Thể thao Việt Nam và câu chuyện tính dài lo ngắn

22/12/2023 05:01 GMT+7 | Thể thao

Chiều 21/12, hội nghị "Định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030" với chủ đề "Nâng tầm Asiad – Khát vọng Olympic" do Bộ VH, TT&DL tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

Theo một vài thông tin thì ban đầu, Cục TDTT chỉ định tổ chức buổi Hội thảo tọa đàm vào ngày 14/12 nhưng quy mô đã được nâng lên, cho thấy ngành thể thao cũng đã nhìn nhận được các thách thức từ nay đến 2030.

1. "Hội nghị Diên Hồng của ngành thể thao" diễn ra sau hơn 2 tháng kể từ Asiad 19, một thời gian đủ dài để nhiều chuyên gia cũng như người am hiểu thể thao đưa ra các đánh giá khách quan, tường tận mọi khía cạnh dẫn đến một Á vận hội không thành công, và lý giải được sự bất cập, độ vênh quá lớn giữa thành tích ở SEA Games 32 và Asiad 19.

Nói cách khác, nguyên nhân và kể cả cách để giải quyết các vấn đề của thể thao đỉnh cao Việt Nam gần như có đủ. Chính vì thế, Hội nghị lần này được mong đợi sẽ mang ý nghĩa tổng kết trên tinh thần tạo ra những đột phá về khía cạnh chính sách, qua đó mới có thể định hướng sự phát triển đến  năm 2030 gần với thực tế hơn.

Đơn cử như câu chuyện ngân sách cho VĐV đỉnh cao nếu chiếu theo các văn bản pháp quy hiện tại thì không thể bảo đảm được nhu cầu dinh dưỡng, chưa nói đến những vấn đề mang tính căn cơ như thu nhập hay đời sống VĐV khi không còn thi đấu. Cái câu "có thực mới vực được đạo" không thể chính xác hơn đối với thể thao thành tích cao.

Không chỉ là "có ăn", mà còn là "ăn đủ chất", "ăn đúng quy trình khoa học" và mỗi môn, mỗi VĐV lại có chế độ ăn uống khác nhau. Trong khi đó, chế độ tiền ăn của chúng ta hiện quy định theo khung tùy vào giai đoạn tập luyện, thi đấu. Những chế độ khác như lương, thưởng cũng theo ba-rem.

Có thể là ngành thể thao không thể "xé rào", nhưng rõ ràng là không phù hợp với thực tế, không thể kích thích VĐV "vượt ngưỡng" trong cả luyện tập lẫn thi đấu. Tổng kinh phí đầu tư cho thể thao đỉnh cao trong năm 2023 chỉ 710 tỷ đồng, hoàn toàn không đáp ứng được nhu cầu phát triển, nhất là ở trình độ châu Á và thế giới. 

Cũng là chuyện về tiền, nhưng ở phạm vi lớn hơn, đó là cơ sở vật chất tại Việt Nam hiện đã cũ kỹ. Những công trình quan trọng nhất vốn có từ kỳ SEA Games 2003, mặc dù cũng vẫn đang được sử dụng tốt, nhưng với một nền thể thao đang phát triển thì chuyện xây mới, nâng cấp thiết bị, là phải mang tính liên tục, cái sau hiện đại hơn cái trước để đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Ví dụ như đường chạy điền kinh của sân Mỹ Đình hiện chỉ có 8 lane, trong khi thế giới đang chạy 12 lane. Về cơ bản, vẫn "tắc" ở khâu đầu tư.

Thể thao Việt Nam & câu chuyện tính dài lo ngắn - Ảnh 1.

Thể thao Việt Nam muốn vươn xa ở đấu trường châu lục và thế giới thì phải tập trung đầu tư cho những môn thể thao cơ bản thuộc hệ thống Olympic như điền kinh. Ảnh: Hoàng Linh

Như vậy, 2 yếu tố cơ bản nhất để tạo ra trình độ và đẳng cấp của VĐV đỉnh cao, chúng ta đều chưa thể có sự đột phá về chính sách nào cả. Chọn lựa gần như duy nhất là đi tập huấn ở nước ngoài, hoặc kém hơn một chút là thuê chuyên gia, nhưng như thế cũng vướng bài toán ngân sách.

2. Đề án phát triển thể thao Việt Nam đến 2030 và tầm nhìn 2045 cho đến thời điểm này đã lộ ra một vấn đề lớn: Dự báo không chuẩn xác. Chúng ta chỉ thực hiện được mục tiêu đứng đầu SEA Games và không đạt được những con số, dù cũng khá khiêm tốn, về HCV tại Asiad hay các suất dự Olympic.

Nếu trong 20 năm phát triển mạnh mẽ mà các con số đều không biến động, đột phá thì cho dù có đặt tầm nhìn thêm 20-30 năm nữa thì cũng chỉ là "tầm nhìn". Dự báo không đúng thì có 2 nguyên nhân. Thứ nhất là do không đánh giá được sự phát triển chung của thể thao châu Á và thế giới. Chúng ta dự kiến sẽ tiến một bước, thì đối thủ đã tiến 2-3. Thứ hai, đó là do chúng ta đi quá chậm so với tiềm năng của mình. Nền tảng phục vụ cho thể thao thành tích cao cũ, yếu. Khả năng đào tạo lực lượng kế thừa chậm, kém, dẫn đến việc dự báo sẽ có độ vênh lớn so với năng lực.

Điều này được thấy qua thành tích của SEA Games, khi mà dự báo ít nhưng lại luôn vượt chỉ tiêu huy chương, luôn "vỡ" quỹ thưởng. Thoạt nghe tưởng là tốt, nhưng về bản chất, vẫn là dự báo không chuẩn. Nghĩa là trong khuôn khổ hẹp nhất, đánh giá tương quan dễ nhất, nhưng các con số vẫn có độ vênh lớn. Việc chúng ta đoạt nhiều huy chương có thể là do nỗ lực của VĐV, nhưng có khi đơn giản là do các đối thủ trong khu vực không còn mặn mà. Vì thế mà ra sân chơi Asiad, họ vọt lên còn ta đứng yên.

Thể thao thế giới biến động liên tục do sự phát triển của yếu tố chuyên nghiệp. Có những quốc gia không có truyền thống, nhưng chỉ sau 5-7 năm thì đã thành "cường quốc" như trường hợp Ấn Độ. Nhiều quốc gia chuyển sang mô hình nhập tịch VĐV để "săn" huy chương, thực hiện những cú "nhảy vọt" chắc chắn nằm ngoài dự báo của thể thao Việt Nam.

3. Không thể chỉ bằng một Hội nghị, dù có tính chất quan trọng đến đâu đi nữa, mà giải quyết được mọi vấn đề, nhất là khâu chính sách vốn còn phải chịu sự chi phối của các điều kiện khác trong tổng thể kinh tế - xã hội cả đất nước.

Nên xem ra, cái mà ngành thể thao nên hướng đến đó là phải điều chỉnh lại tầm nhìn của mình dựa trên thực trạng từ cơ sở vật chất, mức đầu tư, chất lượng đào tạo VĐV thay vì căn cứ trên thành tích hiện tại để đưa ra những dự báo không chính xác cho tương lai.

Cách tốt nhất vẫn là đầu tư có trọng tâm trên nguồn lực hạn chế, xác định được môn nào phát triển ở tầm Olympic, môn nào dành cho Asiad, cũng như cách "ứng xử" với SEA Games phù hợp.  Nói cách khác, để đưa ra tầm nhìn tương đối chính xác nhất vẫn là tinh gọn, hiệu quả trong đầu tư thể thao thành tích cao.

Vì không thể trông dài khi đang còn lo ngắn. Đầu tư thế nào, thì nên đánh giá kết quả một cách tương xứng. Thói quen đề cao yếu tố tinh thần nên giảm bớt. Ngay tại các kỳ SEA Games, nơi mà chúng ta đang là đoàn thể thao mạnh nhất, nhưng cứ sau mỗi chiến thắng thì lại cứ nói về nỗ lực, tinh thần, các câu chuyện bên lề mang yếu tố cảm xúc.

Điều đó không sai, nhưng thử nghĩ, ở một đấu trường nhỏ như vậy mà chúng ta không thể chiến thắng bằng chuyên môn thuần túy thì làm sao có thể vươn đến tầm châu lục, nói gì đến Olympic.

Những chiến thắng của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Rio 2016, hay lực sỹ Hoàng Anh Tuấn ở Bắc Kinh 2008, hay võ sỹ Trần Hiếu Ngân tại Sydney 2000 đều đến từ các thông số khoa học thông qua tập luyện và bản lĩnh thi đấu, đo đếm được qua các thành tích ở nhiều cấp độ quốc tế trước đó.

Những môn thi đấu này đều không xa lạ, thậm chí hoàn toàn phù hợp với VĐV Việt Nam nhưng lấy ví dụ như taekwondo, có huy chương Olympic, Asiad nhưng sau năm 2000 đến nay, lại không thể phát triển, thậm chí còn thụt lùi thành tích ở SEA Games.

Tại sao không thể duy trì được phong độ ở các môn mà chúng ta đã tiếp cận được trình độ Olympic? Liệu có phải trở lại chỉ là vấn đề tài chính? 

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Đặng Hà Việt, Cục trưởng Cục TDTT, cho biết, để khắc phục các vấn đề còn hiện hữu, cần xác định rõ mục tiêu và giải pháp. Về mục tiêu, ngành thể thao xác định rõ 3 mục tiêu tổng quát gồm: Tạo bước đột phá về thành tích thể thao tại các kỳ Thế vận hội (Olympic) và Đại hội Thể thao châu Á (Asiad); Xây dựng hệ thống đào tạo VĐV một cách khoa học, bền vững; tập trung đầu tư trọng điểm cho những VĐV ưu tú tham gia thi đấu Thế vận hội (Olympic) 2024, 2028 và Đại hội Thể thao châu Á (Asiad) 2026 và 2030; Định hướng, xây dựng kế hoạch, lộ trình để tập trung nguồn lực đầu tư, từ chuẩn bị lực lượng, công tác huấn luyện đến cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất và ổn định nguồn kinh phí hoạt động thể thao thành tích cao đến năm 2030.


Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm