Đàn bò thả rông và câu chuyện thành công của Singapore

10/08/2015 05:00 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Sự lột xác ngoạn mục của Singapore, từ một vùng đất lạc hậu, kém phát triển, thành đất nước giàu mạnh hàng đầu thế giới, đã kiến dư luận toàn cầu nể phục, ngỡ ngàng.

Nhân kỷ niệm 50 năm Quốc khánh Singapore, nhà báo David Pilling của tờ Financial Times đã có bài viết đáng chú ý về sự trỗi dậy của quốc đảo này. Thể thao & Văn hóa xin được giới thiệu với quý độc giả về bài viết:  

Tránh ý thức hệ, đi theo chủ nghĩa thực dụng

Một ngày nọ của năm 1964, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu nhìn ra ngoài văn phòng của ông ở Tòa thị chính và kinh hoàng khi thấy vài con bò đang được thả rông ở bên ngoài. Vài ngày sau, một luật sư lái xe trên con đường gần đó đã đâm trúng một con bò đang lang thang và thiệt mạng.

Ông Lý lập tức hành động. Ông ra lệnh cho chủ sở hữu các con bò và dê phải nhốt chúng trong chuồng. Những con vật vẫn tiếp tục được thả rông sẽ bị giết chết.

Sự kiện là ví dụ điển hình về phong cách điều hành của ông Lý và rộng hơn là của Singapore. Đất nước này đã tránh con đường ý thức hệ để lựa chọn các giải pháp mang tính thực dụng, cho các vấn đề thực tế.


Tổng thống Singapore Tony Tan duyệt đội danh dự trong lễ kỷ niệm 50 năm Quốc khánh Singapore

Trong một chương viết về việc "xanh hóa Singapore", nằm trong cuốn From Third World To First (Bí quyết hóa rồng), ông Lý mô tả chi tiết cách thức mình xóa bỏ các gánh hàng rong mất vệ sinh, hoạt động khạc nhổ tùy tiện, hoạt động đốt pháo nguy hiểm trong Tết Âm lịch, bên cạnh các biện pháp trồng cây và bảo vệ môi trường, đã khiến Singapore trở thành một trong những thành phố sạch đẹp nhất thế giới.

Ông Lý, người qua đời trong tháng 3 năm nay, ở tuổi 91, biết rõ rằng ngay cả những truyền thống đã kéo dài nhiều thế kỷ qua cũng có thể bị xóa bỏ, bằng các biện pháp khác nhau. Cuốn hồi ký kể trên cho thấy rõ, rằng ông là người thực dụng và không bị ảnh hưởng bởi ý thức hệ như thế nào.

Với ông Lý, mối bận tâm chính không phải là tạo ra một xã hội không tưởng, mà phải là một xã hội hoạt động hiệu quả, và phồn thịnh. Đất nước từng bị xem là "chưa chắc đã có thể tồn tại", mà ông góp sức gây dựng, về cơ bản là một quốc gia thực dụng.

3 yếu tố giúp Singapore biến đổi thành công

Sự kiên trì theo đường lối thực dụng của Singapore vốn không phải hiện tượng điển hình của thế kỷ 20. Giai đoạn đó, Singapore, cùng với vài quốc gia khác, phần lớn là ở châu Á, đã không nghiêng về bên nào mà tập trung theo đuổi một dạng dự án quốc gia, chỉ thuần phục vụ mục tiêu nâng cao tiêu chuẩn sống của nhân dân.

Giáo sư Kishore Mahbubani thuộc Trường chính sách công Lý Quang Diệu, nói rằng chủ nghĩa thực dụng, cộng với chế độ trọng nhân tài và sự trung thực là 3 yếu tố nền tảng giúp Singapore biến đổi thành công.


Các phi công thuộc phi đội Black Knights của Singapore trình diễn trong lễ kỷ niệm 50 năm Quốc khánh

Trong giữa những năm 1960, GDP bình quân đầu người của Singapore mới chỉ là 500 USD. Ông vẫn còn nhớ rằng đời sống nhân dân khi đó vẫn rất thấp, bản thân ông và các bạn học thường phải uống chung sữa, chứa trong một cái xô, ở trường học. Nay GDP bình quân đầu người ở Singapore đã là 55.000 USD.

“Chủ nghĩa thực dụng là một từ bẩn thỉu với các học giả phương Tây" - ông nói, cho biết chủ nghĩa này vẫn có thể là một nguyên tắc nòng cốt về mặt đạo đức, nếu nó giúp nâng cao đời sống nhân dân.

Ở mức độ đơn giản nhất, chủ nghĩa thực dụng có nghĩa học hỏi từ người khác. Các nhà quản lý của Singapore thường tìm kiếm nhiều giải pháp thực dụng từ khắp nơi trên thế giới. Họ đã thay đổi bến cảng của Singapore theo mô hình cảng Rotterdam, quân đội theo mẫu của Israel và chính sách nhà ở dựa trên chương trình tương tự của châu Âu.

Chính sự thực dụng khiến Singapore tiến lên đều đặn.

Đã có những tranh luận về việc liệu quốc đảo nhỏ bé này có thể mang tới bài học quý giá cho các quốc gia lớn hơn. Nếu chỉ xét trên khía cạnh thực dụng, câu trả lời là có. Ngay cả một quốc gia lớn như Trung Quốc cũng có thời học hỏi tư tưởng thực dụng của Singapore (hồi cuối những năm 1970).

Giáo sư Mahbubani nói rằng việc này không phải là điều dễ dàng, ngay cả với những nước phát triển bậc nhất như Mỹ. Ông đánh giá việc Mỹ từ chối thừa nhận nước này có thể cải thiện chương trình chăm sóc y tế "thảm họa" ở trong nước, bằng cách học hỏi từ bên ngoài, là bằng chứng cho thấy sự mù quáng về ý thức hệ. Ngoài ra, khi bàn tới vấn đề kiểm soát súng, Mỹ cũng "không thực dụng bằng Triều Tiên".

Đã tới lúc Singapore "nở hoa thơm"

Tuy nhiên chủ nghĩa thực dụng cũng có những cái giá của nó. Ở mức độ nào đó, chủ nghĩa thực dụng định hình hành vi và giá trị của con người nên nó cũng trở thành một dạng ý thức hệ.

Khi đi theo "ý thức hệ" thực dụng, ông Lý cũng đã từng lựa chọn cả các chính sách tồi, bên cạnh những chính sách tốt. Đơn cử như ông từng cổ súy mô hình gia đình quy mô nhỏ, hơi có khuynh hướng áp dụng thuyết ưu sinh, khi không khuyến khích các cặp vợ chồng có học vấn thấp sinh con. Kết quả là ngày hôm nay, Singapore có tỷ lệ sinh thấp tới mức thảm họa.

Ngoài ra, ông còn sử dụng tòa án và luật chống bôi nhọ để khiến những kẻ phê bình im lặng. Nhà phân tích chính trị Cherian George nói rằng vì điều này, Singapore thiếu các hoạt động tranh cãi, sự bất đồng và khác biệt. Ông đánh giá Singapore trở thành một dạng "quốc gia điều hòa nhiệt độ", lúc nào cũng hoạt động đều đều như cái máy.

Hiện đã có những lời kêu gọi về một cuộc hành động thứ hai để tiếp nối phép lạ đang diễn ra tại Singapore. Điều này có nghĩa sự phát triển của một xã hội hoàn thiện hơn, nơi các lĩnh vực xã hội, văn hóa và chính trị đều nở rộ".

Với những người như Ho Kwon Ping, Chủ tịch công ty khách sạn Banyan Tree, Lý Quang diệu và thế hệ của ông đã khiến Singapore hoạt động rất tốt đẹp. Theo Ho, giờ đã tới lúc để "khu vườn Singapore nở rộ hoa thơm".

Tường Linh (Theo Financial Times)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm