'Ngại' tiêu hủy gia cầm nhập lậu vì...tốn kém

09/05/2013 14:09 GMT+7 | Thế giới

Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện có hai lò tiêu hủy gia cầm nhập lậu. Một lò đặt tại xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc do Chi cục Thú y tỉnh vận hành, chuyên xử lý tiêu hủy gia cầm nhập lậu do các lực lượng chức năng bắt giữ trong nội địa.

Phun thuốc tiêu độc khử trùng trước khi tiêu hủy đàn gia cầm. Ảnh Nông nghiệp Việt Nam

Một lò tiêu hủy thủ công của Chi cục Kiểm dịch động vật vùng chuyên tiêu hủy các loại gia cầm bắt ở khu vực biên giới. Việc tiêu hủy bằng lò đốt đảm bảo vệ sinh, an toàn không để lây lan dịch bệnh nhưng cũng rất tốn kém kinh phí và công sức.

Ông Hoàng Quy, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn cho biết, từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã tiếp nhận trên 35 tấn gia cầm và gần 100.000 con gia cầm giống nhập lậu để tiêu hủy. Được đầu tư gần hai năm nay, lò đốt bằng dầu diêzen theo công nghệ của nước Anh nhưng mỗi mẻ đốt chỉ được khoảng hơn 500kg gia cầm trong vòng 5 đến 6 tiếng mới xong. Mỗi lần tiêu hủy cần tới 5 nhân viên thường trực vận hành. Chi phí cho mỗi mẻ tiêu hủy như vậy tốn khoảng hơn 10 lít dầu/giờ, chưa kể các chi phí khác như trang bị bảo hộ lao động, độc hại đối với công nhân vận hành... Do vậy, có những ngày tiếp nhận hàng tấn gia cầm nhập lậu, cán bộ nhân viên ở đây phải làm việc hết công suất 24/24 giờ, nhằm đảm bảo việc tiêu hủy đúng với các quy định.

Còn đối với gia cầm nhập lậu bắt được ngay tại khu vực biên giới việc tiêu hủy còn gặp khó khăn hơn nhiều bởi lượng gia cầm này sẽ phải bàn giao cho Chi cục Kiểm dịch Động vật vùng Lạng Sơn tiêu hủy. Ông Hoàng Ngọc Tuyên, Phụ trách Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn cho biết, Chi cục mới chỉ được trang bị một lò tiêu hủy gia cầm thủ công đốt bằng củi công suất rất nhỏ và lạc hậu, đốt cả ngày mới được khoảng 100kg gia cầm và để xử lý tiêu hủy khoảng một tấn gia cầm nhập lậu, chi phí tiền nhiên liệu khoảng hơn 6 triệu đồng. Để giảm tải cho lò đốt, Chi cục đã xử lý bằng hóa chất rồi đem chôn, song việc xử lý bằng hóa chất bắt buộc phải có đất để chôn lấp, trong khi quỹ đất của Chi cục Kiểm dịch Động vật vùng Lạng Sơn rất hạn hẹp và việc này phần nào cũng ảnh hưởng đến môi trường.

Như vậy, việc buôn bán, vận chuyển, nhập lậu gia cầm không chỉ ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển chăn nuôi trong nước mà còn gây khó khăn, tốn kém công sức, kinh phí của Nhà nước trong việc xử lý, tiêu hủy loại hàng nhập lậu này.

Thái Thuần - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm