Tay vợt Nguyễn Thùy Linh trên những hành trình 'tốn kém' khi gian nan vươn lên tầm thế giới

08/11/2023 09:45 GMT+7 | Thể thao

Năm 2018, sau khi soán ngôi của đàn chị Vũ Thị Trang ở bán kết cầu lông nữ Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII, Nguyễn Thùy Linh bắt đầu hướng tới mục tiêu mới: Vươn ra thế giới. Giống như hành trình từ cô bé rời quê nhà Phú Thọ vượt mọi rào cản để vươn lên trở thành tay vợt nữ số một Việt Nam, chặng đường ra thế giới của Thùy Linh gian nan chẳng kém. Ở đó, ngoài nỗ lực hết mình về mặt chuyên môn, Thùy Linh còn đối mặt với nhiều vấn đề nan giản.

Hành trình tốn kém

Tại Việt Nam, cầu lông được xem là môn thể thao bình dân, đại chúng. Chẳng cần đầu tư gì nhiều, chỉ vài trăm nghìn, người chơi đã có thể sở hữu cây vợt và cầu để chơi cầu lông hàng ngày. Nhưng đó là cầu lông bình dân. Câu chuyện của cầu lông chuyên nghiệp hoàn toàn khác. Chỉ tính đơn giản những chi phí đơn thuần như vợt, cầu, giày… có thể tiêu tốn của vận động viên chục triệu đồng mỗi tháng. Chưa kể, chi phí tập luyện, tập huấn kèm chế độ dinh dưỡng cũng tốn con số không nhỏ. Càng chơi chuyên nghiệp, càng lên cao, càng tốn kém. Đây có lẽ là lý do khiến Thùy Linh liên tục phải đổi đơn vị chủ quản, từ Hà Nội vào Đà Nẵng và bây giờ là Đồng Nai để tìm kiếm nguồn đầu tư cho bản thân.

Ngay cả khi đã vươn lên trở thành tay vợt nữ số 1 Việt Nam, Thùy Linh vẫn vật lộn với vấn đề nan giải của hầu hết các tay vợt cầu lông chuyên nghiệp: kinh phí. Nếu chỉ thi đấu mãi trong nước, tay vợt sẽ không thể phát triển. Hệ thống cầu lông thế giới khiến các tay vợt phải di chuyển thi đấu khắp nơi nếu muốn tăng hạng, nhưng xuất ngoại để lên trình không phải chuyện dễ dàng gì.

Theo tính toán, một tay vợt tham dự giải cầu lông ở một nước châu Á trong vòng một tuần sẽ tiêu tốn khoảng 1.000 USD cho trang thiết bị, 870 USD cho vé máy bay, chi phí khách sạn vào khoảng 1.200 USD. Nếu tiết kiệm nhất, một tay vợt phải tốn khoảng 3.000 USD cho một chuyến du đấu như vậy. Con số này sẽ tăng gấp đôi nếu họ thi đấu ở châu Âu, châu Mỹ, nơi chi phí đắt đỏ hơn. Rõ ràng, kinh phí là lý do khiến các tay vợt Việt Nam như Thùy Linh không thể tham gia giải quốc tế đều đặn, phần nào hạn chế cơ hội phát triển của họ, những người hâm mộ môn cầu lông hẳn đã biết câu chuyện đó của Nguyễn Tiến Minh, một trong số ít ỏi cây vợt Việt Nam từng vươn lên tầm thế giới.

Mãi tới những năm gần đây, khi Thùy Linh trở thành vận động viên được đầu tư trọng điểm cho chiến dịch Olympic Paris 2024, cô có điều kiện tham dự nhiều giải đấu. Năm 2023, giải quốc tế đầu tiên Thùy Linh tham dự là Taipei Open tại Đài Loan (Trung Quốc) hồi tháng 6. Tiếp đó là Canada Open, US Open. Tháng 8, Thùy Linh tham dự Giải vô địch thế giới tại Đan Mạch. Một tháng sau, cô góp mặt tại China Open. Sau Á vận hội 2022 tại Hàng Châu (Trung Quốc), Thùy Linh  tham dự thêm 4 giải đấu quốc tế gồm Phần Lan Open, Đan Mạch Open, Pháp Open và bây giờ là Master 2023 tại Hàn Quốc.

Tay vợt Nguyễn Thùy Linh & hành trình gian nan ra thế giới - Ảnh 1.

Mục tiêu lúc này của Nguyễn Thùy Linh là duy trì thứ hạng để trở thành đại diện của cầu lông Việt Nam tranh tài tại Olympic Paris 2024. Ảnh: TTXVN

Thùy Linh Khó tìm thầy riêng

Không phải dĩ nhiên mà cầu lông được ví là "môn thể thao cô độc". Kinh phí đi thi đấu quá lớn, để lo cho mỗi vận động viên còn khó, nói gì đến đội ngũ đi kèm.

Tại China Open 2023, người hâm mộ thể thao Việt Nam chạnh lòng khi thấy Thùy Linh thui thủi một mình trong lúc nghỉ giải lao. Cô phải tự làm tất cả, trong khi đối thủ có người lau mồ hôi, đưa nước uống đồng thời hướng dẫn chiến thuật. Đến Phần Lan Open, một Thùy Linh "đơn thương độc mã" nhận sự hỗ trợ từ huấn luyện viên của tay vợt số 2 Thái Lan Pornpawee Chochuwong, ông Pakkawat Vilailak. Huấn luyện viên Pakkawat Vilailak từng huấn luyện cho Thùy Linh hồi tháng 3/2023, khi cô sang CLB của ông để tập huấn trong vòng 4 tuần. Khoảnh khắc huấn luyện viên Thái Lan giúp đỡ Thùy Linh khiến việc tìm chuyên gia hỗ trợ cho tay vợt nữ số 1 Việt Nam trở thành chủ đề "nóng" được bàn luận.

Nhưng đâu dễ để tìm một huấn luyện viên riêng cho Thùy Linh. Ước tính chi phí để có huấn luyện viên hoặc chuyên gia riêng đồng hành các tay vợt ở các giải quốc tế lên tới gần 10.000 USD/tháng. Chưa kể, nếu có huấn luyện viên theo kèm vận động viên, chi phí du đấu sẽ tăng gần gấp đôi, đồng nghĩa số giải tay vợt tham dự phải giảm còn một nửa.

Vì thế, ở các đợt tập trung cùng đội tuyển cho SEA Games hay ASIAD, Thùy Linh và cả đội tuyển cầu lông Việt Nam sẽ được bố trí chuyên gia hỗ trợ chung cho toàn đội. Còn ở các giải đấu nước ngoài mà cá nhân Thùy Linh tham dự, cô chấp nhận việc một mình chinh chiến.

Câu chuyện nhà tài trợ

Với những thành công liên tiếp thời gian qua, Thùy Linh đã có được một số nhà tài trợ riêng. Trang phục và dụng cụ thi đấu của Thùy Linh được tài trợ bởi một hãng sản xuất đồ thi đấu cầu lông nổi tiếng của Nhật Bản. Ngoài tài trợ của thương hiệu cầu lông trên, Thùy Linh còn nguồn hỗ trợ từ đơn vị chủ quản Đồng Nai và nguồn xã hội hóa từ CLB Kim Sơn Chinh.

Ngày 20/10 năm ngoái, Thùy Linh thông báo trên trang cá nhân rằng, cô nhận được tài trợ từ một hãng hàng không của Việt Nam. Hãng sẽ đồng hành cùng Thùy Linh trong những hành trình thi đấu trong nước và quốc tế. Thời hạn và giá trị hợp đồng tài trợ không được tiết lộ, nhưng đây chắc chắn là một trong những khoản tài trợ lớn nhất mà tay vợt sinh năm 1997 có thể giành được.

Tay vợt Nguyễn Thùy Linh & hành trình gian nan ra thế giới - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, Thùy Linh còn nhận được tài trợ thăm khám, điều trị chấn thương từ một phòng khám quốc tế tại TP.HCM, hay tài trợ từ một công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ…

Danh sách những nhà tài trợ cá nhân ngày càng nối dài giúp Thùy Linh có thể "sống khỏe" với nghề, nhưng để phát huy hết tiềm năng, tay vợt sinh năm 1997 vẫn cần sớm có chuyên gia hoặc huấn luyện viên chất lượng. Bởi, ở tuổi 26, chính Thùy Linh cũng thừa nhận rằng đây đang là "giai đoạn vàng" trong sự nghiệp của cô.

Tấm vé Olympic

Mục tiêu hàng đầu của Thùy Linh thời điểm hiện tại là tấm vé tới Olympic Paris 2024. Theo điều lệ, Liên đoàn cầu lông thế giới (BWF) sẽ căn cứ thứ hạng của các tay vợt kể từ đầu tháng 5/2023 đến cuối tháng 4/2024 để chọn ra những vận động viên hàng đầu tham dự Olympic Paris 2024. Chỉ có 34 tay vợt dẫn đầu trên bảng xếp hạng thế giới sẽ giành quyền tham dự Thế vận hội năm sau cùng với 4 suất đặc cách cho các tay vợt đến từ những quốc gia có nền cầu lông kém phát triển.

Để tích lũy điểm số, tăng thứ hạng, sau ASIAD 19, Thùy Linh tăng cường thi đấu các giải quốc tế nằm trong hệ thống BWF World Tour Super.

Rời Hàng Châu (Trung Quốc), Thuỳ Linh lên đường tham dự 3 giải đấu quốc tế mở rộng tại Phần Lan, Đan Mạch và Pháp. Tại Phần Lan, Thùy Linh giành chiến thắng trước Zhang Beiwen (hạng 10 thế giới) và Zhang Yiman (hạng 15 thế giới) để tiến vào tứ kết. Tay vợt số 1 Việt Nam chỉ chịu thua trước cựu vô địch thế giới Pusarla Sindhu (hạng 12) và chia tay giải.

Ở Đan Mạch Open, Thùy Linh đánh bại tay vợt hạng 23 thế giới Wen Chi Hsu trước khi để thua Han Yue (hạng 8 thế giới) ở vòng 2. Sau kết quả ở 2 giải đấu trên, Thùy Linh kiếm thêm 9.360 điểm thưởng để có tổng cộng 45.550 điểm, nhảy từ thứ 26 lên 20 trên bảng xếp hạng của BWF. Đây là thứ hạng cao nhất trong sự nghiệp của tay vợt sinh năm 1997 tính đến thời điểm này. Tại giải Pháp mở rộng, Thùy Linh không thể gây bất ngờ trước số 3 thế giới Chen Yu Fei. Kết thúc giải, cô trở về nước. Tuần này, Thùy Linh sẽ trở lại sân đấu, tham dự Hàn Quốc Masters, giải đấu thuộc hệ thống Super Series 300. Với việc tích cực tham gia các giải quốc tế, Thuỳ Linh được kì vọng sẽ duy trì được thứ hạng để trở thành đại diện của cầu lông Việt Nam tranh tài tại Olympic Paris 2024. Tuy vậy, tay vợt số 1 Việt Nam vẫn cần tham dự nhiều giải quốc tế trong thời gian tới và duy trì phong độ cao, nhằm tích lũy điểm để sớm đạt mục tiêu đề ra.

Theo bảng xếp hạng mới nhất của Liên đoàn Cầu lông thế giới (BWF) công bố hôm 24/10/2023, tay vợt nữ số 1 Việt Nam Nguyễn Thùy Linh đã làm nên lịch sử khi lần đầu tiên lọt Top 20 thế giới. Cụ thể, Nguyễn Thùy Linh được cộng thêm 4.320 điểm sau thành tích vào vòng 2 giải Đan Mạch mở rộng (Super 750). Cô có tổng cộng 45.550 điểm, tăng 4 bậc từ hạng 24 lên hạng 20 thế giới. Đây cũng là thứ hạng cao nhất trong sự nghiệp của tay vợt sinh năm 1997, quê Phú Thọ.

Khánh Đan

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm