Trăm năm chợ hoa cổ Hàng Lược

12/02/2015 13:31 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Từng là chợ hoa Tết lâu đời, nhộn nhịp nhất Hà Nội, vậy nhưng sự phát triển của đô thị đã khiến phố Hàng Lược trở nên trầm lắng và... trật tự hơn hẳn trong những ngày này.

Trước đó, vào tối 18 tháng Chạp (tức này 6/2), chợ hoa Hàng Lược được khai trương,với đoạn phố gần 300 mét kéo dài từ phố Gầm Cầu tới Hàng Mã, cộng cùng các khu vực phụ cận tại Hàng Rươi, Hàng Chai, Hàng Khoai...

Chợ hoa chỉ để... ngắm

Chiều 23 tháng Chạp, PV Thể thao & Văn hóa có mặt tại cổng A của chợ hoa Hàng Lược. Không như dịp tết Trung Thu, bãi gửi xe ở góc Hàng Cót- Hàng Lược khá thưa người. Vài chục chiếc xe máy nằm tại đây với mức giá 10.000 đồng/xe – khá rẻ so với chính phố cổ trong những ngày lễ hội.

Nửa đầu phố Hàng Lược (tới ngã tư Hàng Khoai) chủ yếu dành cho hoa đào. Hai bên vỉa hè, người bán ngồi san sát, tràn cả xuống lòng đường. Như lời chia sẻ của họ, phần lớn đào ở đây được mang về từ Nhật Tân, Phú Thượng và các vùng phụ cận. Chủ yếu, đào dăm và đào cành xuất hiện, còn các loại đào thế, đào rừng thì ít hơn rất nhiều.

"Ngồi ở phố cổ rất chật, đường vào lại hạn chế xe tải nên đào rừng Tây Bắc chẳng mấy khi vào đây. Còn đào thế, người ta thường tìm tới các vườn đào để... đặt người trồng uốn, nắn cây đào ngay từ vài tháng trước" – một người bán hàng kể. "Dân Hà Nội bây giờ ăn chơi cũng cầu kỳ lắm. Vào đây đi bộ ngắm phố là chính, rồi lại quay ra lấy xe, ngược lên đường lớn ở Nhật Tân".

Đào phai lẫn đào bích tại Hàng Lược được bán với giá khá dễ chịu, chỉ từ 200 ngàn – 400 ngàn đồng/cành. Vậy nhưng, so với cảnh tấp nập trong cùng thời điểm ở chợ hoa Quảng An hay "khu phố đào" Nhật Chiêu, lượng người mua đào ở đây lại ít hơn hẳn. Dòng người trên đường thong dong thả bộ theo kiểu... vừa đi vừa ngắm, thảng hoặc mới dừng lại trước một cành đào ưng ý để hỏi mua. Một đoạn phố hoa Hàng Lược là nơi bày bán đủ loại hoa giả, hoa thật, chen lẫn với những phật thủ và bưởi hồ lô đang là mốt.

Chùa Vĩnh Trù (59 Hàng Lược) được kì vọng trở thành "điểm nhấn" chính của phố hoa Hàng Lược với việc duy trì một sân khấu biểu diễn xẩm và ca trù hàng đêm. Thế nhưng, đến tận 8 giờ tối, lượng người dừng bước tại đây cũng chủ yếu là những người dân Hàng Lược, cộng thêm vài du khách nước ngoài có mặt trong phố cổ.


Chợ hoa Hàng Lược đã bớt cảnh nhộn nhịp

Và sự thất vọng với người hoài cổ

Chợ hoa Hàng Lược năm 2015 không đìu hiu, nhưng cũng chỉ giống như một chợ hoa có quy mô vừa phải. Nếu đến lần đầu, chẳng ai nghĩ đó từng là chợ hoa lớn nhất Hà Nội và có tuổi đời ngót nghét cả trăm năm. Không ai nhớ chính xác thời điểm chợ hoa Hàng Lược bắt đầu hình thành. Nhưng, một cuộc triển lãm ảnh được Tạp chí Xưa và nay tổ chức tại đây cho thấy: từ năm 1912, người ta đã bắt đầu mua, bán đào Tết tại khu Hàng Lược.

"Thời Pháp thuộc đầu thế kỷ XX, nghề truyền thống tại các phố Hàng ít đi dần. Rồi cùng với quá trình đô thị hóa, khu phố cổ dần trở thành nơi buôn bán" – PGS Nguyễn Văn Huy nói về việc hình thành phố hoa Hàng Lược- "Trong quần thể chợ đầu mối ấy, một đoạn phố dành cho hoa, đào vào dịp tết cũng là chuyện bình thường".

Ông Huy kể rất hào hứng về phố hoa Hàng Lược trong lịch sử Hà Nội. Đó là nơi mà khi còn nhỏ, ông vẫn được cha mình – học giả Nguyễn Văn Huyên – dắt tới vào dịp Tết. Chợ hoa Hàng Lược năm chỉ họp một phiên, từ ngày ông Táo lên trời. Khi ấy, thời chiến tranh, Hà Nội nghèo, nhưng mỗi gia đình vẫn sắm một cành hoa đào truyền thống cho ngày Tết. Đào mang về đây chủ yếu là giống đào bích ở Quảng Bá, Nhật Tân, với màu thắm đủ làm ấm lên cả một phố Hàng Lược, bên những dòng người trong bộ quần áo không thể sặc sỡ như bây giờ...

Bản thân người viết cũng vẫn nhớ cảnh chen chúc nườm nượp ngay từ vườn hoa và tháp nước Hàng Đậu từ cách đây chỉ khoảng chục năm. Khi ấy, phố hoa Hàng Lược chủ yếu chỉ bán đào và tấp nập còn hơn Nhật Tân, Quảng Bá bấy giờ. Người tấp nập đổ về, sinh viên Hà Nội vẫn thường rủ nhau tới Hàng Lược, chọn và mặc cả để mua vài cành đào đẹp rồi lập tức bán lại, kiếm thêm chút tiền tiêu tết. Khách nghèo thì thường chờ tới đêm 29, 30 để mua loại "đào củi" còn sót lại của chợ hoa. Những cành đào mua giờ chót ấy thường là đào mãn khai đã nở bung, nhưng vẫn đủ để bày trong 3 ngày tết. Ngược lại, khách trong Nam mua đào về bày thường thích những cành đào chỉ toàn nụ, bởi cái nóng của miền Nam sẽ giúp hoa đào nở nhanh và sớm hơn khá nhiều.

Hà Nội bây giờ phát triển theo hướng đa trung tâm, khiến những chợ hoa, chợ đào nở ra khắp chỗ. Đơn cử, không kể những "chợ cóc" nhỏ lẻ chỉ riêng trong Tết 2015 này đã có tới 49 điểm chợ hoa được thành phố thống kê và đứng ra tổ chức. Điểm bán"giãn đều" về muôn nơi, phố Hàng Lược sau cả trăm năm tồn tại lại đang trở thành một chợ hoa... vừa vừa, thiên về phục vụ cộng đồng phố Hàng và những người hoài cổ. Thất vọng vì bớt cảnh nhộn nhịp hay hào hứng vì sự ngăn nắp, chỉn chu so với trước đây – điều ấy là câu chuyện từ tâm trạng của những người tới Hàng Lược mua đào...

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm