Thế giới đảo điên vì 'lề phải', 'lề trái'

27/05/2017 12:51 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Đột nhiên tất cả tắc nghẽn và kẹt cứng. Vào lúc 4h50 ngày 3/9/1967, mọi dạng giao thông đường bộ cả nước Thụy Điển đứng im.

Radio phát lời cảnh báo, chỉ thị cho xe cộ dạt vào lề đứng đợi. Lái xe kiên nhẫn ngồi trong xe đợi lệnh mới, trong khi trực thăng cảnh sát quần đảo trên trời, tại các khu dân cư quân đội và lực lượng hỗ trợ bận rộn tháo các túi nylon đen che biển giao thông xuống…

Chính phủ Thụy Điển bắt đầu chiến dịch “đổi lề” từ đầu năm. Họ cho mở vô số các bãi tập có rào chắn, và cứ cuối tuần là không còn chỗ trống. Đơn giản vì chẳng ai muốn bị bất ngờ vào thời điểm quyết định: ngày 3/9/1967 xe cộ ở nơi này sẽ rời lề trái, chuyển sang phải, và điều đó thoạt tiên cũng khó khăn như người thuận tay phải đột nhiên phải cầm dao gọt củ khoai tây bằng tay trái vậy.

Cả châu Âu nín thở …

Dù là ví dụ trên khá khập khiễng: khi gọt khoai, người ta thường ngồi một mình trong bếp, có làm sai thì hậu quả cũng chẳng nghiêm trọng lắm, trong khi lái ô tô thì phải nhịp nhàng phối hợp với các xe khác, nhất là khi vào cua, khi vượt, khi qua ngã tư v.v…  

Chú thích ảnh
Ngày đầu đổi lề náo loạn (Thụy Điển)

Cả châu Âu nín thở theo dõi ngày trọng đại của phần bán đảo Scandinavia.

Đúng 5h, phát thanh viên trên radio đếm ngược số giây cho đến khi ban hành luật giao thông mới, như thời điểm phóng tàu vũ trụ lên không trung vậy. Rồi giây phút đó cũng đến: “Bây giờ là lúc bắt đầu đổi lề đường!” Dãy ô tô bên lề đường từ từ chuyển bánh, bò như rùa qua làn đường bên kia. Cả nước Thụy Điển rục rịch chuyển từ đi lề trái sang lề phải - lần đầu tiên trong lịch sử của phương tiện giao thông có động cơ, hay đúng hơn, lần đầu tiên từ khi có xe ngựa, xe bò.

Ngày đó đi vào lịch sử với danh hiệu “Ngày H (H như höger, nghĩa là bên phải), cũng là điểm kết của cuộc tranh luận xã hội kéo dài mấy thập kỷ. Ở đây người ta quen đánh xe ngựa, cưỡi bò, đi ô tô theo lề trái từ trên 200 năm nay. Thụy Điển cũng có một công nghiệp ô tô phát triển, song lại là xe có vô lăng bên tay trái để đi lề phải! Lần trưng cầu dân ý đầu tiên, chỉ có 15,5% dân chọn phương án giữ lề trái, với lý do là lái xe mở cửa có thể bước luôn lên vỉa hè!     

Mỗi phe thuận hay phe chống đều có lý lẽ riêng của mình, chẳng ai hơn ai, vì nói cho cùng thì trên thế giới này vẫn luôn tồn tại hai hệ thống song song chung sống hòa bình.

Rốt cục thì ngành du lịch đã làm cho cán cân ngả về lề phải, vì ngày càng nhiều người tránh xa Thụy Điển với lối đi xe “ngược đời”. Hơn nữa, người láng giềng Na Uy - vốn là nước trung chuyển và đi lề trái như Đan Mạch - cũng kêu ca bị sụt thu nhập.  

Tại sao đi lề phải?

Quả là một câu hỏi có lý, đáng đem soi xét. Nếu ta hỏi trẻ con, chúng sẽ suy ra câu ngược lại: “Tại sao đi lề trái?”

Kỳ thực đi bên nào cũng có nguyên nhân của nó. Và nếu nhìn lại thì nhiều nguyên nhân được đưa ra theo kiểu “đẽo chân cho vừa giày”.

Chú thích ảnh
Đi bộ qua đường cũng phải thay đổi thói quen nhìn ô tô (London)

Trong số 221 quốc gia và vùng lãnh thổ trên địa cầu này, hiện có 58 theo lề trái. Đa số các nước ấy viết ra bộ luật giao thông mà không ngó sang hàng xóm. Thoạt tiên nông dân di chuyển bằng xe ngựa hay xe bò, và đi lề nào là thói quen. Nhìn trên các đồng xu cổ của La Mã, sẽ thấy các kỵ sĩ phi ngựa bên trái. Các vùng khác thì đi lề phải, và cũng chẳng có vấn đề gì.   

Xà ích ngồi trên ghế băng sau đít ngựa thường chọn góc bên phải, khi vung roi ra sau để lấy đà quất ngựa, roi sẽ không trúng hành khách sau lưng ông ta. Nếu đi lề phải thì khi tránh xe ngựa ngược chiều tránh được va chạm. Nghe rất có lý. Cũng có loại xe ngựa mà người điều khiển ngồi trên lưng ngựa, lúc đó xà ích ngồi trên con ngựa bên trái ở hàng sau cùng để kiểm tra và quất roi các con còn lại (với điều kiện người đó thuận tay phải, như đa số).

Đó là lý do của lề phải. Thời Cách mạng Pháp, xe ngựa rất phát triển, và chính quyền Robespièrre ban hành luật giao thông Paris, theo đó xe cộ phải đi bên phải. Hoàng đế Napoleon vĩ đại, ngoài chiến tích lẫy lừng nơi sa trường, cũng đóng góp đôi chút vào luật giao thông, bằng cách mở rộng phạm vi điều tiết của luật trên cho xe ngựa của quân đội. Như ta biết, Pháp xâm chiếm nhiều vùng đất châu Âu, qua đó quảng bá rộng rãi thói quen đi lề phải. Ở những nơi khác, dần dần thói quen mới biến thành quy ước rồi thành luật để tránh hiểu lầm và tai nạn, nhất là khi có ô tô “tốc độ cao” (khoảng 25 km/h) tràn ra đường.

Chú thích ảnh
Đặc sản kẹt xe của các đại đô thị, bất kể đi lề trái hay phải (Bangkok)

Tại sao đi lề trái?

Đại biểu cho trường phái “lề trái” là người Anh. Thực ra cuối thập kỷ 1950 người ta định đổi qua lề phải như Thụy Điển hoặc Iceland, hoặc như Áo từ khi bị Đức thôn tính (1938), song ở Anh toàn người cứng đầu bảo thủ, không muốn giống phần châu Âu còn lại! Không phải nói xấu gì người Anh, nhưng cứ nhìn cung cách họ chọn Brexit thì rõ. Vô số thuộc địa Anh ngày xưa, như Ấn Độ, Myanmar v.v… vì thế đi lề trái.

Nhật thì lại phức tạp hơn. Cuối thế kỷ 19, triều đình Nhật mời kỹ sư Anh sang làm đường sắt, do đó áp dụng luật giao thông Anh, đi bên trái. Sau Thế chiến II, Hoa Kỳ có ảnh hưởng lớn hơn và ban lệnh đi lề phải trên đảo Okinawa là nơi đông lính Mỹ nhất. Thế là người Nhật có hai hệ thống song hành. 1978, chính quyền Okinawa lại chuyển về lề trái cho hợp với phần còn lại trong nước.

Thái Lan còn loạn hơn nữa. Luật giao thông chính thống là lề trái, nhưng người dân muốn đi ra sao cũng được, nhất là trên đường cao tốc nhiều làn xe thì các xe chậm nhất chiếm làn bên phải, bắt buộc phải vượt bên trái một cách phi pháp! Thái Lan có nhiều trường dạy lái xe, nhưng với lệ phí 5 USD thì dễ biết giá trị của bằng lái xe ở đó. Mỗi năm ở Thái có 35.000 người chết vì giao thông, gấp ba Việt Nam. À, ở Việt Nam có cầu Long Biên đi lề trái, song có lý do khác hẳn.

Trùm phát xít Hitler đã 'đạo' ý tưởng đường cao tốc autobahn như thế nào?

Trùm phát xít Hitler đã 'đạo' ý tưởng đường cao tốc autobahn như thế nào?

Nhắc tới nước Đức, người ta không thể không đề cập tới hệ thống đường cao tốc autobahn lừng danh, nơi các tài xế có thể chạy xe với tốc độ cực nhanh mà ít nơi trên thế giới có được.

Luật giao thông đường bộ sửa đổi cho phép xe tay lái nghịch được lưu thông ở Việt Nam từ 7/2009.

Phương tiện giao thông công cộng như xe bus kềnh càng và xe điện là thiệt nhất khi đổi lề, vì không dễ làm lại cửa hoặc chuyển bến. Ở Malmo và nhiều thành phố Thụy Điển khác phải bỏ hẳn xe điện vì thay hệ thống bẻ ghi quá tốn, nay chỉ còn giữ lại ở Goteborg và Norrkoping. Tàu điện ngầm ở Stockholm và toàn bộ tàu hỏa Thụy Điển vẫn đi tay trái.

Quen “lề trái” từ thời Trung cổ

Thời Trung cổ người với người là địch thủ, gặp nhau thường (dùng tay phải) rút kiếm, còn tay trái mang khiên. Các Samurai của Nhật cũng vậy. Người ta đi bên trái để vung kiếm cho dễ. 

Ai đi ngựa cũng biết là kỵ sĩ lên ngựa từ bên trái, vung chân phải qua lưng ngựa. Ở lề trái thường cắm những hòn đá (mounting stones) để hỗ trợ người thấp bé, do đó lên ngựa là đi luôn lề trái.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm