Thể thao Việt Nam: Cần ‘bổ’ hơn cần ‘no’!

05/06/2015 14:05 GMT+7 | SEA Games 2015

 (Thethaovanhoa.vn) - Đó đơn giản là cách ví von, nhưng có lẽ là "sát" nhất với lần tham dự này của Thể thao Việt Nam tại sân chơi SEA Games. Bao nhiêu huy chương kể cả HCV đi nữa cũng chẳng quan trọng bằng chất lượng của những tấm huy chương đó.

Những nẻo đường SEA Games

 SEA Games đã trở nên quá quen thuộc, quen đến mức mà lúc này ít người nhớ rằng, Thể thao Việt Nam mới chỉ vừa trải qua cuộc hành trình dài 26 năm với 14 kỳ Đại hội nếu tính cả lần có mặt ở Singapore lần này. 26 năm ấy thường được giới quản lý chuyên môn chia thành ba giai đoạn và mỗi giai đoạn lại là dấu mốc mới của thể thao nước nhà.

 Giai đoạn thứ nhất là từ lần trở lại vào năm 1989 tới SEA Games 1995 tại Chiang Mai, Thái Lan. Đây được xem là quá trình hội nhập, tìm kiếm hướng đi và cũng là điểm xuất phát của chiến lược "đi tắt, đón đầu". Giai đoạn này, số HCV của đoàn Thể thao Việt Nam là không nhiều (từ 10 chiếc trở xuống) khi đến chủ yếu là các môn thế mạnh như: bắn súng, võ thuật.

Giai đoạn hai khởi đầu vào năm 1997 và tới đỉnh cao khi SEA Games lần thứ 22 năm 2003 được tổ chức trên sân nhà. Đây là thời điểm bùng nổ nhất của chiến lược "đi tắt, đón đầu" bằng cách du nhập nhiều môn thể thao mới có khả năng cạnh tranh huy chương bên cạnh việc đầu tư chuyên nghiệp hơn cho các môn thể thao thế mạnh cũ. Số HCV tăng vọt và tới SEA Games 22 năm 2003, đoàn Thể thao Việt Nam đã bước lên ngôi số 1 với số HCV kỷ lục 158 chiếc, bỏ xa đoàn thứ Nhì Thái Lan (89 HCV).


Ánh Viên, một trong những niềm hy vọng Vàng của TTVN tại SEA Games 2015. Ảnh: V.S.I

 Nâng cao vị thế với tư cách chủ nhà kỳ SEA Games đầu tiên cùng ngôi vô địch toàn đoàn, Thể thao Việt Nam bước vào giai đoạn thứ ba kéo dài từ năm 2003 tới nay, đó là đứng vững trong tốp đầu Đông Nam Á. Dù số HCV không ổn định qua từng kỳ Đại hội, nhưng bằng thực lực của mình, không khó để Thể thao Việt Nam lọt vào Top 3 bảng xếp hạng huy chương. Thậm chí từng "suýt" vượt qua đối thủ chính là Thái Lan ở kỳ SEA Games 2009 tại Vientiane, Lào.

 Nhưng đã qua thời... đếm huy chương

26 năm để khẳng định vị thế hàng đầu khu vực, đó là bước tiến khá nhanh của Thể thao Việt. Nhưng phàm là sau đỉnh cao, nếu không xác lập được đỉnh cao mới, thì đó đơn thuần là dừng lại.

 Thể thao Việt Nam không thể nói là phát triển nếu chỉ dừng ở SEA Games khi mà sự hạn chế về tầm chuyên môn, thì có một thực tế không thể phủ nhận là cái sân chơi này đã không còn nhận được sự quan tâm của chính người hâm mộ nước nhà. Thậm chí, với không ít người, mối quan tâm duy nhất với SEA Games chỉ đơn thuần là... bóng đá nam! mà ngay cả bóng đá nếu cứ không vô địch thì cũng coi như... vứt!

SEA Games 28 cũng không là ngoại lệ. Đoàn Thể thao Việt Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu giành 56-65 HCV để đứng trong tốp đầu, cái chỉ tiêu được xem là thấp hơn nhiều so với các kỳ SEA Games trước mà lý do chính được đưa ra để lý giải là do nước chủ nhà Singapore cắt giảm hàng loạt những môn, nội dung thế mạnh của chúng ta.

Nhưng con số này đơn thuần chỉ là "tính toán" của các nhà quản lý thể thao bởi lẽ số HCV này cùng cả 1 vị trí dẫn đầu (được hiểu ngầm là Top 3) là những thành tích đã quá quen thuộc với Thể thao Việt Nam. Ngoài ra, với một sân chơi được tổ chức theo chu kỳ ngắn 2 năm/1 lần này thì rõ ràng chỉ có ngôi số 1 mới thực sự được quan tâm. Đó là chưa kể SEA Games vốn chưa bao giờ thôi nổi sóng ngầm với "căn bệnh" thành tích vốn đã kéo quá dài.

 Sẽ chẳng mấy ai quan tâm đến chuyện "đếm huy chương", nếu có xem ra chỉ là.. chờ tấm HCV môn bóng đá. Mà nếu có Vàng bóng đá, thì cũng ai quan tâm đến những tấm HCV còn lại!

Vượt lên chính mình

Tất nhiên, trong thi đấu thể thao thì không thể không đặt ra chỉ tiêu để phấn đấu. Đoàn Thể thao Việt Nam cần một cái mốc cho mình tại SEA Games 28, nhưng cái mốc ấy chỉ có giá trị khi nó được hoàn thành bởi nỗ lực vượt lên chính mình.

Trong bối cảnh số lượng huy chương không còn là mối quan tâm, thì SEA Games phải thực sự trở thành bàn đạp để Thể thao Việt Nam hướng mục tiêu tới đấu trường châu lục, thế giới. Mà để hướng tới những đấu trường cao hơn này, bàn đạp nằm chính ở những môn thể thao cơ bản trong hệ thống Olympic và trong hệ thống thi đấu của Asian Games.

Tổng số huy chương của Thể thao Việt Nam rõ ràng không quan trọng bằng chất lượng của những tấm huy chương đó. Nếu nó đã thể hiện được hết khả năng, nỗ lực phấn đấu của từng tuyển thủ, có giá trị về chuyên môn, thì đó mới là tấm huy chương thực sự, bất chấp màu gì! Lại nói một cách hình ảnh hơn, thì Thể thao Việt Nam tại SEA Games 28 cần "bổ" hơn cần "no"!

Vũ Minh
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm