Thắm Poong: Câu chuyện cá nhân và bản sắc

19/03/2014 15:46 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Từ bấy lâu nay tôi có suy nghĩ rằng với một họa sĩ không quan trọng là vẽ ít hay nhiều, vẽ xấu hay đẹp, mà quan trọng là vẽ trung thực với đời sống cá nhân mình. Thời gian qua đi, những gì họa sĩ vẽ ra không phải chính họ đều bị quên lãng, những gì còn lại đáng xem, dù là các mức độ nghệ thuật khác nhau cũng là số phận của chính họa sĩ đó thôi.

Tôi gửi vài câu hỏi cho họa sĩ Thắm Poong, về xuất thân gia đình, về đời sống cá nhân mà cô từng trải qua, về quan niệm nghệ thuật… Nhưng cũng như nhiều họa sĩ Việt Nam khác tôi từng hỏi, họ trả lời rất chung chung, một cách đáng thất vọng. Tôi cũng nói với Thắm Poong về sự thất vọng đó và nói sẽ không hỏi gì nữa, cứ tự viết thôi. Đời sống cá nhân của chúng ta thật khó bộc lộ, khó nói cho chân thực, đó vừa là thói quen vừa là ức chế xã hội, mà từ lâu mỗi người được rèn luyện để giấu cái tôi của mình đi.

Chân dung (tác phẩm, 2012, màu tự nhiên trên giấy dó)

Chân dung (tác phẩm, 2012, màu tự nhiên trên giấy dó)

Mấy chục năm trước khi dạy cho một lớp luyện thi Văn, Sử với các thí sinh thi vào trường mỹ thuật, chợt thấy Thắm Poong là một cô bé người Thái xinh đẹp, mắt ngơ ngác như rừng. Cô được mẹ sinh trong hang Poong, có lẽ do tránh máy bay ném bom, nên đặt tên là Thắm Poong, tiếng Thái Thẩm, Thắm là cái hang. Cô thi đỗ và học điêu khắc, rồi do chuyện yêu đương, đói kém, sự va chạm với một đời sống văn hóa hoàn toàn xa lạ… với các cô gái Thái đã thất vọng thì chết quách đi cho rảnh, nên Thắm Poong đã định quyên sinh. Rồi qua đi cái thời trẻ con đó, đời sống ở Hà Nội chẳng có gì giống với núi rừng Lai Châu và người Thái. Tất cả đều khắc nghiệt, tranh đấu, nhất là với một cô gái từ rừng mà muốn có nhà cửa, tiền bạc, sự nghiệp ở Hà Nội. Và khi đạt được tất những cái đó rồi, số phận vẫn ở đằng trước. Đến một ngày cô nói với tôi rằng: Em rất sợ bán tranh cho người Việt, thì tôi biết cô đã trưởng thành trong cái chốn Kẻ Chợ này. Lấy chồng là họa sĩ Nguyễn Văn Cường, một người được coi là tiên phong trong những họa sĩ những năm 1996 - 2000, đồng nghiệp trẻ của Trương Tân và Minh Thành - họ là những người thổi vào nghệ thuật Việt Nam yêu truyền thống một luồng không khí mới, dù rất ít người muốn hít thở cái không khí ấy. Thắm Poong cũng có vị trí riêng trong đời sống hội họa sau năm năm tập vẽ giấy dó và lần đầu tiên trưng bày triển lãm ở Salon Natasa năm 1998. Natasa, một phụ nữ Nga cùng chồng là họa sĩ Vũ Dân Tân cố súy không ngừng cho nhóm trẻ Trương Tân, Nguyễn Văn Cường. Thắm Poong muốn tìm một con đường riêng, dù có ảnh hưởng đôi chút tính chất pop art mà Cường theo đuổi. Cô xuất phát từ cảm hứng núi rừng, người dân tộc, học tập đôi chút tính trang trí sặc sỡ từ danh họa G.Climt, những họa sĩ khác như Magaritte, G.O’Keeffe và Frida Kahlo cũng là những người cô yêu thích. Thắm Poong nói rằng, xét cho cùng cô gần với hội họa siêu thực.

Cùng lứa với Thắm Poong, là một loạt nữ họa sĩ nổi lên như Bạch Đàn, Vũ Thị Hiền, Nguyễn Thị Châu Giang, Trinh Lê, Ly Hoàng Ly… mỗi người một vẻ trong cái thế mà người ta hay gọi là nghệ thuật Hậu hiện đại (Post Modern Art). Đã từng có một triển lãm của mười nữ họa sĩ Việt Nam vòng quanh nước Mỹ những năm 2009 - 2010 với chủ đề Mất bản sắc. Và người ta hy vọng chỉ qua cái nhìn của phụ nữ mới thấy rõ sự mất bản sắc trong văn hóa Việt Nam như thế nào. Trong thâm tâm, tôi không thích một sự phân biệt giữa nam họa sĩ và nữ họa sĩ, ai vẽ đáng xem là xem thôi, mặc dù là giở cuốn Lịch sử Nghệ thuật thế giới ra dường như chả có vị tác giả nữ nào. Tôi cũng không thích viết về Thắm Poong mà phải nhấn mạnh vào nguồn gốc dân tộc của cô. Thắm Poong hoàn toàn là một họa sĩ đương đại có đầy đủ vui buồn, thành công và thất bại của một họa sĩ dấn thân nơi thành thị để nhận thấy là nỗi ưu tư cuối cùng trong nghệ thuật là đáng nhất.

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm