Thể thao Việt Nam hướng tới Olympic 2024: Bước vào thời điểm quyết định

08/04/2024 08:41 GMT+7 | Thể thao

Tháng 4 và tháng 5 này chính là thời điểm quyết định trong cuộc đua giành vé dự Olympic 2024 của thể thao Việt Nam (TTVN) với ít nhất 16 cuộc thi đấu quan trọng ở 11 môn.

Mới hoàn thành 50% chỉ tiêu

Tính đến ngày 7/4, mới có 6 tuyển thủ của TTVN giành quyền tham dự Olympic 2024 trong bối cảnh các cuộc thi đấu tuyển chọn hoặc vòng loại vẫn đang diễn ra. Trường hợp mới nhất là Nguyễn Huy Hoàng, ngày 6/4 kình ngư người Quảng Bình vừa giành tấm HCV, đồng thời phá kỷ lục của giải bơi vô địch nhóm tuổi 2024 tại Thái Lan với 15 phút 37 giây 29 ở nội dung 1.500m tự do nam. Dù vậy, thành tích này vẫn chưa đủ để Nguyễn Huy Hoàng có thêm vé dự Olympic 2024 khi còn cách xa so với chuẩn A là 15 phút 00 giây 99 hoặc chuẩn B là 15 phút 05 giây 49.

Trước đó, vào ngày 2/4, lực sĩ Trịnh Văn Vinh là người mới nhất đem về tấm vé dự Olympic 2024 ở môn cử tạ cho TTVN khi thi đấu thành công tại Cúp thế giới diễn ra tại Phuket, Thái Lan. Việc cải thiện mức tổng cử so với thành tích tốt nhất gần đây, từ 292kg lên 294kg, lực sĩ người Bắc Ninh đã chính thức nằm trong danh sách 10 VĐV được trao vé tham dự Olympic 2024 ở hạng 61kg nam. Trịnh Văn Vinh cũng là lực sĩ duy nhất của cử tạ Việt Nam có vé dự Olympic đến thời điểm hiện tại.

Thể thao Việt Nam hướng tới Olympic 2024: Bước vào thời điểm quyết định - Ảnh 2.

Tay vợt Nguyễn Thùy Linh gần như chắc chắn có vé dự Olympic 2024 vào ngày 28/4 tới đây. ẢNH: TTXVN

Thống kê cho thấy, TTVN đã có 6 VĐV giành quyền tham dự Thế vận hội gồm Nguyễn Thị Thật (môn xe đạp, nội dung xuất phát đồng hàng) Nguyễn Huy Hoàng (bơi, 800m tự do), Trịnh Thu Vinh (bắn súng, 10m súng ngắn hơi), Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng, 10m súng trường hơi), Võ Thị Kim Ánh (quyền Anh, hạng 54kg) và Trịnh Văn Vinh (cử tạ, hạng 61kg). So với chỉ tiêu giành từ 12 đến 15 vé chính thức, TTVN mới hoàn thành 50% chỉ tiêu tối thiểu trong bối cảnh cuộc đua giành vé ở các môn trong chương trình thi đấu Olympic 2024 bước vào chặng nước rút.

Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt từng thừa nhận, chỉ tiêu giành vé dự Olympic 2024 của TTVN là khiêm tốn và có sự sụt giảm về số lượng so với các kỳ Thế vận hội gần đây. "Chúng tôi nhìn nhận, xét về mặt số học là dự báo số suất Olympic 2024 đi xuống. Công tác đầu tư, tuyển chọn chưa hiệu quả. Ngành thể thao phải nhìn nhận để có sự thay đổi và có nhiều việc phải làm". Điều này cũng đồng nghĩa với việc, khả năng có bất ngờ vào phút chót trong cuộc đua giành vé dự Olympic 2024 của TTVN là không nhiều và hoàn thành chỉ tiêu tối đa cũng là một thách thức lớn.

2 tháng quyết định

TTVN bước vào đợt cao điểm của chiến dịch săn vé dự Olympic trong tháng 4 và tháng 5 với việc góp mặt ở ít nhất 16 cuộc thi đấu tuyển chọn hoặc vòng loại ở 11 môn ở cấp độ châu lục và thế giới. Trong đó, 7 môn gồm bóng bàn, đấu kiếm, bắn cung, rowing, canoeing, bắn súng và điền kinh đều là các cuộc thi đấu mang tính quyết định tới khả năng giành vé nếu thành công hoặc sẽ trắng tay nếu thất bại. Đánh giá về chuyên môn, các tuyển thủ TTVN ở nhóm môn này đều có cơ hội tranh chấp song thành tích cuối cùng mới là yếu tố quyết định.

Đơn cử như ở bộ môn đua thuyền, giải vô địch châu Á, đồng thời là vòng loại Olympic 2024 diễn ra tại Nhật Bản (từ 18 đến 21/4) là cơ hội duy nhất với thầy trò đội tuyển Canoeing. ĐTQG Canoeing sẽ góp mặt với 4 VĐV sau quá trình chuẩn bị khá kỹ lưỡng với chuyến tập huấn tại Thái Lan (vừa kết thúc vào ngày 3/4) sẽ phải cạnh tranh với các tay chèo hàng đầu châu lục và chỉ có 16 tấm vé được trao cho 2 thuyền dẫn đầu ở 8 nội dung thi đấu.

Tương tự là môn rowing, vòng loại Olympic 2024 tại Chungju, Hàn Quốc cũng là cơ hội duy nhất cho 9 tay chèo Việt Nam tìm kiếm cơ hội tới Paris ở nội dung thuyền cá nhân (nam, nữ) và thuyền đôi (nam, nữ). Sự cạnh tranh là rất quyết liệt khi giải đấu quy tụ nhiều tay chèo xuất sắc và đòi hỏi các tuyển thủ Việt Nam cần tạo đột biến về thành tích mới có hi vọng giành vé, trong đó, nội dung thuyền đôi nữ hạng nhẹ mang tới hi vọng lớn nhất.

Đối với các môn bóng bàn, bắn súng, đấu kiếm, bắn cung và điền kinh, cơ hội tranh vé cũng là duy nhất hoặc đều là giải đấu cuối cùng. Nếu không thành công, TTVN sẽ không có hoặc thêm suất dự Olympic. Khó khăn lớn nhất, hầu hết các giải đấu này đều chỉ trao vé cho VĐV có thứ hạng cao và thi đấu theo thể thức loại trực tiếp nên mức độ cạnh tranh là rất lớn. Ví dụ như môn điền kinh, để có suất dự Olympic 2024, đội nữ tiếp sức 4x400m cần cải thiện thành tích để lọt vào top 16 đội có thành tích tốt nhất thế giới từ vị trí thứ 33 hiện tại.

Ở các môn Judo, vật, thể dục cơ hội còn nhiều hơn, cụ thể Judo sẽ dự 4 giải, vật dự 2 giải và thể dục dự 2 giải. Trong quá trình thi đấu tích điểm ở môn Judo, Chu Đức Đạt, Hoàng Thị Tình và Nguyễn Ngọc Diễm Phương đang được tạo tối đa cơ hội thi đấu để tranh vé, song yếu tố quyết định vẫn là giành thành tích tốt để cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng cá nhân vì cả 3 võ sĩ hiện đều đứng ngoài top 100. Đối với môn vật và thể dục, sự cạnh tranh cũng hết sức khắc nghiệt ở 2 giải đấu còn lại, đòi hỏi các tuyển thủ phải có thứ hạng rất cao trong thi đấu cá nhân.

TTVN có thể giành thêm ít nhất 6 suất dự Olympic 2024?

Nhìn vào số lượng các giải đấu trong tháng 4 và tháng 5, nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ và các tuyển thủ giành được thành tích tốt, TTVN có thể giành thêm ít nhất 6 tham dự Olympic. Các môn có nhiều cơ hội hơn cả là bóng bàn, rowing, bắn cung, bắn súng, judo và vật.

Trong nhóm này, có những niềm hi vọng đã khẳng định được thành tích cá nhân như Phạm Quang Huy (bắn súng), Phạm Thị Huệ, Lường Thị Thảo và Đinh Thị Hảo (rowing) đã từng từ dự Olympic 2020, Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung). Hoặc đối với môn bóng bàn, với vòng loại Olympic 2024 của riêng khu vực Đông Nam Á, cơ hội cho Nguyễn Anh Tú và Mai Hoàng Mỹ Trang là không nhỏ ở nội dung đơn nam và đơn nữ.

Đến ngày 28/4 tới đây, TTVN chắc chắn đón nhận thêm tin vui khi Liên đoàn Cầu lông thế giới sẽ công bố danh sách VĐV chính thức được trao quyền tham dự Olympic 2024 theo bảng xếp hạng cá nhân (tính điểm từ các giải đấu trong hệ thống tuyển chọn). Tay vợt Nguyễn Thùy Linh cầm chắc suất thi đấu ở nội dung đơn nữ khi đang đứng thứ 16/34 được trao vé với 48.350 điểm (Kate Foo Kune ở vị trí 34 có 19.132 điểm).

Ngoài ra, Lê Đức Phát cũng có cơ hội với vị trí thứ 34 trong danh sách nội dung đơn nam với 22.350 điểm. Trường hợp của Đức Phát cần có nỗ lực để cải thiện thứ hạng khi chỉ hơn 130 điểm so với tay vợt đứng vị trí 35. Như vậy, cầu lông Việt Nam ít nhất có 1 suất và tối đa có 2 suất dự Olympic 2024.

Theo kế hoạch thi đấu, nhiều khả năng, quyền Anh là môn cuối cùng có thể báo tin vui cho TTVN khi vòng loại thứ 2 tranh vé dự Olympic 2024 sẽ kết thúc vào ngày 3/6. Ngoài 5 hạng cân của nữ, ĐTQG quyền Anh dự kiến cử thêm 4 VĐV nam tham dự để nhen nhóm hi vọng tranh vé. Trong số này, á quân thế giới Nguyễn Thị Tâm được kỳ vọng sẽ lấy lại phong độ tốt nhất khi đã hoàn toàn bình phục chấn thương.

Với 65 tuyển thủ ở 14 môn thể thao được đầu tư trọng điểm để chuẩn bị cho vòng loại Olympic 2024, cơ hội để TTVN hoàn thành chỉ tiêu tối thiểu giành 12 vé dự Olympic 2024 là có cơ sở. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là khả năng phát huy tối đa phong độ và bản lĩnh thi đấu của mỗi tuyển thủ trong các cuộc so tài mang tính quyết định tới đây.

Thể thao người khuyết tật Việt Nam tìm suất dự Paralympic 2024

Theo kế hoạch của Cục TDTT, trong tháng 5, thể thao người khuyết tật Việt Nam cũng sẽ tham dự các giải đấu có quy mô thế giới nhằm tìm kiếm tấm vé tham dự Paralympic 2024. Đáng chú ý, các tuyển thủ thể thao người khuyết tật sẽ góp mặt thi đấu ở giải Cúp Cử tạ thế giới tại Pattaya, Thái Lan (từ ngày 3 đến 11/5), giải bơi Para Swimming World Series tại Singapore (từ ngày 13 đến 20/5) và vô địch Điền kinh người khuyết tật thế giới tại Kobe, Nhật Bản (từ ngày 14 đến 26/5).

Vũ Lê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm