Xuân Vinh, Kim Tuấn và thất bại của những nhà vô địch

26/09/2014 20:49 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Việc Dương Thúy Vy giành được HCV ASIAD 17 ở nội dung kiếm thuật và thương thuật đã giúp thể thao Việt Nam tránh khỏi “thảm cảnh” mỏi mòn chờ HCV tới ngày cuối cùng như ASIAD 16 ở Quảng Châu cách đây 4 năm. Thành tích của Thúy Vy thực sự là bất ngờ thú vị của thể thao Việt Nam ở Á vận hội năm nay, bởi trước ngày đoàn thể thao Việt Nam lên đường sang Incheon (Hàn Quốc), cô gái sinh năm 1993 này không được xếp vào nhóm những hy vọng vàng chủ lực của thể thao Việt Nam, giống như trường hợp của Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội) hay Phan Thị Hà Thanh (TDDC).

Tuy nhiên, nếu như Thúy Vy là bất ngờ thú vị nhất của thể thao Việt Nam ở ASIAD 17 tính tới thời điểm này, thì trường hợp để tuột HCV ASIAD 17 của Hoàng Xuân Vinh, Nguyễn Hoàng Phương hay Thạch Kim Tuấn có thể xem là những cú sốc.

Sở dĩ nói thế là bởi trước ngày lên đường cả Hoàng Xuân Vinh và Thạch Kim Tuấn đều đang sở hữu những thành tích vô cùng ấn tượng. Hồi tháng 5 năm nay, Hoàng Xuân Vinh đã làm dư luận phải xôn xao khi anh trở thành người Việt Nam đầu tiên chiếm giữ ngôi vị số 1 thế giới ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam, thành tích mà Xuân Vinh có được sau khi anh giành HCV Cúp thế giới diễn ra ở Fort Benning (Mỹ) vào tháng 4/2014 với thành tích phá vỡ kỷ lục thế giới mà nhà vô địch Olympic Pang Wei (Trung Quốc) nắm giữ.

Trong khi đó, Thạch Kim Tuấn cũng không chịu thua kém đàn anh Hoàng Xuân Vinh là mấy, khi lực sỹ này giành 3 HCV và phá 2 kỷ lục tại giải vô địch cử tạ trẻ thế giới 2014 diễn ra ở Kazan (Nga) vào tháng 7 năm nay.

Trong số 6 HCV mà đội tuyển cử tạ trẻ Việt Nam giành được ở Kazan, Thạch Kim Tuấn đóng góp tới 3 HCV với thành tích 133 kg cử giật, 160 kg cử đẩy và 293 kg tổng cử, đồng thời phá luôn 2 kỷ lục trẻ thế giới ở nội dung cử giật và tổng cử do Long Quingquan (Trung Quốc) xác lập từ năm 2008. Nhờ thế, Thạch Kim Tuấn đã được BTC giải trao tặng danh hiệu “VĐV xuất sắc nhất giải”.

Với hành trang như thế, không có gì ngạc nhiên khi Hoàng Xuân Vinh và Thạch Kim Tuấn được xem là hy vọng vàng chủ lực của thể thao Việt Nam ở ASIAD 17, nhất là khi họ lại nhận trọng trách là những VĐV Việt Nam xuất trận ngay trong ngày thi đấu đầu tiên.

Thế nhưng, Hoàng Xuân Vinh đã gây ra sự thất vọng nặng nề cho những ai hâm mộ và luôn dõi theo bước tiến của anh, khi xạ thủ này thất bại chỉ sau 4 loạt bắn ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam sở trường, dù mới chỉ cách đây 5 tháng, Hoàng Xuân Vinh còn đoạt HCV thế giới và đồng thời thiết lập kỷ lục thế giới mới.

Càng thất vọng hơn nữa khi đây đã là kỳ ASIAD thứ 2 liên tiếp mà Hoàng Xuân Vinh phải nhận thất bại khi đến với Á vận hội trong vai trò như là 1 HCV vàng chủ chốt. 4 năm về trước ở Quảng Châu, Hoàng Xuân Vinh đã dẫn đầu trong phần thi chung kết của nội dung 25m súng ngắn ổ quay, và chỉ cần bắn trúng đích ở loạt cuối cùng là sẽ có HCV, nhưng không hiểu vì sao Hoàng Xuân Vinh lại để cướp cò chệch mục tiêu, khiến cho cá nhân anh cũng như đội tuyển bắn súng nam Việt Nam mất luôn cơ hội tranh chấp huy chương.

Nếu như Hoàng Xuân Vinh thất bại vì không còn là chính mình ở những thời điểm quyết định, thì thất bại của Thạch Kim Tuấn lại đến theo một cách vô cùng tiếc nuối, khi lực sỹ này dù đã phá kỷ lục ASIAD nhưng cuối cùng vẫn không thể giành HCV, bởi đối thủ của Tuấn là lực sỹ CHDCND Triều Tiên Om Yun Chol thậm chí còn phá... kỷ lục thế giới.

Sự xuất sắc của Om Yun Chol là điều mà tất cả đều phải thừa nhận, nhưng nếu Thạch Kim Tuấn được chuẩn bị tốt hơn thì có thể lực sỹ này sẽ không mắc sai lầm ở phần cử giật, khi Tuấn đã thất bại ngay ở lần nâng tạ đầu tiên và qua đấy để phí mất một lần cử giật quý giá.

Giới chuyên môn xem đây là bước ngoặt dẫn tới chiến thắng của Om Yun Chol, bởi VĐV của CHDCND Triều Tiên rất mạnh ở nội dung cử đẩy và nếu Thạch Kim Tuấn không chiếm ưu thế ở nội dung cử giật thì sẽ thất thế trong cuộc chạy đua giành HCV, và thực tế đã diễn ra đúng như vậy, khi Om Yun Chol phá kỷ lục thế giới của chính mình ở nội dung cử đẩy với mức 170 kg, đồng thời đạt mức 298 kg tổng cử để giành HCV.

Theo thông tin do HLV Huỳnh Hữu Chí cung cấp, thành tích trong lúc tập luyện của Thạch Kim Tuấn đã nhiều lần vượt qua cột mốc 300 kg, nhưng vấn đề là khi bước vào cuộc tranh tài chính thức, Thạch Kim Tuấn đã không thể tái hiện phong độ ấy, và sự xuất sắc của anh là chưa đủ để mang HCV về cho thể thao Việt Nam.

Đã nhiều năm nay, những người thường xuyên theo dõi thể thao Việt Nam đã quá quen thuộc với câu chuyện VĐV chúng ta phải nhận thất bại ở những thời khắc quyết định, hoặc VĐV Việt Nam có thành tích tập luyện tốt hơn thành tích thi đấu, mà điều này không chỉ giới hạn trong thể thao mà cả bóng đá Việt Nam cũng phải chịu chung số phận, với trường hợp điển hình là U19 Việt Nam, đội bóng đã thất bại ở 3 trận chung kết liên tiếp trong hơn một năm qua.

Phải chăng đang có một lời nguyền ám ảnh thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng, khiến chúng ta không thể vượt lên chính mình và vượt lên đối thủ ở những khoảnh khắc then chốt? Câu trả lời là không có lời nguyền nào cả, mà đấy chính là sự khác biệt của cái gọi là đẳng cấp.

Khi chuyện không may mắn với thể thao Việt Nam cứ lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy thì điều đó phản ánh giới hạn cạnh tranh của chúng ta, bởi thể thao không chỉ là cuộc chiến ở cả hành trình dài, mà thể thao còn là cuộc chiến ở những thời điểm quyết định, mà nếu chúng ta không đủ bản lĩnh, nghị lực và cả năng lực thì thất bại luôn là điều khó tránh khỏi.

Tại sao Hoàng Xuân Vinh có thể giữ được cái đầu cực lạnh ở Fort Benning để giành HCV Cúp thế giới dù đã khởi đầu rất không tốt, nhưng anh lại không thể làm được điều đó khi đã tiến tới rất gần HCV tại sân chơi có quy mô nhỏ hơn nhiều là Á vận hội?

Sự khác biệt có lẽ nằm ở yếu tố tâm lý, khi Cúp thế giới có nhiều giải đấu, thất bại ở giải này vẫn còn cơ hội làm lại ở giải khác, còn Á vận hội 4 năm mới diễn ra đúng một lần nên sức ép dành cho VĐV là cực lớn. Tương tự như thế là Thạch Kim Tuấn, khi Tuấn có thể dễ dàng nâng mức tạ hơn 300 kg trong quá trình tập luyện, nhưng khi đứng trên sàn đấu, Tuấn lại không thể lặp lại thành tích như khi tập luyện và phải nhận HCB.

Cũng phải nói công bằng rằng Hoàng Xuân Vinh không phải là nhà vô địch thế giới duy nhất gây thất vọng ở ASIAD 17, bởi xạ thủ chủ nhà Jin Jongoh, ĐKVĐ Olympic và mới đoạt chức vô địch thế giới tại Tây Ban Nha ở cả nội dung 50m súng ngắn và 10 mét súng ngắn hơi cách đây chưa lâu, thậm chí còn bị loại sớm hơn Hoàng Xuân Vinh.


Hoàng Huy
Thể thao & Văn hóa cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm