Lạm phát tại Nga chạm mức cao nhất sáu năm qua trong tháng Hai

10/03/2022 12:07 GMT+7 | Tin tức 24h

(Thethaovanhoa.vn) - Cơ quan thống kê Liên bang Nga (Rosstat) ngày 9/3 cho biết lạm phát giá tiêu dùng tại nước này, vốn đang trên đà tăng nhiều tháng qua, đã chạm mức cao nhất sáu tháng trong tháng Hai.

Xung đột Nga - Ukraine gây thiệt hại tầm vĩ mô

Xung đột Nga - Ukraine gây thiệt hại tầm vĩ mô

Mặc dù cả Nga và Ukraine đều không hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu theo cách của các nền kinh tế lớn của phương Tây và châu Á, nhưng cả hai đều là những quốc gia tiên tiến có mối liên kết nhất định đối với phần còn lại của thế giới.

Với mức 9,15% trong tháng trước, đây là lần đầu tiên kể từ tháng 1/2016 lạm phát tại Nga vượt ngưỡng 9%. Trong đó, giá thực phẩm tăng gần 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mức lạm phát 9,15% nói trên cao hơn gấp hai lần mức mục tiêu 4% của Ngân hàng trung ương Nga, và số liệu này còn chưa bao gồm tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với nước này.

Chú thích ảnh
Lạm phát tại Nga vượt 9%. Ảnh: Reuters

Các lệnh trừng phạt gần đây có thể đẩy giá nhiều mặt hàng lên cao hơn nữa, đặc biệt khi đồng ruble đã mất khoảng  40% giá trị kể từ đầu năm nay, khiến các mặt hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng.

Lạm phát cao đã và đang làm giảm mức mua của người dân Nga vốn không có nhiều tiền tiết kiệm. Đây cũng là một vấn đề gây đau đầu đối với giới chức nước này trong những tháng gần đây.

Tổ chức nghiên cứu kinh tế Capital Economics lưu ý rằng số liệu giá tiêu dùng hàng tuần mà Rosstat công bố cho tuần kết thúc vào ngày 4/3 cho thấy sự mất giá của đồng ruble đã khiến giá cả tăng 2,2% theo tuần.

Capital Economics cho biết mức tăng này cao hơn gấp đôi mức tăng ghi nhận trong thời kỳ đồng ruble trượt giá trong các cuộc khủng hoảng trước đây vào những năm 2008-2009 và 2014-2015. Cơ quan này dự đoán: “Sự mất giá của đồng ruble… và các lệnh trừng phạt đối với Nga sẽ đẩy lạm phát tăng mạnh trong những tháng tới”.

Tuần trước, Ngân hàng trung ương Nga đã nâng lãi suất từ 9,5% lên 20% để ngăn chặn đà trượt giá của đồng ruble, nhưng hầu như không hiệu quả.

Khánh Ly/TTXVN (Theo AFP)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm