Tinh thần phố thị

14/10/2023 08:47 GMT+7 | Văn hoá

Ngó ngang ngó dọc mới thấy không có nước nào có cái làng, cái chợ độc đáo như Hà Nội một thời. Ấy là tôi đang nói về Hà Nội băm sáu phố phường. 

Giới hạn đó là "Phía Nam là các phố Hàng Gai, Hàng Bông, Cầu Gỗ, Hàng Thùng; phía Bắc là Hàng Đậu; Phía Tây là phố Phùng Hưng; phía Đông là đường Trần Nhật Duật và đường Trần Quang Khải".

Trong sách Việt Nam thi văn hợp tuyển của Dương Quảng Hàm có nội dung như sau: "Rủ nhau chơi khắp Long thành/ Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai/ Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai/ Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay/ Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giầy/ Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn/ Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Ngang/ Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Than, Hàng Đồng/ Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông/ Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè/ Hàng Thùng, Hàng Bát, Hàng Tre/ Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà/ Quanh đi đến phố Hàng Da/ Trải xem hàng phố, thật là cũng xinh/ Phồn hoa thứ nhất Long thành/ Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ/ Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ/ Bút hoa xin chép vần thơ lưu truyền". 

Tinh thần phố thị - Ảnh 1.

Minh họa "Hà Nội băm sáu phố phường" của hoạ sĩ Đào Hải Phong

Ca dao viết thế nhưng vẫn thiếu một số phố như Hàng Vải, Hàng Bún, Hàng Lọng, Hàng Cháo, Hàng Chiếu, Hàng Bột, Hàng Than, Hàng Dầu, Hàng Chĩnh, Hàng Bông Nhuộm, Hàng Mành, Hàng Cá, Hàng Rươi, Lò Sũ, Lò Rèn, Hàng Đường và phố Hàng Đào nổi tiếng...

Một bạn viết: "Theo Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long, con số "ba sáu" phố phường có lẽ chỉ là số tượng trưng như điệu hát cửa đình 36 giọng, trong binh thư 36 chước, đánh cờ 36 nước, chứ thực ra Hà Nội có gần 80 chữ Hàng tên phố, sang thế kỷ mới mất đi gần 20 chữ.

Ví dụ: Hàng Bút vốn là đoạn cuối của phố Thuốc Bắc. Hàng Bừa và Hàng Cuốc (nay gộp lại là phố Lò Rèn), Hàng Tàn tức Hàng Lọng (nay là đoạn đầu phố Lê Duẩn), Hàng Bột (nay là phố Tôn Đức Thắng), Hàng Đàn (nay là phố Hàng Quạt), phố Hàng Màn (nay là đoạn đầu phố Hàng Giày), phố Hàng Lam (đoạn đầu phố Hàng Ngang), phố Hàng Lờ (cuối Hàng Bông), phố Hàng Nâu (nay là Trần Nhật Duật), phố Hàng Tiện (nay là đoạn đầu Hàng Gai), phố Hàng Trứng (đoạn cuối phố Hàng Mắm), phố Hàng Gạo (phố Đồng Xuân), phố Hàng Sắt (nay là đoạn đầu phố Thuốc Bắc).

Hãy nhẩn nha ngẫm lại thì đó là cái chợ lớn với đủ mặt hàng: đồ dùng từ sang trọng như hàng tàn, hàng lọng, đến bát sứ, bát đàn, dầu thắp dùng trong mỗi nhà. Đồ đựng là bồ, cót đến cái lược chải đầu cũng có tên phố đến. Hàng lờ, cái  đồ bắt cá của dân quê, đến cả củ nâu nhuộm vải cũng có tên phố. Đồ ăn từ cá đến mắm muối đường và đến cả bát cháo, đồ mã cho người âm nữa cũng không thiếu.

Quả một cái làng nghề  lạ lùng nhất với đủ thứ nghề trong dân gian cụm lại với nhau. Hà Nội lại như cái chợ đầu mối cho nước Nam với đủ mặt hàng, mới tuyệt vời làm sao. Hà Nội sống được chính là cái chợ có hoạt động phồn thịnh hay không, cấm dẹp thì nó hết cả sinh khí.

Giữ gìn Hà Nội tốt nhất hãy lấy cái cốt lõi là 36 phố phường, các khu vực phát triển thì chọn miếng đất khác bên rìa. Hà Nội sẽ giữ được tinh thần phố thị, khỏi lo chật hẹp, khỏi lo tắc đường...

Họa sĩ Đỗ Đức

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm