Nước Pháp chia đôi quanh khái niệm tự do ngôn luận

17/01/2015 06:31 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ở Pháp đang dấy lên một cuộc tranh luận ngày càng căng thẳng liên quan đến định nghĩa thế nào là tự do ngôn luận.

Tuần này, người dân Pháp và thế giới đã chú ý tới số báo mới nhất của Charlie Hebdo, tờ báo trào phúng bị những kẻ cực đoan tấn công khủng bố vì vẽ biếm họa dựa trên hình ảnh Nhà tiên tri Mohammed.

Tự do nhưng... có giới hạn

Việc tờ báo vẫn in hình ảnh biếm họa Nhà tiên tri Mohammed trên trang bìa đã lập tức được xem là hành động thể hiện rõ quyền tự do ngôn luận ở Pháp. Tuy nhiên đã có một cuộc tranh cãi xuất hiện, quanh định nghĩa về quyền tự do này và sự tự do có hạn chế nào không.

Tranh cãi xuất hiện sau khi hôm thứ Tư vừa qua, Pháp đã bắt giữ một diễn viên hài tai tiếng ở nước này là Dieudonné M'bala M'bala. Lệnh bắt được ban hành với lý do Dieudonné đã có hành vi "tôn vinh chủ nghĩa khủng bố" qua một bài viết đăng Facebook vào cuối tuần trước, trong đó, ông này tỏ ý ủng hộ tay súng đã giết chết 4 người trong một cửa hàng tạp hóa Do Thái.


Dieudonné M'bala M'bala bị bắt vì thể hiện quan điểm "cảm thông với khủng bố"

Thực tế Dieudonné không phải trường hợp duy nhất gặp rắc rối vì thể hiện quyền tự do bày tỏ ý kiến. Kể từ sau các cuộc tấn công khủng bố ở Paris hồi tuần trước, ít nhất 54 người đã phải đối mặt với cáo buộc "tôn vinh hoặc cảm thông với khủng bố".

Các nhà chức trách đã sử dụng một đạo luật chống khủng bố tăng cường, được thông qua hồi năm ngoái, để bắt giữ và nhanh chóng xét xử những kẻ vi phạm. Bộ Tư pháp Pháp cũng đã ban hành các chỉ thị mới, trong đó yêu cầu các công tố viên phải chống lại các "hành vi chống Do Thái và phân biệt chủng tộc".

Laurent Léger, một phóng viên điều tra của Charlie Hebdo may mắn sống sót sau vụ tấn công, cho biết rằng không thể so sánh hoạt động của tờ báo với phát ngôn với Dieudonné - ông bầu người Pháp gốc Cameroon từng gây tai tiếng vì chế ra một kiểu chào mô phỏng lối chào của chủ nghĩa phát xít.

"Dieudonné không hiểu về tinh thần của Charlie" - Léger nói - "Charlie không bao giờ tôn vinh chủ nghĩa khủng bố. Dieudonné đã quá vội vàng khi tuyên bố quyền tự do ngôn luận của mình bị ngăn trở. Thái độ của ông ấy chỉ làm mọi việc tồi tệ hơn".

Tuy nhiên, những người khác không đồng ý với nhận định trên. Họ cho rằng Pháp đang sử dụng tiêu chuẩn kép với định nghĩa "tự do ngôn luận". "Chúng ta có thể coi đây là một kiểu đạo đức giả" -Adrienne Charmet, điều phối viên chiến dịch của La Quadrature du Net, một tập đoàn về bản quyền Internet tại Paris, cho biết - "Trong những ngày qua, chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều người bị lên án vì bày tỏ quan điểm của mình (chưa tính đến việc những lời đó có đáng bị lên án hay không), và nhận về các hình phạt có vẻ hơi quá nặng tay."

"Quan điểm của Pháp đã bị chia làm hai" - cô nói thêm - "Một số người đã thể hiện quan điểm trong lúc say xỉn, hoặc do không ý thức hết sức nặng lời nói của mình".


Số mới của báo Charlie Hebdo đã bán rất chạy

Cảm thông với khủng bố sẽ bị trừng trị nghiêm khắc

Charlie Hebdo chắc chắn là tờ báo bán chạy nhất tại Pháp hôm 14/1, khi các bản in được tiêu thụ hết chỉ trong khoảng thời gian được tính bằng phút. Số lượng ban đầu được in là 3 triệu bản, sau đó đã phải tăng lên 5 triệu bản để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Các nhân viên còn sống sót của tờ báo đã phải làm việc cả ngày lẫn đêm, kể từ sau cuộc tấn công diễn ra hôm 7/1, để đảm bảo số báo vẫn ra mắt đúng hạn.

Rất nhiều nội dung trong số báo mới có thể gây ra tranh cãi. 16 trang báo tràn ngập các hình ảnh châm biếm từng khiến Charlie nổi tiếng và cả tai tiếng. Ví dụ trong một bức vẽ, hai tên khủng bố đang trò chuyện với nhau trên thiên đàng. Một tên hỏi kẻ còn lại: "Các trinh nữ đâu hết rồi?" Tên kia trả lời: "Họ đang ở cùng các nhân viên của Charlie, đồ thua cuộc ạ". Tranh bìa của số báo vẽ cảnh Nhà tiên tri Mohammed đang khóc, tay cầm tấm biển đề chữ: Je Suis Charlie (Tôi là Charlie).

Việc dư luận săn đón số báo mới ra của Charlie Hebdo diễn ra trong bối cảnh nhà chức trách Pháp bắt giam Dieudonné, 48 tuổi. Sau cuộc tuần hành có sự tham gia của 1,5 triệu người để thể hiện tinh thần chống cực đoan, khủng bố trên đường phố Paris trong ngày Chủ Nhật tuần trước, diễn viên hài này viết: "Tối nay, phải nói rằng, tôi cảm thấy mình như là Charlie Coulibaly vậy.”

 Charlie Coulibaly là cụm từ ghép giữa 2 từ Charlie Hebdo và Amedy Coulibaly, tay súng đã giết chết 4 người trong một cửa hàng tạp hóa của người Do Thái trong thứ Sáu tuần trước ở Paris. Trong một bài viết khác trên Facebook, nhằm làm rõ quan điểm của mình, Dieudonné nói rằng ông không thể hiện thái độ cảm thông với khủng bố. Ông chỉ muốn cho thấy việc công chúng luôn coi ông như "một gã Amedy Coulibaly", trong khi bản thân ông mang "tinh thần trào phúng của Charlie".

Tuy nhiên giới chức Pháp đã không chấp nhận quan điểm này. Thủ tướng Pháp Manuel Valls nói rằng có sự khác biệt rõ ràng giữa các tranh biếm họa đầy tính sáng tạo của Charlie Hebdo và những trò đùa bị căm ghét của Dieudonné.

"Có một sự khác biệt cơ bản giữa sự tự do châm biếm với phong trào bài Do Thái, phân biệt chủng tộc, tôn vinh hành động khủng bố và Diệt chủng do thái, vốn đều là hành vi phạm tội, cần phải bị trừng trị nghiêm khắc nhất" - ông nói.

Vân Anh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm