Hồ sơ máy bay thân rộng có động cơ phản lực đầu tiên trên thế giới

15/11/2018 09:47 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Vào thập niên 60 của thế kỷ 20, ngành khàng không đã tiến từ bước chỉ là phương tiện di chuyển dành riêng cho những người giàu có thành phương tiện vừa túi tiền hơn cho nhiều người.

Ngỡ ngàng với nghĩa địa máy bay khổng lồ từ thời Thế chiến thứ 2

Ngỡ ngàng với nghĩa địa máy bay khổng lồ từ thời Thế chiến thứ 2

Hơn 150 chiếc máy bay từng mất tích trong Thế chiến thứ hai vừa được tìm thấy ở độ sâu khoảng 45 mét dưới đáy biển Thái Bình Dương.

Thay vì những chiếc máy bay với động cơ cánh quạt, những chiếc máy bay tại thời kỳ này đã trở nên to hơn, động cơ mạnh hơn để có thể vận chuyển khối lượng hàng hóa và hành khách nhiều hơn cùng với quãng đường bay dài hơn. 

L-1011 TriStar: thế hệ máy bay thân rộng có động cơ phản lực đầu tiên 

Đầu thập niên 1960, Không quân Hoa Kỳ sử dụng máy bay vận tải Lockheed C-141 Starlifter, là loại máy bay phản lực vận tải bốn động cơ được thiết kế để vận chuyển 27 tấn hàng hóa đi được một khoảng cách tối đa là 5.600km, nên họ muốn có loại máy bay lớn hơn thế. 

Năm 1964, Không quân Hoa Kỳ đề xuất với các các hãng sản xuất máy bay thiết kế cho họ chiếc máy bay chở được 52 tấn hàng hóa bay xa khoảng 8.000km - hoặc có khả năng cất cánh với 81 tấn hàng trên khoang cho các chuyến bay ngắn. Thêm nữa, chiếc máy bay này phải có khoang hàng hóa rộng 5,18m, cao 4,1m và dài 30m, đủ rộng để chứa một chiếc xe tăng. Và nó cần phải có độ dốc ở cả hai chiều trước và sau để các loại xe có thể đưa lên và đưa xuống từ cả hai đầu máy bay.

Cuối cùng mẫu thiết kế của hãng Lockheed mang tên L-1011 TriStar đã được chọn. L-1011 TriStar có chiều dài 75,31m, sải cánh 67,89 m và có 3 động cơ phản lực. Thiết kế bên trong của L-1011 ở khoang buồng lái có 3 ghế dành cho phi công. Khoang hành khách có sức chứa lên tới 400 khách và có 2 lối đi giữa 5 hàng ghế. 

Chú thích ảnh
Một chiếc L-1011 TriStar

Ngày 16-11-1970, L-1011 đã có chuyến bay thử nghiệm đầu tiên. Để đảm bảo an toàn và kiểm tra công suất động cơ, hãng đã cho L-1011 thử nghiệm bay trong điều kiện khắc nghiệt nhất suốt 18 tháng, chương trình này tiêu tốn đến 1,5 tỷ USD. Đòn bẩy thuỷ lực, bộ cảm ứng điện tử và máy tính kiểm tra vận tốc máy trong suốt 36.000 lượt bay mô phỏng (tương đương 100 năm sử dụng máy bay) và không có một lỗi chức năng nào. Cuối cùng, sau hàng ngàn thử nghiệm, chiếc máy bay đã được đóng dấu phê chuẩn.

Đến cuối những năm 1980, L-1011 đã không còn đáp ứng được nhu cầu sử dụng và các nhà sản xuất phải phát triển những mẫu máy bay mới để thay thế.

Những chiếc máy bay lớn nhất thế giới hiện nay

Boeing 747 là một trong những chiếc máy bay chở khách khổng lồ được chế tạo đầu tiên trên thế giới. Kể từ lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng vào tháng 9 năm 1968, Boeing 747 đã trở thành một trong những tượng đài của ngành hàng không thế giới và được ưu ái mệnh danh là “nữ hoàng bầu trời”. Năm đỉnh cao của chiếc máy bay này là 2002, khi có tổng cộng 33.000 chuyến bay bằng máy bay Boeing 747 được thực hiện, chuyên chở khoảng 10,5 triệu lượt hành khách.

Nó giữ kỷ lục là máy bay có sức chứa hành khách lớn nhất thế giới trong gần 4 thập niên trước khi bị đối thủ A380 của hãng chế tạo Airbus vượt mặt vào năm 2005.

Chú thích ảnh
Boeing 747

Vào năm 2007, cả thế giới lần đầu được chứng kiến chuyến bay thương mại của Airbus A380 từ Singapore tới Sydney. Tầm bay tối đa của nó là 15.200 km (đủ sức bay thẳng từ New York tới Hongkong) và vận tốc trung bình khoảng 1.000 km/h. Đây là chiếc máy bay phản lực thân rộng hai tầng, bốn động cơ, nó được xem là dòng máy bay thương mại lớn nhất thế giới.  Airbus A380 có chiều dài 72,73 m, sải cánh 79,75 m và chiều cao 24,45 m. Diện tích rộng của thân máy bay là điện kiện lý tưởng để các hãng hàng không tạo ra những dịch vụ độc nhất vô nhị, bao gồm cả quán bar trên những phi cơ A380.

Đầu tháng 4 năm 2018, chiếc máy bay lớn nhất thế giới An-225 Mriya đã cất cánh từ một sân bay ở ngoại ô thủ đô Kiev của Ukraine, để thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên sau khi được sửa chữa và hiện đại hóa. Trong lần tu bổ hiện đại hóa gần nhất, chiếc máy bay này đã được trang bị thêm một hệ thống định vị mới và nhiều thiết bị điện tử tối tân. 

An-225 (tên đầy đủ Antonov An-225 Mriya) có tải trọng khổng lồ lên tới 640 tấn là chiếc máy bay vận tải lớn nhất thế giới hiện nay. An-225 Mriya được nhà máy Antonov của Ukraine thiết kế và sản xuất vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, với mục đích ban đầu là chuyên chở tàu con thoi Buran và tên lửa đẩy Energia. An-225 Mriya có sáu động cơ phản lực và có thể chở được khối lượng hàng hóa kỷ lục 640 tấn. 

Kể từ khi được đưa vào vận hành cách đây khoảng 30 năm, An-225 Mriya đã thực hiện tổng cộng 240 chuyến bay.

Máy bay thân rộng với việc gia tăng không gian cho phép các hãng hàng không tăng cường tiện ích trong khoang hành khách, đồng thời tăng tốc độ bốc xếp hàng hóa và hành lý. Theo dự báo của các chuyên gia, các hãng hàng không trên toàn cầu sẽ đầu tư khoảng hơn 2.800 tỷ USD để trang bị hơn 9.130 máy bay thân rộng trong vòng 20 năm tới.

Bích Hảo (tổng hợp) 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm