kết lại bằng một lời khẳng định: "Vòng tròn giáo dục chẳng bao giờ dừng lại".

Trần Quốc Toàn với phố hàng thương, hàng nhớ - Ảnh 4.

Bìa 4 in một phần tự bạch của tác giả

Độc giả quen thuộc với nhà văn Trần Quốc Toàn, chắc không xa lạ với vấn đề giáo dục, với văn học thiếu nhi, mà ông dành nhiều tâm huyết. Trong sự nghiệp của mình, quá nửa các tác phẩm Trần Quốc Toàn viết cho và về thiếu nhi, tiêu biểu như Thưởng trăm roi (1985), Trái đất này có nhiều chuyện lạ (1987), Nhà có đội xiếc thú (1989), Tháp Mười nhỏ (1988), Sở thú mười hai con giáp (1994), Cây me nước đeo vòng cẩm thạch (1999), Vườn cây cổ tích (2008), Đội hiệp sĩ @ (2008), Học trong bụng mẹ (2010)…

Ông cũng thể hiện mình là một ngòi bút nhạy cảm, cập nhật tình hình thời sự. Khi đại dịch Covid-19 vừa kết thúc, ông cho ra mắt tác phẩm viết cho thiếu nhi Covid chưa qua, cô Vịt đã tới vào năm 2023.

Trần Quốc Toàn cũng là tác giả có thơ được in trong sách giáo khoa, cụ thể là bài Mẹ và cô in trong Tiếng Việt 1, tập 2, từ hơn 20 năm trước.

Là tác giả viết cho thiếu nhi, nên Trần Quốc Toàn dành nhiều cảm mến cho các tác giả đồng nghiệp. Các bài ký chân dung trong Phố hàng thương hàng nhớ đã dành nhiều trang hồi ức đẹp cho Thy Ngọc, Tô Hoài, cho Trần Văn Thụ - tác giả của ca khúc thiếu nhi dễ thương Năm ngón tay ngoan.

Có thể xem Phố hàng thương hàng nhớ là quãng lặng để Trần Quốc Toàn dạo bước ra khỏi địa hạt thiếu nhi quen thuộc mà đến với thế giới "người lớn" nhiều hơn. Đó là những trang văn viết cho mình, cho một thời đã qua, về những con người, những nơi chốn sẽ chỉ còn là ký ức. Và cả Hà Nội nữa chứ! Một Hà Nội có thể "cầm được trên tay trong suốt và vàng óng như soi vại bia hơi đang cười bọt trắng dưới nắng thủy tinh nhạc Trịnh Công Sơn".

10 truyện ngắn và 9 bút ký

10 truyện ngắn trong "Phố hàng thương hàng nhớ" gồm: Học cười, Một chiều Hồ Gươm, Thầy là Hà Nội của tôi, Từ sông Đà tới sông La Ngà, Gần tới Vũng Tàu, Một chục mười tám trái xoài, Người mẫu vô danh, Giữ tên miền, Dưới chân núi Sam.

Bên cạnh đó là 9 bút ký gồm: Lịch sử ngày ấy đang đi ngay trước mặt mình, Học viết, học đọc, học chơi với người, Hà Nội Tô Hoài, Anh bồ câu trắng vẫn bay, Những chuyện rất người trong những trang viết về loài vật, Hòa âm Nhật - Việt dưới mái vòm động Phong Nha, Bằng văn Việt xác định chỗ đứng của người Việt, Làng đại học trên Kẻ Bưởi, Phố hàng thương hàng nhớ.

An Kha

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm