Niềm đam mê tiền cổ của một thầy giáo trẻ

25/12/2009 19:29 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Từ trước đến nay, người đam mê sưu tầm đồ cổ chủ yếu là những người già đã có tuổi hoặc những nhà nghiên cứu trên lĩnh vực lịch sử, văn hóa dân tộc. Thế nhưng, có một người tuổi đời đang còn rất trẻ và cũng không chuyên về nghiên cứu lịch sử lại có một niềm đam mê đặc biệt đối với tiền xu cổ.

Đó là anh Bùi Tiến Đạt, 33 tuổi, giảng viên Trường Trung cấp Âu Lạc, TP Huế. Anh sưu tập đủ loại tiền của các triều đại như : Đinh, Lý, Trần, Lê…và các loại tiền của Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên…

Chữ duyên, chữ nợ

Tới nhà anh Đạt vào một buổi chiều, được chiêm ngưỡng bộ sưu tập tiền xu cổ và nghe anh tâm sự về quá trình sưu tầm của anh, chúng tôi mới thấu hiểu hết được công sức mà anh bỏ ra và những giá trị lớn lao của các bộ tiền xu cổ mà anh Đạt đang có.

Anh Đạt và những đồng tiền xu cổ mà anh sưu tầm được


Ba anh Đạt từng là người rất mê sưu tầm tiền cổ và chính ông đã truyền lại “ngọn lửa” đam mê cho anh. Trước đây, ba anh đã từng lặn lội khắp mọi nơi để kiếm từng đồng tiền xu cổ. Mỗi khi nhìn thấy ba kiếm được những đồng xu trông rất cổ và thấy ông sắp xếp gọn gàng, tỉ mỉ từng loại, anh Đạt rất tò mò. Anh kể: “Nhiều hôm, ba tôi kiếm được mấy đồng xu trông rất cổ và thấy ông quên ăn, quên ngủ vì sung sướng, tôi thấy lạ lạ làm sao ấy. Tôi hỏi ba và được nghe ba giảng giải về những nét đặc biệt của thăng trầm lịch sử có liên quan đến những đồng tiền cổ đó thì tôi bắt đầu thấu hiểu và thích thú. Cũng chính từ đó, niềm đam mê tiền cổ đã trỗi dậy trong tôi”. Và cũng từ đấy, mỗi khi anh Đạt thấy ba nói đi tìm kiếm hay đi mua tiền xu cổ là anh xin đi theo và tìm hiểu rất kỹ. Đó cũng chính là cái duyên đưa anh Đạt đến với niềm đam mê sưu tầm tiền cổ.

Trong khi ba anh đang còn rất nhiều những dự định trong việc sưu tầm tiền xu cổ thì chẳng may lâm bệnh nặng và qua đời. Kể từ khi đó, cái nợ để lại trong anh Đạt là tiếp bước cha mình để hoàn thành những dự định và ước nguyện đang còn dang dở là sưu tầm và cất giữ những chứng tích lịch sử của dân tộc thông qua những đồng tiền cổ.

Anh Đạt bắt đầu bước vào việc sưu tầm tiền cổ từ năm 1996. Những đồng tiền cổ anh có được trong bộ sưu tập chủ yếu là xin được của những người quen. Anh tâm sự: “Tôi không có nhiều tiền để mua những đồng tiền cổ như những người khác. Những đồng tiền trong bộ sưu tập chủ yếu tôi xin được của những người già từ ngày xưa để lại…”.

Lúc đầu anh Đạt chỉ tìm kiếm và sưu tầm ở các địa phương trong tỉnh. Sau này khi có điều kiện anh thường đi khắp các tỉnh từ Nam chí Bắc để tìm kiếm xu cổ, từ Hà Nội cho đến Hội An, TPHCM… Nhiều khi, anh Đạt phải  bỏ ra những khoản tiền rất lớn để mua những đồng xu quý. Có những đồng tiền anh phải mua đến 5 triệu, số tiền quá lớn đối với một thanh niên chưa có việc làm ổn định, còn những xu giá vài trăm trở lên thì rất nhiều. Anh nói: "Những lúc tìm được những đồng xu cổ, mình chỉ nghĩ là làm sao mua được đồng tiền đó, còn tiền bạc thì tính sau”
.

Đồng tiền Thiệu Trị Thông Bảo bị đúc lỗi độc nhất vô nhị của anh Đạt


Hiện tại, anh Đạt đang có một bộ sưu tập tiền xu cổ “khổng lồ” và rất độc đáo của tất cả các triều đại phong kiến Việt Nam, trong đó có các đồng tiền quý như đồng Thái Bình Hưng từ thời Bảo thời Đinh Tiên Hoàng (niên đại 970-980), đồng Bảo Đại Thông Bảo, là đồng tiền cuối cùng của thời đại phong kiến Việt Nam.

Riêng bộ sưu tập tiền cổ các triều đại Việt Nam của anh hiện tại có tới gần 50 loại, mỗi triều đại có từ 4 - 5 chủng loại. Bộ tiền triều Nguyễn, anh Đạt có tới 8 loại, đặc biệt là thời kỳ chúa Nguyễn ở Đàng trong. Bên cạnh đó, anh Đạt cũng có một bộ sưu tập khoảng gần 20 chủng loại của các triều đại vua chúa nước ngoài các nước Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản…như đồng Ngũ Thụ, Bán Lạng…

Trong bộ sưu tập của anh Đạt, độc đáo nhất là đồng tiền Thiệu Trị Thông Bảo. Đây là đồng tiền mà anh tâm đắc nhất trong bộ sưu tập. Đồng tiền này anh tình cờ mua được ở một tiệm bán đồ cổ trong thành nội của TP Huế. Theo đánh giá của giới sưu tầm tiền cổ thì đây là đồng tiền độc nhất và tới thời điểm này chưa ai có.

Anh Đạt tâm sự, người thân trong gia đình thấy anh tốn thời gian và tiền của vào việc sưu tầm tiền cổ nên đã nhiều lần phản đối và can ngăn anh. Tuy nhiên, với niềm đam mê tiền xu cổ của anh Đạt đã thuyết phục được mọi người ủng hộ mình. Hiện tại, ngoài công việc dạy học, anh Đạt còn mở quầy hàng buôn bán ẩm thực để tạo thêm được thu nhập, giúp anh thực hiện tốt hơn nữa niềm đam mê tiền cổ.

Lưu giữ  nét lịch sử dân tộc

Những đồng tiền xu cổ trong bộ sưu tập của anh Đạt đều có những nét riêng biệt và gắn với những thăng trầm của lịch sử dân tộc. Vì thế, những đồng xu cổ mà anh có được đều được anh cất giữ rất cẩn thận. Anh phân ra nhiều loại theo từng thời kỳ, niên đại và sắp xếp thành những album khác nhau một cách có khoa học. Anh cho biết, số tiền mà anh mua dụng cụ để bảo quản cũng phải lên tới hàng chục triệu đồng.

Đồng Ngũ Thụ của Trung Quốc


Ở Huế hiện tại chưa có một câu lạc bộ nào mang tính chuyên nghiệp cho người đam mê tiền cổ. Những người đam mê chơi, sưu tầm và buôn bán xu cổ chỉ tụ tập một tháng vài ba lần tại các quán café. Vì thế, anh Đạt cũng hay tới tìm hiểu và mua thêm cho mình những đồng tiền quý để bổ sung thêm vào bộ sưu tập phong phú của mình. Anh tâm sự: “Nhiều khi có những đồng xu rất cổ nhưng giá cao quá, tôi không đủ tiền để mua chúng nhưng tôi đã báo cho bạn bè trong giới có điều kiện hơn tới mua. Thỉnh thoảng mình tới bạn bè chơi ngắm cũng được chứ quyết không để nó rơi vào tay mấy nhà sưu tầm nước ngoài. Như thế, nó như mất đi một cái gì đó thiêng liêng của dân tộc ấy. Xót xa lắm…”.

Hiện nay anh Đạt đang tham gia vào câu lạc bộ sưu tầm đồ cổ ở Tràng An, Hà Nội. Những kinh nghiệm và tài liệu có được từ sinh hoạt của câu lạc bộ anh đều mang ra giới thiệu cùng bạn bè ở Huế. Đã có nhiều bạn trẻ được anh dìu dắt vào lĩnh vực này. Khi chúng tôi hỏi mong muốn của anh bây giờ là gì thì anh Đạt không suy nghĩ mà trả lời ngay: “Tôi chỉ mong muốn rằng được cùng một số người đam mê tiền xu cổ giữ được những nét lịch sử còn vương lại của dân tộc thông qua những đồng tiền xu cổ.

Mặc dù công việc dạy học của anh Đạt hiện tại rất bận rộn nhưng anh vẫn mong ước thành lập được một câu lạc bộ sưu tầm tiền cổ tại TP Huế để có một nơi sinh hoạt và trao đổi kinh nghiệm. Những mong muốn và ao ước của anh Đạt xuất phát từ niềm đam mê và niềm yêu thích lịch sử của dân tộc.

Thanh Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm