7 nhà xuất bản kiến nghị về nguy cơ phá sản: Muốn sữa tươi nhưng không quan tâm việc nuôi bò

05/12/2013 14:15 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Kiểm, nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản, với TT&VH trước sự việc các NXB gặp khó khăn tài chính. Theo ông Kiểm, họ đã “kêu cứu” từ 10 năm nay nhưng những khó khăn vẫn chưa thể giải quyết được.

Vừa qua, 7 NXB gồm Văn hóa Thông tin, Thể thao, Văn học, Âm nhạc, Thế giới, Văn hóa dân tộc và Hà Nội cùng nộp đơn kiến nghị lên Cục Xuất bản. Đơn đề nghị Cục nêu ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền để giảm giá thuê nhà, đất cho các NXB, giảm thiểu khó khăn tài chính.

Nhân sự việc này, ông Nguyễn Kiểm - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Xuất bản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản - trao đổi với TT&VH về khó khăn mà ngành xuất bản đang phải đối diện.

Ông Nguyễn Kiểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Việt Nam

* Vừa qua 7 NXB có kiến nghị lên Cục Xuất bản và Bộ Thông tin và Truyền thông về giá thuê trụ sở quá cao khiến họ đứng trước nguy cơ phá sản. Ý kiến của ông ra sao?

- Tôi ủng hộ kiến nghị của các NXB. Đơn kiến nghị đã gửi từ khá lâu rồi nhưng vẫn chưa có phản hồi. Trong thực tế, đây không phải là lần đầu tiên các NXB kêu cứu. Họ đã kêu từ hơn 10 năm nay rồi. Tôi từ 10 năm nay cũng đi kêu khắp nơi về cơ chế, chính sách cho hoạt động xuất bản nhưng các cơ quan vẫn im lặng.

Gần đây, họ mới chấp nhận cho các NXB được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% thay vì 25%. Năm 2012, toàn ngành xuất bản lãi trên 50 tỷ đồng thì số tiền thuế được giảm đi khoảng 5 tỷ đồng. Bớt được chừng đó thì có đáng gì đâu.

Việc này cũng chỉ có ý nghĩa tinh thần thôi vì có lãi mấy đâu mà nộp thuế. Ấy vậy mà các cơ quan Nhà nước hữu trách phải tư duy đến hơn 10 năm trời! Giá như việc chi tiêu ngân sách Nhà nước những dự án nghìn tỷ cũng được đắn đo, cân nhắc kỹ lưỡng như vậy thì các NXB cũng đỡ tủi thân hơn!

Ngành xuất bản từ lâu đã rất khó khăn. Nếu là một tác giả viết sách hoặc là người làm xuất bản, bạn sẽ hiểu rõ điều này. Bán phở còn kiếm được nhiều lợi nhuận hơn.

* Độc giả vẫn mua sách ngoài thị trường. Điều đó không giúp ích được gì cho ngành xuất bản sao, thưa ông?

- Nếu kể tên các NXB có thể sống được thì đếm không hết một bàn tay. NXB Kim Đồng, NXB Giáo dục hay NXB Trẻ vẫn còn có đối tượng độc giả chịu đọc và mua sách. NXB Kim Đồng bán sách cho thiếu nhi, trong khi NXB Trẻ hướng đến đối tượng thanh thiếu niên. Đó là những tầng lớp dân cư còn chịu đọc sách hoặc phải bắt buộc dùng sách.

Trong khi đó, nói thật là người lớn bây giờ, càng có trọng trách càng không có thời gian đọc sách và không chịu mua sách, nếu có cần thì điều đầu tiên họ nghĩ đến là… xin sách. Một bộ sách giá hơn 1 triệu đồng, họ có thể gọi điện xin một lúc vài bộ.

Còn lại, NXB Văn hóa dân tộc chuyên làm sách cho đồng bào dân tộc ít người, đối tượng độc giả cơm ăn còn chưa đủ nói gì đến mua sách? NXB Thế giới làm thông tin đối ngoại, trong khi sách dịch là một loại sách đòi hỏi trình độ cao, lại có nhiệm vụ phục vụ việc nâng cao hình ảnh quốc gia nhưng họ vẫn phải làm sách theo cơ chế “lời ăn lỗ chịu”.

* Ông nghĩ kiến nghị chung lần này của các NXB sẽ mang lại kết quả gì?

- Tôi không phải là người có thể trả lời, câu hỏi đó phải dành cho người có thẩm quyền.

Nhưng phải nói thế này, nếu để các NXB hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp thì họ hoàn toàn có thế làm được. Nhưng nếu vậy thì không thể duyệt từng câu từng chữ trong các sản phẩm xuất bản. Bởi doanh nghiệp có quyền làm những gì sinh lợi nhuận mà pháp luật không cấm. Nhưng hiện nay, ngoài việc xuất bản sách để kinh doanh, mỗi năm NXB phải vài lần xuất bản theo định hướng tuyên truyền, sách hầu như không ai mua cả.

Sách là sản phẩm văn hóa cần thiết  và hữu ích, chúng ta đều muốn có sách tốt, sách hay để đọc nhưng lại không quan tâm đến các NXB hay chí ít cũng cần hỗ trợ họ thực sự về tài chính và cơ chế. Nhưng thực tế cách hành xử hiện nay làm người ta nghĩ đến câu chuyện: Ai cũng muốn có sữa tươi tiệt trùng để uống nhưng lại không chịu để tâm đến việc nuôi bò.

Hôm 4/12, cuộc họp nội bộ giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Cục Xuất bản và đại diện hơn 10 NXB đã diễn ra tại trụ sở Ban Tuyên giáo Trung ương ở Hà Nội. Cuộc họp bàn về mô hình hoạt động của các NXB với tư cách đơn vị sự nghiệp hay doanh nghiệp.

Trong đó, vấn đề khó khăn tài chính vì giá thuê nhà, đất của 7 NXB trên cũng được nêu ra và bàn thảo.


Hạ Huyền (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm