Thế giới phải chấp nhận thứ bóng đá “chết”

25/04/2020 07:56 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Rất có thể, trong vòng một năm rưỡi sắp tới, bóng đá thế giới không có khán giả vào sân. Đây thực sự là thứ bóng đá “chết”.

Bóng đá hôm nay 25/4: Giải Hà Lan chính thức bị hủy. Dấu hiệu cho thấy MU sắp mua được Koulibaly

Bóng đá hôm nay 25/4: Giải Hà Lan chính thức bị hủy. Dấu hiệu cho thấy MU sắp mua được Koulibaly

Giải VĐQG Hà Lan chính thức bị hủy. Dấu hiệu cho thấy MU sắp mua được Koulibaly. Tin tức bóng đá hôm nay 25/4.

Không chỉ mất đi sự hấp dẫn vốn có, khán đài vắng khán giả cũng đồng nghĩa các CLB thiệt hại nặng nề về doanh thu, và nền kinh tế liên quan đến bóng đá chịu tác động lớn.

Một năm rưỡi không khán giả

62.000 chỗ ngồi trên khán đài SVĐ mới của Tottenham - có tổng chi phí của dự án lên đến 1 tỷ bảng - không có một khán giả. Bức tường vàng trên khán đài Signal Iduna Park - sân bóng cuồng nhiệt nhất thế giới, không xuất hiện khi Dortmund đá sân nhà. Olimpico di Roma mất hẳn sự cuồng nhiệt, thậm chí đến mức điên rồ kiểu phát xít, khi diễn ra trận derby thủ đô Rome. Sắc tím đẹp mê hoặc không xuất hiện ở Artemio Franchi. Derby Thổ Nhĩ Kỳ giữa Galatasaray với Fenerbahce không có những tiếng hét. Superclásico mất hẳn sắc màu quen thuộc. Camp Nou không còn những lá cờ Catalunya và tiếng la ó đòi độc lập…

Đấy là những gì có thể diễn ra, khi bóng đá thế giới trở lại sau đại dịch Covid-19. Viễn cảnh ấy đang đến rất gần. Nếu không có gì bất ngờ, các trận đấu sẽ diễn ra mà không có khán giả trong một năm rưỡi tới đây. Người hâm mộ chỉ có thể quay lại vào năm 2022.

SVĐ không khán giả không phải chưa từng diễn ra. Nhưng chỉ là tỷ lệ rất thấp, những trận đấu bất thường. Toàn bộ các trận đấu trên thế giới với khán đài vắng tanh là chuyện chưa từng diễn ra. Khán giả vốn được ví như cầu thủ thứ 12 khi các đội đá sân nhà. Các cuộc chiến knock-out luôn rất quan trọng khi đá sân nhà. Điều này nói lên yếu tố khán giả quan trọng như thế nào. Nhưng sắp tới, các đội phải chấp nhận thi đấu không có vũ khí tinh thần trên khán đài.

Một thứ bóng đá chết, khi không có sự cuồng nhiệt quen thuộc. Sức hấp dẫn cũng mất đi với những người quen xem truyền hình trực tiếp. Không có âm thanh cổ vũ, thiếu tiếng la hét, đối với nhiều người, sự hấp dẫn trước màn hình không còn.

Chú thích ảnh
Bóng đá không khán giả là thứ bóng đá “chết”

Bất thường, nhưng là kịch bản phải chấp nhận, sau khi thế giới hứng chịu quả bom sinh học thế kỷ. “Vấn đề của các trận bóng đá rất phức tạp. Chúng ta đã học được bài học từ miền Bắc Italy (trận lượt đi vòng 1/8 Champions League, giữa Atalanta và Valencia, trên sân San Siro - PV), một trong những tác nhân gây nên sự bùng nổ của đại dịch”, Pere Godoy - chủ tịch Hiệp hội Dịch tễ học Tây Ban Nha - ủng hộ đóng cửa SVĐ cho đến hết năm 2021. Joan Ramon Villalbi - thành viên Hội đồng Ý tế Công cộng Tây Ban Nha - lên tiếng: “Biện pháp này cần áp dụng. Một trận bóng đá với 100.000 người tham dự không chỉ liên quan gần gũi giữa những người đến sân. Đấy còn là cách họ di chuyển, thông qua các phương tiện công cộng, trở thành tình huống thuận lợi để truyền bệnh”.

Thiệt hại khổng lồ

Những chuyên gia tư vấn cho các chính phủ Anh và Mỹ đều thống nhất, thời gian hơp lý nhất là chờ 18 tháng để mọi thứ hoàn toàn được kiểm soát. Một khi quy định này thông qua, thiệt hại ngoài sân cỏ là những con số khổng lồ.

Trung bình, các CLB lớn ở châu Âu thiệt hại khoảng 20% doanh thu từ bán vé. Dựa theo những số liệu gần nhất, Real Madrid mất 161 triệu euro doanh thu, tương đương với 19,6%. Barca mất 22% doanh thu, khoảng 220 triệu euro. Trong đó, 62 triệu euro đến từ lượng vé của các hội viên chính thức, 158 triệu euro từ bán vé trực tiếp ở Camp Nou. MU - một trong những CLB kiếm tiền tốt nhất từ bán vé - thiệt hại không dưới 140 triệu bảng.

Tất nhiên, không chỉ các CLB thiệt hại. Bóng đá có tác động lớn đến kinh tế và xã hội từng quốc gia. Mỗi trận bóng đá, rất nhiều doanh nghiệp tham gia hoạt động. Thi đấu không khán giả khiến nhiều hoạt động không thể duy trì. Một ví dụ: Bóng đá chuyên nghiệp Ban Nha tạo ra giá trị 2,4 tỷ euro cho các doanh nghiệp xung quanh, không liên quan trực tiếp đến bóng đá (như khách sạn, vận chuyển, lưu trú). Những trận đấu không khán giả trong một năm rưỡi khiến nhiều lao động khó khăn. Những nền bóng đá lớn sẽ tác động trực tiếp vào GDP quốc gia.

Cho đến trước khi vaccine Covid-19 phổ biến, thế giới phải chấp nhận thứ bóng đá “chết”.

Ngọc Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm