Gia tăng số người di cư thiệt mạng ở biên giới Mexico-Mỹ

04/07/2022 07:10 GMT+7 | Tin tức 24h

Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) mới đây cho biết trong năm ngoái đã có 728 người di cư thiệt mạng hoặc mất tích ở biên giới giữa Mexico và Mỹ, đánh dấu “năm chết chóc nhất” kể từ khi cơ quan này bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 2014.     

Hình thành đoàn người di cư ở Mexico tìm đường tới Mỹ

Hình thành đoàn người di cư ở Mexico tìm đường tới Mỹ

Đoàn người di cư khoảng 6 nghìn người, trong đó phần lớn là người ở khu vực Trung Mỹ, đã xuất phát từ thành phố Tapachula, bang Chiapas của Mexico, giáp biên giới với Guatemala, để tìm đường tới Mỹ.

Theo phóng viên TTXVN tại Mexico City, IOM năm 2020 đã ghi nhận 476 trường hợp người di cư thiệt mạng hoặc mất tích ở biên giới giữa Mexico và Mỹ, tăng 39% so với một năm trước đó. Vùng tiếp giáp giữa Mexico và Mỹ đã trở thành khu vực biên giới chết chóc thứ 3 trên thế giới, sau Địa Trung Hải và sa mạc Sahara. Năm 2021 cũng là năm có số người di cư bất hợp pháp thiệt mạng nhiều nhất ở châu Mỹ kể từ năm 2014, với hơn 1.238 người tử vong hoặc mất tích.      

Chuyên gia Edwin Viales, đồng tác giả của báo cáo về người di cư ở châu Mỹ năm 2021 của IOM nhận định xu hướng gia tăng này là do nhiều quy định hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 vẫn chưa được dỡ bỏ, khiến người di cư, vốn đã không có nhiều lựa chọn, đổ xô đi theo những con đường ngày càng nguy hiểm hơn, như các tuyến đường biển ở Caribe, đường bộ ở Trung Mỹ đi qua rừng rậm Darien, những tuyến đường ở Bắc Trung Mỹ - nơi thường xảy ra tai nạn với các phương tiện chở người di cư, hay băng qua sông Bravo chạy dọc biên giới Mexico-Mỹ.  

Chú thích ảnh
Đoàn người di cư từ Trung và Nam Mỹ, xuất phát từ thành phố Tapachula, bang Chiapas của Mexico để tìm đường tới Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo IOM, các dữ liệu thu thập được cho thấy những mối nguy hiểm trên toàn khu vực, trong đó bằng chứng gần nhất là thảm kịch xảy ra hôm 27/6 vừa qua ở bang Texas (Mỹ). Hơn 50 người di cư đã thiệt mạng trong một chiếc xe đầu kéo ở San Antonio, nâng tổng số trường hợp tử vong trong năm nay lên 493 người.

Sau đó, ngày 30/6, Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết cho phép Tổng thống Joe Biden chấm dứt chương trình “Ở lại Mexico”, còn được gọi là Nghị định thư Bảo vệ Người di cư (MPP) của người tiền nhiệm Donald Trump, vốn buộc những người xin tị nạn phải chờ hoàn tất thủ tục ở bên kia biên giới. Chính quyền của ông Biden cũng cố gắng đảo ngược chính sách trục xuất người di cư trong thời đại dịch mang tên Đạo luật 42, song bị thẩm phán liên bang ngăn chặn.      

Để nâng cao mức độ an toàn cho những người di cư, IOM cho rằng cần có các cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm thu thập và hệ thống hóa dữ liệu về người di cư thiệt mạng, cũng như xây dựng chính sách công về di cư đồng bộ, hài hòa, đặc biệt là phù hợp với Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự.     

Các chính phủ cũng cần hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho thân nhân tìm kiếm người di cư, thay vì hình sự hóa những nỗ lực này, tăng cường truy quét tội phạm buôn người và nâng cấp các trạm kiểm soát an ninh biên giới để nâng cao hiệu quả kiểm tra các phương tiện. Các biện pháp cần thiết khác bao gồm nâng cao hiệu suất các cảng nhập cảnh cho người tị nạn, cho phép họ đưa ra yêu cầu bảo vệ trong điều kiện an toàn mà không phải tìm đến tội phạm buôn người; và hình thành con đường pháp lý an toàn, dễ tiếp cận cho người di cư nhập cảnh và làm việc hợp pháp ở quốc gia đích đến.

Hồng Hạnh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm