“Nội chiến” trong gia đình trùm sòng bạc Macau

27/01/2011 11:05 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Nhắc tới Stanley Ho (Hà Hồng Thâm), thiên hạ chẳng mấy người không tỏ ý kính nể bởi người đàn ông này vừa giỏi gây dựng sự nghiệp khi trở thành ông trùm ở “kinh đô sòng bạc” Macau, vừa nổi tiếng đào hoa vì có tới 4 người vợ và hơn chục đứa con. Nhưng chính vợ con lại vừa tặng cho Ho một đòn đau điếng, khi chuyển phần lớn cổ phiếu của ông về tay họ, qua đó gây ra một cuộc chiến xung quanh khối gia sản khổng lồ.

Chiến sự bắt đầu nổ ra khi công ty điều hành sòng bạc Sociedade de Jogos de Macau Holdings (SJM), thông báo với Sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong hôm 24/1 rằng ông Stanley Ho đã chuyển gần như toàn bộ cổ phiếu của mình cho người vợ ba và 5 trong số 16 đứa con đẻ.

Chia chác tài sản khi người còn sống

Tuy nhiên chỉ sau đó một hôm, luật sư của Ho là Gordon Oldham, đã dẫn lời ông Ho, mô tả thương vụ trên giống như “một vụ cướp”. Theo Oldham, Ho đã “kinh hoàng” khi phát hiện 100% quyền sở hữu của mình với Lanceford, công ty nắm giữ 32% lượng cổ phiếu của SJM, đã biến mất sau đợt phát hành cổ phiếu mới.

Thay vì thế ông chỉ còn nắm giữ 1% lượng cổ phiếu. Một nửa số cổ phiếu “bốc hơi” sau đó được phát hiện đã chuyển qua một công ty do vợ 3 của Ho là bà Ina Chan kiểm soát. Nửa còn lại được chuyển sang một công ty thuộc sở hữu chung của 5 đứa con người vợ hai. Cổ phiếu của SJM đã tụt hơn 5% trong ngày 26/1, nhưng vẫn đủ để khiến số tài sản tranh chấp có giá trị khoảng 12,7 tỉ HKD (1,62 tỉ USD).

"Điều khiến Ho nổi giận là ông vẫn chưa chết nhưng gia đình người vợ hai và vợ ba của ông đã vội vã tranh cãi với nhau về gia sản” - Oldham nói với hãng tin Bloomberg. Ông cũng cho biết Ho đã có ý định chia đều tài sản của ông cho 4 gia đình thuộc về 4 bà vợ. Nhưng kẻ nào đó nhúng tay vào hoạt động “đổi chủ” với lô cổ phiếu của ông đã không tuân theo ý nguyện này. “Chúng tôi đã được lệnh theo kiện tới cùng những kẻ có liên quan tới chuyện này” - Oldham nói. 

Stanley Ho ngồi cạnh vợ Ina Chan khi thông báo cuộc tranh chấp tài sản của ông đã kết thúc

Một tay gây dựng cơ đồ

Ho sinh tại Hong Kong vào năm 1921, là con trai nhà Ho Tung nổi tiếng danh giá, quyền lực và nhiều ảnh hưởng ở Hong Kong khi đó. Năm ông lên 13 tuổi, gia đình bỗng lâm cảnh khó khăn khi cha đẻ mất một lượng lớn tiền vì thị trường cổ phiếu sụp đổ. Hậu quả của chuyện này là 2 người anh của Ho tự sát còn cha ông bỏ nhà trốn đi biệt tích.

Đối với cậu bé Ho khi đó, cuộc sống đã không cho ông lựa chọn nào khác ngoài việc phải nhanh chóng làm giàu để khôi phục lại mức sống, danh dự và địa vị xã hội cũ cho gia đình. Vừa kiếm tiền nuôi mẹ vừa học, song Ho vẫn học rất giỏi và còn được trao học bổng của Đại học Hong Kong. Tuy nhiên sự học của ông dang dở do Thế chiến thứ 2 nổ ra.

Ho bắt đầu sự nghiệp bằng nghề bàn giấy ở một công ty xuất nhập khẩu do Nhật Bản sở hữu ở Macau. Với việc biết tới 4 thứ tiếng và tài năng quản lý hơn người, ông nhanh chóng giành được sự tín nhiệm của các chủ lao động và còn trở thành bạn hàng của công ty ở tuổi 22. Ho gây dựng được một số vốn kha khá đầu tiên nhờ việc buôn lậu hàng xuyên biên giới với Trung Quốc.

Năm 1943, ông lập một công ty xây dựng từ khoản tiền tích cóp được. Do ngành công nghiệp xây dựng ở Hong Kong đang bước vào thời kỳ tăng trưởng nhanh nên Ho đã thu bộn tiền. Nhưng Ho sớm nhận ra giới hạn của ngành xây dựng tại vùng đất nhỏ như Hong Kong. Ông cũng thấy rằng chỉ có cách kiếm tiền dựa trên tham vọng làm giàu của người khác mới mang tới cơ hội thu lời vô tận.

Vậy là cùng với các bạn làm ăn, gồm tay cờ bạc nổi tiếng Macau Yip Hon và đại gia Hong Kong Henrry Fok, Stanley Ho tham gia đấu giá quyền mở sòng bạc ở Macau. Kết quả là họ trúng thầu quyền một mình mở sòng bạc, với giá xấp xỉ 410.000 USD, một khoản đầu tư quá hời nếu xét tới doanh thu khổng lồ của ngành công nghiệp cờ bạc Macau. Tính tới năm 2006, Macau đã vượt Las Vegas của Mỹ về doanh số chơi bạc, qua đó trở thành “kinh đô cờ bạc” của thế giới. Năm 2002, chính phủ đã phá bỏ thế độc quyền của Ho về kinh doanh sòng bạc. Nhưng với 4 thập kỷ một mình làm mưa làm gió trên đất Macau đã là quá đủ để biến Ho thành tỉ phú. Theo tính toán của tạp chí Forbes, Ho đang đứng thứ 701 trong danh sách những người giàu nhất thế giới, với tổng tài sản trị giá 3,1 tỉ USD.

Sóng gió tạm yên

Tuyên bố của luật sư Oldham về “vụ cướp tiền” do gia đình Ho tổ chức khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên. Tuy nhiên, một nhân vật đại diện cho vợ ba và các con vợ hai của Ho đã lên tiếng phản bác. Ông này nói rằng Ho đã cung cấp các văn bản viết tay cho phép việc chuyển giao số cổ phiếu, đồng thời công khai các chứng cứ.

Chuyện đôi bên “lời qua tiếng lại” cuối cùng chỉ kết thúc khi đích thân Stanley Ho vào cuộc. Xuất hiện trên kênh truyền hình TVB hôm 26/1, Ho tuyên bố “vấn đề lớn đã được giải quyết” và xác nhận việc ông đã đồng ý chuyển cổ phiếu của mình cho vợ con. Song ông trùm cờ bạc thấy buồn về cuộc tranh chấp gia sản. "Những xáo trộn mới đây đã khiến tôi rất không vui... bởi trong 10 năm qua, tôi đã rất yêu gia đình mình” - Ho nói.

Người không vui khác trong chuyện này còn là con của bà vợ đầu Clementia. “Cha tôi đã yêu mẹ tôi tới tận ngày cuối cùng. Cha tôi luôn tự hào là người công bằng, trung thực, ngay thẳng và tôi không tin rằng ông sẽ chẳng để lại cho gia đình của mẹ tôi chút gì” - cô con gái Angela Ho nói với báo giới.

Với tuyên bố của Ho, có thể thấy sóng gió đã tạm yên. Nhưng vụ tranh chấp đã thực sự kết thúc hay chưa thì không ai có thể biết rõ.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm