Chiến đấu cơ EU muốn “qua mặt” Mỹ

23/02/2011 11:32 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Trong thương vụ làm ăn trị giá nhiều tỉ USD và có thể giúp định hình một trong những chiếc chiến đấu cơ chính sẽ bay lượn trên bầu trời châu Á vài thập kỷ tới, các nhà sản xuất máy bay châu Âu đang cố gắng vận động Nhật Bản làm điều mà họ chưa từng thực hiện trước đây: bỏ qua đối tác Mỹ.

Từ lâu nay Nhật Bản đã có ý định thay thế những chiếc chiến đấu cơ cổ lỗ trong trang bị của họ và mua về các vũ khí hiện đại hơn, trong chương trình mua sắm máy bay chiến đấu chủ lực mang tên F-X.

Chiếc máy bay chủ lực tương lai

Máy bay Mỹ vẫn luôn được xem là lựa chọn ưa thích của người Nhật. Nhưng thời gian gần đây, Nhật dường như dao động mạnh trước nỗ lực vận động của phía châu Âu và khả năng chiến đấu ưu việt của những chiếc Eurofighter Typhoon. Thêm vào đó là việc có nhiều hạn chế trong thương vụ mua máy bay của người Mỹ, khiến sự hứng thú của Tokyo giảm đi ít nhiều.

Bản hợp đồng mà người Nhật sẽ trao cho bên thắng thầu dự kiến trị giá tới 10 tỉ USD và chiếc máy bay mới sẽ đóng vai trò phô trương sức mạnh trong thời điểm cả Trung Quốc và Nga đang hiện đại hóa nhanh quân đội của họ. Hợp đồng sẽ đưa về cho Nhật 40-50 chiếc máy bay mới.

Vì Nhật Bản có mối quan hệ quân sự chặt chẽ với Washington, các máy bay F-35 hiện đại của tập đoàn Lockheed Martin và mẫu F/A-18 của Boeing đã được xem là sự lựa chọn hàng đầu của nước này. Giới phân tích cũng cho rằng người Mỹ hầu như đã nắm chắc hợp đồng trong tay.

Châu Âu đang tích cực vận động để hất cẳng Mỹ trong cuộc đua bán máy bay Typhoon cho Nhật Bản

Nhưng việc Nhật Bản muốn mua những chiếc F-22 Raptor hiện đại và không được Mỹ chấp nhận, cộng với việc có những trì hoãn trong khâu sản xuất khiến những chiếc F-35 chậm tới tay họ, đã khiến châu Âu được lợi. Các nhà sản xuất vũ khí châu Âu đang rất tích cực vận động Nhật Bản mua chiếc Eurofighter Typhoon, trong bối cảnh thời hạn chót để quyết định chiếc máy bay cho chương trình F-X đang tới gần.

"Eurofighter Typhoon là chiếc máy bay có nhiều năng lực chiến đấu nhất mà người Nhật có thể mua. Nó là nền tảng đa nhiệm hàng đầu thế giới, với khả năng không chiến vượt trội” - Jon Bonnick, phát ngôn viên của tập đoàn BAE Systems thuộc Anh, nơi đang dẫn đầu thương vụ bán Eurofighter cho Nhật Bản nói.

Lời đề nghị bọc đường

Các nhà hoạch định chiến lược của Tokyo gần đây đã được báo động bởi khả năng quân sự tăng nhanh của Trung Quốc, nước mới trình làng chiến đấu cơ tàng hình thế hệ mới J-20. Dù chiếc máy bay này còn phải mất nhiều năm mới đi vào hoạt động, nó đã được đánh giá là đối thủ của loại F-22 Raptor và dĩ nhiên vượt trội hơn so với các máy bay của Nhật Bản.

Nhưng ngay cả khi chưa có “cú sốc J-20”, Nhật Bản đã nằm dưới sức ép phải thay thế những chiếc F-4EJ và F-15 đã già cỗi của họ. Lẽ ra Nhật Bản đã đưa ra quyết định cuối vào năm 2007 nhưng rồi thời hạn chót cứ bị lùi lại vì vấn đề ngân sách và vì cả sự quan liêu của giới lãnh đạo. "Đây là một vấn đề chúng ta phải cân nhắc” – Bộ trưởng Quốc phòng Toshimi Kitazawa tuyên bố trước Quốc hội vào tuần trước.

Hiện Quốc hội Mỹ vẫn cấm bán những chiếc F-22 Raptor vì muốn bảo vệ các bí mật liên quan tới công nghệ tàng hình của chiếc máy bay. Tuy nhiên sự trì hoãn trong việc sản xuất mẫu máy bay tàng hình F-35 khiến Nhật Bản sẽ không thể có nó cho tới trước năm 2020, một khoảng trống nước này khó chấp nhận.

Trong khi đó, chiếc Eurofighter, dù không hiện đại như mẫu F-22 hoặc F-35, lại đang hoạt động ở 6 quốc gia và hàng có thể sớm được chuyển tới tay người Nhật. Chiếc máy bay siêu âm này có chuyến bay đầu tiên vào năm 1994. Xét về mặt tính năng, Typhoon có khả năng bay với vận tốc 2.500km/h và tầm hoạt động khoảng 3.000km. Máy bay được trang bị 1 pháo 27 mm Mauser BK-27; các tên lửa đối không AIM-9 Sidewinder, AIM-132 ASRAAM, AIM-120 AMRAAM, IRIS-T và MBDA Meteor trong tương lai; các tên lửa đối đất AGM-84 Harpoon, AGM-88 HARM, ALARM, Storm Shadow, Brimstone, Taurus, Penguin và AGM Armiger trong tương lai. Nó cũng có thể mang theo bom Paveway 2, Paveway 3, Enhanced Paveway và bom thông minh JDAM.

Sự tổng hợp của các tính năng như nhanh nhẹn, khả năng thao diễn, khả năng tàng hình ở mức độ tương đối và hệ thống điện tử hiện đại khiến Typhoon trở thành một trong những loại máy bay chiến đấu được đánh giá cao nhất hiện nay.

Một điều khoản hấp dẫn trong thương vụ mua Typhoon là châu Âu sẽ không xiết chặt việc chuyển giao công nghệ và điều đó có nghĩa máy bay này có thể được sản xuất ở Nhật Bản, một lựa chọn hào phóng hơn nhiều so với người Mỹ. "Người Nhật rõ ràng muốn có loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, nhưng nếu sự lựa chọn này không được đáp ứng, họ sẽ tìm mua các loại máy bay khác và mang về cả giấy phép chế tạo chúng” - Michael Auslin, một nhà phân tích thuộc Học viện Kinh doanh Mỹ nhận xét - “Các nhà sản xuất Eurofighter đã trao cho Tokyo một đề nghị bán hàng bọc đường. Nếu phía Mỹ không có thứ gì hấp dẫn hơn thế, tôi nghĩ sẽ khó để Tokyo chấp nhận chọn bản hợp đồng xương xẩu hơn”.

Yếu tố chính trị trong thương vụ khổng lồ

Christopher Hughes, một chuyên gia về Nhật Bản và là nhà khoa học chính trị ở Đại học Warwick tin rằng Tokyo sẽ mua những chiếc Eurofighter như phương tiện lấp chỗ trống trước khi tiếp tục mua máy bay F-35.

“Cảm giác của tôi là Eurofighter sẽ có cơ hội được mua, nhưng sẽ không trở thành chiếc F-X chủ lực của Nhật Bản. Chiếc máy bay đó đạt được nhiều yêu cầu của Nhật Bản, sẵn sàng đi vào hoạt động và dù không rẻ thì cũng chẳng có giá cắt cổ như chiếc F-35".

Tuy nhiên đó mới chỉ là phỏng đoán. Người Nhật vẫn có truyền thống mua vũ khí Mỹ, chủ yếu là vì các vấn đề chính trị và liên quan tới những tính toán thực dụng. Washington là đồng minh lớn của Nhật Bản và 50.000 quân Mỹ vẫn đang đồn trú ở Nhật. Không quân Nhật Bản phải hoạt động rất chặt chẽ với không quân Mỹ nên việc có chung trang thiết bị khiến việc hợp tác trở nên dễ hơn. Bên cạnh đó, giới phân tích cũng đánh giá người Nhật sẽ khó có thể hy sinh mối quan hệ tốt đẹp của họ với Mỹ chỉ để đổi lấy một thương vụ “ngon ăn” từ phía châu Âu.

"Một nền tảng Mỹ cho chiếc F-X sẽ đảm bảo rằng mối quan hệ quân sự bền vững tiếp tục trong tương lai, với các lợi ích từ đó có thể mang tới sự ổn định và an ninh cho Nhật Bản cũng như toàn khu vực” – phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Leslie Hull-Ryde tuyên bố.

Dựa trên những điều này, có thể thấy châu Âu sẽ phải vận động hết sức tích cực nếu muốn nhận được cái gật đầu từ phía Tokyo. Mẫu Typhoon hiện đang rất cần chiến thắng trên mặt trận bán hàng, nhất là trong bối cảnh Italia tuyên bố sẽ loại 25 chiếc ra khỏi đơn đặt hàng để tiết kiệm 2,6 tỉ USD, còn Anh đang cân nhắc cắt giảm ngân sách quốc phòng tới 20%.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm