World Cup 2014: Croatia sẽ lại là ngựa ô?

28/05/2014 14:42 GMT+7 | Bảng A

(Thethaovanhoa.vn) - Trong số 32 HLV tham dự World Cup lần này, có lẽ Niko Kovac là trường hợp đặc biệt nhất. Vị chiếc lược gia 42 tuổi này mới chỉ có hơn nửa năm cầm quân và trải qua đúng 2 trận đấu trước khi cùng ĐT Croatia giành vé đến Brazil.

Về lý thuyết, Croatia là một đội bóng khá chất lượng. Họ có những ngôi sao đẳng cấp thế giới trải đều ở cả 3 tuyến như Modric, Rakitic, Mandzukic… Nhưng thực tế, LĐBĐ nước này (CFF) không đặt mục tiêu quá cao tại Brazil, khi chỉ yêu cầu đội nhà vượt qua vòng bảng.

Vượt qua vòng bảng đã là thành công?

Tại sao Chủ tịch CFF, huyền thoại Davor Suker, lại đặt ra mục tiêu “khiêm tốn” như vậy? Lá thăm không may mắn đã đưa Croatia vào một nhánh đấu rất khó khăn. Ở vòng bảng họ sẽ phải ở cùng bảng với đội chủ nhà Brazil ở bảng A. Điều đó đồng nghĩa là ở bảng đấu này gần như chắc chắn sẽ chỉ còn 1 vé đi tiếp dành cho 3 cái tên còn lại (Croatia, Mexico và Cameroon) cạnh tranh.

Đội tuyển Croatia
Biệt danh: The Blazers
HLV: Niko Kovac
Đội trưởng: Darijo Srna
 Thứ hạng FIFA: 20
Nếu vượt qua được cửa ải đầu tiên, đối thủ tiềm tàng của Croatia tại vòng knock-out nhiều khả năng sẽ là ĐKVĐ Tây Ban Nha hoặc ĐK Á quân Hà Lan - những ông kẹ ở bảng B. Vì thế, có thể thấy rằng cơ hội để Croatia đi xa là không cao. Thậm chí, vượt qua vòng bảng và lọt vào vòng 1/8 đã là điều không hề đơn giản đối với Croatia.

Tất nhiên, ở thời điểm hiện tại, Croatia vẫn được đánh giá cao hơn Mexico hay Cameroon. Nhưng rõ ràng đây đều không phải là những cái tên dễ nhằn. Cả hai đại diện Concacaf và Châu Phi này đều là những vị khách quen của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Riêng Mexico luôn vượt qua vòng bảng kể từ khi giải đấu được tổ chức trên sân nhà năm 1986 (trừ năm 1990 bị cấm tham dự).

Vì thế, chỉ cần lọt vào vòng 1/8 đã có thể xem là một kết quả không tồi của thày trò Niko Kovac.

Nhưng vẫn có thể là ngựa ô

Kể từ sau khi tách khỏi Liên bang Nam Tư cũ, Croatia luôn khiến người hâm mộ phải bất ngờ. Trong lần đầu tiên tham dự World Cup vào 1998, thế hệ vàng của những Boban, Suker… đã lập tức khiến tất cả phải ngỡ ngàng khi đưa Croatia đi một mạch đến vị trí thứ 3. Nhưng sau đó, khi đã nhận được sự đánh giá cao hơn thì họ đã liên tiếp chơi không thành công tại World Cup 2002 và 2006, bị loại ngay ở vòng bảng dù bảng đấu của họ cũng không phải là quá khó khăn.

Tương tự như thế, dưới sự dẫn dắt của HLV Bilic, Croatia đã để lại ấn tượng cực mạnh tại VCK EURO 2008 (vượt qua Đức để dẫn đầu vòng đấu bảng và chỉ bị loại trên chấm phạt đền ở tứ kết trước Thổ Nhĩ Kỳ). Nhưng rồi cũng với những con người đó, vẫn do Bilic cầm quân, Croatia lại gây thất vọng lớn tại World Cup 2010 (không vượt qua nổi vòng loại) và EURO 2012 (bị loại ngay ở vòng bảng).

Dường như, vấn đề của đội bóng này nằm ở tâm lý và bản lĩnh thi đấu. Khi phải chịu nhiều sức ép và kì vọng, Croatia thường không thể hiện được nhiều. Nhưng khi thi đấu với những đôi chân và cái đầu thoải mái, Croatia lại thừa sức làm nên những điều kì diệu.

Tại Brazil lần này cũng vậy, với tâm lý thoải mái, không bị áp lực về thành tích, cùng một HLV mới tinh, đang khát khao thể hiện mình, Croatia hoàn toàn có thể trở thành ngựa ô của giải đấu năm nay. Hãy tin là như thế…

0 ĐT Croatia vẫn chưa thua bất kì trận đấu nào dưới sự dẫn dắt của HLV Niko Kovac. Sau 3 trận đã đấu (2 trận play-off với Iceland và 1 trận giao hữu với Thụy Sỹ), Croatia thắng 1 và hòa 2 trận.

2 Đây là lần thứ 2 Croatia nằm cùng bảng với Brazil, và cũng là lần thứ 2 đội tuyển này nằm cùng bảng với Mexico ở các VCK World Cup. Trong cả 2 lần này, Croatia đều phải dừng bước ngay ở vòng bảng.

8 Tính đến thời điểm hiện tại, HLV Niko Kovac mới có tổng cộng 8 trận cầm quân. Trong đó có 5 trận với tư cách là HLV trưởng ĐT U21 Croatia và 3 trận với ĐT Croatia.

Danh sách triệu tập:

Thủ môn: Stipe Pletikosa (Rostov, sinh năm 1979, 109 trận/0 bàn), Danijel Subasic (Monaco, 1984, 6/0), Oliver Zelenika (Lokomotiva, 1993, 0/0).

Hậu vệ: Darijo Srna (Shakhtar Donetsk, 1982, 111/21), Verdan Corluka (Lokomotiv Moskva, 1986, 71/4), Denijel Pranjic (Panathinaikos, 1981, 48/0), Dejan Lovren (Southampton, 1989, 23/2), Domagoj Vida (Dinamo Kiev, 1989, 22/1), Gordon Schildenfeld (Panathinaikos, 1985, 20/0), Sime Vrsaljko (Genoa, 1992, 5/0), Igor Bubnjic (Udinese, 1992, 2/0).

Tiền vệ: Luka Modric (Real Madrid, 1985, 73/8), Ivan Rakitic (Sevilla, 1988, 60/9), Ognjen Vukojevic (Dinamo Kiev, 1983, 54/4), Ivan Perisic (Wolfsburg, 1989, 27/1), Milan Badelj (Hamburg, 1989, 9/1), Mateo Kovacic (Inter Milan, 1994, 8/0), Sammir (Getafe, 1987, 4/0), Marcelo Brozovic (Dinamo Zagreb, 1992, 0/0), Ivan Mocinic (Rijeka, 1993, 0/0), Mario Pasalic (Hajduk Split, 1995, 0/0).

Tiền đạo: Ivica Olic (Wolfsburg, 1979, 90/18), Eduardo (Shakhtar Donetsk, 1983, 62/29), Mario Mandzukic (Bayern Munich, 1986, 48/13), Nikica Jelavic (Hull City, 1985, 32/5), Ante Rebic (Fiorentina, 1993, 3/1), Duje Cop (Dinamo Zagreb, 1990, 0/0).


Đức Phan
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm