Có một rừng Sác khác

29/03/2009 23:43 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - 1. Chẳng biết cái tên “rừng Sác” có trong nhận thức của tôi tự bao giờ. Những mường tượng của tôi về địa danh này, qua những lời kể của bè bạn, đơn thuần là khu du lịch biển, đảo khỉ... với biết bao là hoang sơ, nhiều tính “hương xa”.

Thế nên, vừa nhận được lời mời từ anh bạn học: “vào rừng Sác” ở với những người giữ rừng là tôi hăm hở đi ngay.

2. Địa danh này thuộc huyện Cần Giờ, một huyện duyên hải của Sài Gòn. Rừng Sác là rừng ngập mặn, được Nhà nước đưa vào diện bảo tồn. Bỏ qua những tấm biển chỉ đường vào resort X, đảo Y, chúng tôi đi ngoằn ngoèo trên con đường vào rừng. Rừng Sác chào đón tôi với những rặng bần, rặng đước ranh rì, ngút ngàn; kênh rạch uốn lượn khắp nơi khiến lòng ai cũng thấy mình thanh thản và nghiêng mình thán phục cảnh trí thiên nhiên...
 

3. Nhà Dì Dượng Hai của bạn tôi nằm sâu trong rừng Sác. Họ làm nghề giữ rừng. Dượng Hai nói hai mươi năm lập nghiệp ở đây, những ngày đầu dượng còn chặt đước, chặt bần đem bán. Sau này nhà nước nuôi thú rừng, dượng thành người giữ rừng.

Muốn qua nhà dượng Hai, tôi phải chờ rất lâu để chiếc xuồng ba lá nhỏ nhỏ rước. Xuồng đi loanh quanh trong rừng rồi mới đến được “ốc đảo” có nhà. Nhà có 2 người và 1 chó. Hai vợ chồng có mấy người con thì gửi đi Sài Gòn học cả, hai vợ chồng bám lại đất này. Dì Hai lấy chồng mười lăm năm thì cũng chừng ấy thời gian ở luôn trong rừng.

Tiếng là làm việc nhà nước, nhưng dượng Hai rất sướng. Sáng sáng dượng bơi xuồng đi nhậu, vợ ở nhà cho vịt ăn, đục hàu, nấu cơm chờ chồng về. Ngày 2 buổi, dì Hai đạp chiếc xe cà tàng không thắng không pedal đi đóng mở cống xi măng cho kịp con nước lớn nước ròng.
 


4. Tôi lom khom ngồi chụp một mầm cây lạ, tôi hỏi dì Hai, khi đó đang ngồi làm mấy con cá đối, dì bảo, ơi lạ gì mấy cái “c*c bần”. Tôi thấy dì nhìn nhanh bạn tôi, tức cháu dì, đứng cạnh đó. Rồi dì lúng túng sửa lại, ờ, ở quê người ta kêu mấy cái rễ bần này vậy không à…

Tôi nghĩ về “c*c bần”, tôi nghĩ về cháu dì, tôi nghĩ về ngôi nhà này, về chái bếp âm u, về căn nhà trơ trọi không có điện, về những rổ, những rá mà vì chống chuột, dì Hai treo chúng lên trần nhà… Dì Hai chắc sợ cháu mình rồi sẽ quen xài những từ mà dì tự thấy nó “quê kệch”...
 


5. Tạm biệt gia đình dì Hai, chúng tôi ngồi xuồng trở về. Mỗi lần xuồng dì Hai gặp những bạn giữ rừng khác, tôi lại nghe tiếng chào nhau ồn ả một khúc sông. Những người đàn ông “lưng trần gió bể” đang thu tay lưới về, những người đàn bà da đen sạm vì quanh năm tiếp xúc với nước mặn, đang giặt rửa bên bến sông. Một khoảng rừng toàn những người lớn ở lại, thanh niên ra phố ngay khi chúng lớn lên.

Tôi nghĩ về cây đước, cây bần, chúng chỉ có ở đây, giữa vùng đất nước ngọt giá năm mươi ngàn một khối này. Vùng đất mà bước chân ra là nước, nhìn ra xa cũng là nước... nhưng người ta nói, nó là “lá phổi”, là “quả thận” của một Sài Gòn trù phú, nhưng ô nhiễm. Không có Cần Giờ, không có rừng Sác, người Sài Gòn hẳn sẽ thấy hơi thở của mình ngột ngạt lắm chứ chẳng chơi.

Lê Hữu Hoài

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm