Thanh Hóa: 'Phá băng' đưa du lịch trở lại trạng thái 'bình thường mới'

11/10/2021 16:16 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Đại dịch COVID-19 thời gian qua đã khiến cho hoạt động du lịch bị “đóng băng”, các chuỗi cung ứng dịch vụ bị ngưng trệ. Do vậy, “phá băng” để đưa hoạt động du lịch trở lại trạng thái “bình thường mới” đang là vấn đề đặt ra cho ngành chức năng và các địa phương.

Bãi Đông - Bãi biển hoang sơ bậc nhất tại Thanh Hóa

Bãi Đông - Bãi biển hoang sơ bậc nhất tại Thanh Hóa

Nghi Sơn (Thanh Hoá) - vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng tầm nhìn tuyệt đẹp với những bãi biển cát trắng dài bất tận, những khu du lịch sinh thái giữa hoang sơ đẹp đến mê hồn.

Từ cuối tháng 4/2021 đến nay, đại dịch COVID-19 đã khiến cho các nhà hàng, khu nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện Bá Thước phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, kéo theo đó là hàng trăm lao động thất nghiệp.

Theo thống kê của địa phương thì có gần 100 cơ sở lưu trú hoặc dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng; công suất phòng chỉ đạt từ 30 - 40% (tính đến cuối tháng 8-2021, số lượng phòng bị hủy là khoảng 300 phòng, ước tính thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng; thiệt hại dịch vụ ăn uống khoảng 5 tỷ đồng); có khoảng 300 lao động bị mất việc làm. Trong khi đó, các cơ sở lưu trú, nhà hàng vẫn phải trả các khoản lãi suất ngân hàng, thuế các loại và lương, bảo hiểm cho người lao động.

Ngoài ra, việc giữ chân đội ngũ nhân lực có chất lượng và tái đầu tư khi dịch bệnh được kiểm soát cũng là vấn đề mà hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn phải đối mặt.

Chú thích ảnh
Vẻ hoang sơ của Thác voi (xã Thành Vân, huyện Thạch Thành, cách thành phố Thanh Hóa khoảng 80km về phía Tây) đẹp như truyện cổ tích

Đến thời điểm này, khi dịch bệnh đã được khống chế, các cơ sở dịch vụ lưu trú, nhà hàng đang sẵn sàng mọi điều kiện để đón khách du lịch quay trở lại. Theo đó, huyện Bá Thước sẽ tăng cường các biện pháp nhằm vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, xây dựng điểm đến an toàn và thích ứng với trạng thái “bình thường mới”. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà hàng nhằm từng bước khôi phục hoạt động du lịch. Xây dựng chương trình, kế hoạch xúc tiến, quảng bá, giới thiệu các gói kích cầu du lịch; tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong quảng bá, xúc tiến quản lý du lịch. Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch...

Có thể nói, cùng với Bá Thước, hoạt động du lịch của nhiều địa phương trong tỉnh thời gian qua cũng khá ảm đạm, đã ảnh hưởng đáng kể đến các chỉ tiêu tăng trưởng du lịch toàn tỉnh. Theo thống kê của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, lượng khách đến Thanh Hóa trong 9 tháng năm 2021 giảm mạnh. Cụ thể, tổng lượt khách ước đạt 3.154.500, giảm 51,5% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 26,9% kế hoạch; tổng thu du lịch đạt 4.617,94 tỷ đồng, giảm 46,4% so với cùng kỳ 2020, đạt 20,2% kế hoạch.

Chú thích ảnh
Đảo Tình Yêu ở vườn quốc gia Bến En, Thanh Hóa

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, song từ đầu năm đến nay, ngành du lịch Thanh Hóa cũng đã tổ chức triển khai được một số hoạt động nhằm thúc đẩy du lịch phát triển. Điển hình như hội nghị kích cầu du lịch Thanh Hóa tại Hà Nội; đề xuất chủ trương tổ chức lễ phát động “Tôi yêu Thanh Hóa”; ban hành kế hoạch liên kết phát triển du lịch 4 tỉnh miền Trung là Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình. Cùng với đó, phối hợp với Mobifone Thanh Hóa phát triển du lịch Thanh Hóa thông qua chuyển đổi số và du lịch thông minh.

Cùng với đó, ngành văn hóa, thể thao và du lịch cũng đã tập trung hướng dẫn các đơn vị bảo đảm các điều kiện đón khách du lịch; chú trọng công tác phòng, chống dịch COVID-19; hướng dẫn các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, kinh doanh dịch vụ du lịch áp dụng quy trình phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đôn đốc các cơ sở lưu trú du lịch đăng ký và khai báo an toàn COVID-19 hàng ngày để kết nối với hệ thống an toàn COVID-19 quốc gia; tổ chức các phương án bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách. Ngoài ra, ngành cũng đã tham mưu cho Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trình Tỉnh ủy ban hành Chương trình Phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025; triển khai thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030; trình chủ trương đầu tư cổng thông tin điện tử du lịch Thanh Hóa; ban hành và triển khai kế hoạch tuyên truyền du lịch Thanh Hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Chú thích ảnh
Đền Cô tiên tại Sầm Sơn, Thanh Hóa

Mặc dù phải đối phó với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng đến nay tỉnh ta đã cơ bản khống chế, kiểm soát được dịch bệnh. Qua đó, tiếp tục khẳng định Thanh Hóa là điểm đến an toàn, thân thiện. Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa nói chung, các khu, điểm du lịch trên địa bàn nói riêng, đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp, nhằm bảo đảm sức khỏe cho du khách trong lộ trình tham quan, nghỉ dưỡng tại địa phương.

Đặc biệt, Thanh Hóa đang chú trọng xây dựng điểm đến an toàn, sao cho sát với các điều kiện trong Bộ “Tiêu chí du lịch an toàn với dịch COVID-19”, do Hiệp hội Du lịch Việt Nam xây dựng và ban hành (tại Quyết định 10/2020/QĐ-HHDLVN)... Song, để du lịch từng bước phục hồi và phát triển trong bối cảnh “bình thường mới” thì cần nhiều giải pháp và sự vào cuộc tích cực của các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là các khu, điểm du lịch.

Tính đến hết năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh đã ra quyết định công nhận 12 khu du lịch cấp tỉnh và 57 điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, có các khu, điểm du lịch trọng điểm như Sầm Sơn, Hải Hòa, Hải Tiến, Hàm Rồng, Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, Bến En, suối cá Cẩm Lương... Các khu du lịch nghỉ dưỡng biển tại Sầm Sơn, Hải Tiến và Hải Hòa đã từng bước tạo dựng được thương hiệu tại khu vực phía Bắc và Bắc miền Trung.

Chú thích ảnh
Thiếu nữ Thái tắm dưới suối Nủa, xã Ban Công nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông

Du lịch nghỉ dưỡng cũng là nhóm sản phẩm có tốc độ tăng trưởng và phát triển nhanh nhất; lượng khách chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhóm các sản phẩm du lịch và mức chi tiêu cao nhất. Song, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên sản phẩm du lịch biển bị chững lại. Ví như Sầm Sơn, ước tính trong 9 tháng năm 2021, thành phố đón được 1.555.632 lượt khách, bằng 33,8% kế hoạch, giảm 49,4% so với cùng kỳ; phục vụ ăn nghỉ 3.499.576 ngày khách, bằng 29,2% kế hoạch, giảm 37,9% so với cùng kỳ; doanh thu ước đạt 1.359 tỷ đồng, bằng 35,2% kế hoạch, giảm 53% so với cùng kỳ.

Hiện các điểm du lịch sinh thái cộng đồng tại Pù Luông (huyện Bá Thước), bản Năng Cát (huyện Lang Chánh), Bến En (huyện Như Thanh), Xuân Liên (huyện Thường Xuân)... đang có triển vọng phát triển. Các khu, điểm du lịch văn hóa, tâm linh như Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, Hàm Rồng, đền Bà Triệu... cũng được trùng tu, tôn tạo và chú trọng phát huy giá trị. Nếu như du lịch nghỉ dưỡng biển đã “qua mùa” hay qua các tháng cao điểm mùa hè (từ tháng 6 đến tháng 8); thì từ nay đến cuối năm, “dư địa” phát triển của 2 sản phẩm du lịch sinh thái và du lịch văn hóa tâm linh là rất lớn.

Chú thích ảnh
Du khách trải nghiệm cảm giác ngồi xích lô dạo quanh khu du lịch Sầm Sơn Thanh Hoá

Do vậy, thiết nghĩ, ngành chức năng, chính quyền các địa phương, các đơn vị liên quan cần tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa phát triển.

Đó là chú trọng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm; đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật một cách đồng bộ; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá các điểm đến; xây dựng các cơ chế chính sách kích cầu phù hợp; tăng cường hợp tác với các địa phương, các doanh nghiệp lữ hành để kết nối các điểm đến và thu hút du khách...

Khôi Nguyên

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm