'Touch by touch' - Hoài niệm tuổi thanh xuân

07/08/2016 14:23 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Một loạt những chương trình tôn vinh nhạc disco đang được nhiều đài truyền hình quốc tế phát lại trong mùa Hè này. Nhiều thập kỷ trôi qua nhưng những giai điệu disco vẫn được yêu thích rộng khắp.

Giờ là lúc lục lại tủ băng cũ để nghe lại những điệu nhạc từng làm giới trẻ mê đắm trong thập niên 1980. Một trong số đó, Touch by touch, xứng đáng được nghe lại nhiều nhất.

Từ những cậu trai làng nhàng…

Touch by touch không phải là bài hát tầm thế giới và nó cũng chẳng có số má gì trên những bảng xếp hạng tại Anh, Mỹ vào tháng tháng 9/1985 khi được chính thức trình làng. Nhưng tại châu Âu và châu Á, nó có một số phận đặc biệt khi đưa một nhóm nhạc làng nhàng tại Áo trở thành những ngôi sao ca nhạc được yêu thích nhất.

Nước Áo từng là cái nôi của âm nhạc cổ điển, nơi sinh ra rất nhiều nhà soạn nhạc trứ danh như Mozart, Mahler, Johann Strauss hay Schubert… Nhưng vào đầu năm 1980, nước Áo không còn là thủ phủ của âm nhạc khi nhạc punk của người Mỹ và châu Âu đang tràn khắp và giới trẻ thì vẫn đang say mê rock. Nước Áo đang thiếu những đại diện tiêu biểu của âm nhạc đương thời.

Lúc ấy, ở một thị trấn nhỏ có tên gọi Bad Aussee bỗng xuất hiện 3 chàng trai tuổi chỉ vừa đôi mươi, quyết định thành lập một nhóm nhạc lấy tên là Joy. Gọi là một sự kiện bởi thị trấn này chỉ có chưa tới 8.000 dân và chưa từng có một nhóm nhạc nào được xem là tên tuổi.


Single "Touch by touch" của nhóm Joy phát hành tháng 9/1985

Ba chàng trai này: Andy Schweitzer, Freddy Jaklitsch, Manfred Temmel trước đó học chung trường, từng lập ban nhạc chơi trong các lễ hội. Tốt nghiệp xong, người trở thành giáo viên dạy lịch sử, người làm cảnh sát, kẻ làm DJ ở các hội quán địa phương.

Vào một ngày cuối năm 1983, họ gặp lại nhau và hàn huyên chuyện cũ, những câu chuyện không đầu không đuôi nhưng hạt nhân vẫn là âm nhạc. Họ hồ hởi và nuối tiếc những ngày tháng tươi đẹp đã qua. Bất giác lúc đấy Andy Schweitzer lên tiếng “Hay là chúng ta lập một ban nhạc, lần này chơi chuyên nghiệp và đi tới cùng”?

Cả nhóm vỗ tay, họ quyết định tất cả bỏ hết sự nghiệp đang dang dở để nuôi ước mơ thuở bé, lập một ban nhạc cho ra ngô ra khoai.

Lúc ấy nước Áo là một quốc gia yên bình, như Andy Schweitzer nhớ lại, và có lẽ vì thế mà tránh được sự xâm lăng của dòng nhạc punk đang làm điên đảo khắp nơi.

“Nhưng disco thì được yêu mến vô cùng, từ những hội quán danh tiếng đến những bữa tiệc gia đình ngoài trời, ở đâu cũng có disco, cũng có nhạc dance, new wave, điện tử và chúng tôi quyết định đi theo dòng này”, Andy Schweitzer nói thêm.

Cả nhóm tập trung ở nhà Andy Schweitzer, dưới căn hầm tối mịt nhưng lại đầy niềm vui. Họ mày mò sáng tác, lắp đặt những âm thanh mới và tìm tòi chất liệu.

Nhưng vẫn chẳng có hãng đĩa nào nhận Joy, ở đâu cũng cho rằng nhóm này không có tương lai và âm nhạc thì chán.

Phải vài tháng sau, vào năm 1984, Joy mới được hãng đĩa nổi tiếng của Áo, OK Musica, ký hợp đồng. Ông chủ hãng đĩa còn đích thân giao nhóm cho nhà sản xuất danh tiếng, Michael Scheickl, dìu dắt với quyết tâm biến nhóm nhạc này thành một thương hiệu ăn khách.

… đến thương hiệu ăn khách

Sản phẩm đầu tiên của Joy ra mắt vào tháng 2/1985 có tên gọi Lost in Hongkong (Lạc lối ở Hongkong) gây được sự chú ý nhè nhẹ. Điều đáng nói, đây là sáng tác của nhà sản xuất Michael Scheickl và điều đó vẫn cho thấy những sáng tác của bản thân Joy chưa thật sự thuyết phục để hãng đĩa quyết định sản xuất.

Điều đó làm cho bộ đôi sáng tác của nhóm, Andy Schweitzer và Freddy Jaklitsch, suy nghĩ. Sự mày mò bấy lâu của họ không ăn thua và bây giờ cần phải tìm thêm chất liệu mới. Andy nghĩ rằng nếu đi theo kiểu disco Mỹ thì họ không thể nào làm hay được nhưng nếu vẫn trên nền nhạc điện tử, họ chú tâm vào phần giai điệu với hòa âm thật dễ nghe và sôi động thì có lẽ sẽ gây được sự chú ý.

Và thế là cả hai cùng ngồi sáng tác một ca khúc mới. Họ dựa trên tứ là một câu chuyện tình cảm của một đôi nam nữ, cả hai đang say đắm nhau và cả ngày lẫn đêm vẫn “touch by touch” (vuốt ve) và chàng trai thì dùng những lời đường mật nhất để ca tụng cô gái và thề nguyền sẽ mãi ở bên nhau.

Dùng tứ này là Joy muốn hướng đến đám đông công chúng trẻ để có thể “ăn ngay”. Tiếp đến họ xây dựng một cấu trúc giai điệu gọn nhẹ, dễ nghe và lồng thêm phần phối mang âm hưởng disco và new wage với keyboard làm chủ lực cộng thêm vài nhấn nhá của guitar điện. Freddy Jaklitsch là giọng ca lĩnh xướng ca khúc này.

Sáng tác xong họ đặt tên là Touch by touch. Chỉ cần nghe lần đầu tiên, nhà sản xuất Michael Scheickl đã gật đầu ngay tắp lự. Ông tin chắc đây sẽ là một bài hit mới của nước Áo.

Và quả không sai, tháng 9/1985, khi hãng đĩa OK Musica phát hành single Touch by touch thì gần như nó đã càn quyết hết các bảng xếp hạng châu Âu và châu Á. Bài hát đứng 14 tuần ở bảng xếp hạng âm nhạc Áo, trong đó 5 tuần đứng quán quân.

Tại Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, bài hát này đã đạt đĩa vàng khi bán ra 50 ngàn bản chỉ trong 1 tuần.

Touch by touch đã đưa Joy trở thành nhóm nhạc châu Âu được yêu thích rộng khắp. Họ trở thành nhóm nhạc hiếm hoi được mời diễn ở Liên Xô trước cử tọa khổng lồ. Nhiều tờ báo châu Âu đã ví họ như cánh chim đầu đàn của dòng eurodance đang rất được hâm mộ. Có tờ báo còn giật tín rằng “Nhịp điệu châu Âu – Eurobeat, được sản sinh từ nước Áo” như thể họ là Mozart của disco vậy.

Tại các nước châu Á, bài hát này len lỏi khắp nơi và thành công vang dội. Giai điệu du dương của nó được cả bọn nhóm tì cũng thuộc lòng. Tại Việt Nam những năm ấy, nguồn băng cassette của nhóm Joy bao giờ cũng cháy hàng và sau đó phải nhập thêm cả băng lậu của Thái Lan. Còn trên ti vi, trong những chương trình ca nhạc nước ngoài, 3 chàng trai của nhóm Joy chưa bao giờ vắng mặt.

“Rõ ràng con đường âm nhạc của chúng tôi thẳng tiến từ thành công của Touch by touch”, Andy Schweitzer nhớ lại. Nhờ thành công của single này, họ quyết định làm album đầu tay lấy tên gọi Hello cũng là một thành công bom tấn ở châu Âu và châu Á. Ngoài Touch by touch còn có thêm bản Hello (ở Việt Nam hay gọi nhầm thành Hey Hello) cũng thành công vang dội.

Những buổi diễn đông nghẹt người tại Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) hay Korea đã đưa nhóm Joy được hâm mộ không kém gì chứng cuồng Beatles ở châu Á như Andy Schweitzer nhớ lại. “Chỉ có điều, nếu Beatles có bảo vệ ngăn cản còn chúng tôi thì không cần, bởi vì chúng tôi muốn bắt tay với tất cả fan hâm mộ”.

“Chúng tôi giờ đã già nhưng sẽ vẫn sẵn sàng đứng trên sân khấu đến lúc nào mà công chúng vẫn còn quý mến. Âm nhạc của chúng tôi mang đến niềm vui, ca ngợi tuổi trẻ và vì thế tôi tin Touch by touch hay nhiều ca khúc khác của nhóm vẫn được yêu thích bất chấp thời gian là bởi chúng được viết ra cho tuổi trẻ”, Andy Schweitzer tâm sự.

"Touch by touch" ở Việt Nam

Rất nhiều ca sĩ Việt Nam đã hát lại bài này như Lê Tuấn, Ngọc Sơn… và một thời Touch by touch là bài hát không bao giờ thiếu ở những quán café hay vũ trường.

Năm 2014, vua nhạc sến Ngọc Sơn còn phát hành lại bài này với tựa đề Việt ngữ, Đến với nhau và vẫn tiếp tục được yêu thích.

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm