Thưởng Tết chứ không phải ban ơn

30/11/2010 09:39 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Theo phong tục của người Việt, cuối năm là dịp tổng kết, nhìn lại thành quả lao động của cả một năm. Với các doanh nghiệp, đây là dịp ghi nhận những đóng góp của người lao động trong quá trình sản xuất kinh doanh. Tâm lý chung của người lao động đều trông mong vào thưởng Tết, như tháng lương thứ 13, sau 12 tháng cống hiến vất vả. Vì thế, thưởng Tết có ý nghĩa rất lớn, nó vừa tạo sự hưng phấn cho người lao động trong công việc, vừa tạo ra mối quan hệ lao động hài hòa, bền vững trong doanh nghiệp.

Nhưng thực tế những năm qua, không ít doanh nghiệp đã cố tình “quên” hoặc coi nhẹ việc thưởng Tết. Dĩ nhiên, người công nhân chịu thiệt nhưng doanh nghiệp cũng chịu những hậu quả nhãn tiền. Ngay sau Tết, nhiều doanh nghiệp đã không đủ lao động để sản xuất vì người lao động không trở lại làm việc.


Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Cũng như mọi năm, Bộ LĐ,TB&XH vừa có văn bản gửi các Sở trực thuộc yêu cầu báo cáo kế hoạch thưởng Tết năm 2011 trước ngày 20/12 tới. Trong đó, báo cáo cũng phải đưa ra được mức thưởng cao nhất, mức trung bình và mức thấp nhất.

Còn nhớ, Tết Canh Dần 2010, mức thưởng Tết cao nhất là 389 triệu đồng thuộc về một doanh nghiệp FDI tại TP.HCM. Nhưng con số ngất ngưởng ấy không ám ảnh người ta bằng mức thưởng 30 nghìn đồng của một doanh nghiệp tư nhân. Con số này năm 2009 là 50 nghìn đồng. Mức thưởng khiến người nhận chỉ có thể “cười ra nước mắt”. Sự chênh lệch trong “phân phối tiền lương” do “phân phối lao động” là quy luật của kinh tế thị trường. Nhưng mức “thưởng” không đủ mua nổi 1 cân thịt thì thật bi hài.

Thiết nghĩ, thời điểm cuối năm, việc doanh nghiệp san sẻ lợi nhuận với người lao động một cách công khai là điều cần thiết và là một cách làm khôn ngoan. Bởi doanh nghiệp sẽ là người hưởng lợi từ sự cố gắng trong những năm sau của người lao động. Thêm nữa, doanh nghiệp cũng cần nhìn nhận người lao động như một tài sản, là nguồn vốn của doanh nghiệp thì mới có thể có cách hành xử đúng đắn, hợp lý trong chuyện thưởng Tết.

Đừng “tham bát bỏ mâm” mà vừa phụ bạc với chính “của để dành” của mình, vừa gieo nỗi buồn cho những ngày Tết cổ truyền.

Thành Tâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm