Nhật Bản với trào lưu “hậu sóng thần”

03/03/2012 13:51 GMT+7 | Văn hoá


                                

(TT&VH) - Kể từ khi Fukushima, vùng biển phía Đông Bắc của Nhật Bản, bị tàn phá bởi thảm họa động đất/sóng thần vào ngày 11/3/2011 và kế tiếp đó là cuộc khủng hoảng hạt nhân, nhiều nghệ sĩ đã dùng nghệ thuật của mình để tiếp cận với sự kiện này.

Nhật Bản đã phát triển trào lưu nghệ thuật mới được mệnh danh là “Hậu 11/3”. Với phong trào này, các nghệ sĩ thường lấy cảm hứng từ hình ảnh các con tàu bị sóng thần tàn phá và những nạn nhân lâm vào cảnh mất mát, buồn đau sau thảm họa khủng khiếp nhất ở Nhật Bản kể từ Thế chiến II. “Phần lớn các tác phẩm của các nghệ sĩ đều rất xúc cảm” -  Emily Wakeling, nhà tổ chức triển lãm đồng thời là một nhà nghiên cứu nghệ thuật đang làm việc ở Tokyo, cho biết.

Đối với nghệ sĩ sắp đặt Tsubasa Kato (27 tuổi), chuyến đi tới Fukushima để tham gia vào đội ngũ tình nguyện dọn dẹp những đống đổ nát đã truyền cho anh cảm hứng sáng tác và để lại trong anh một kỷ niệm không thể phai mờ. Kato vừa hoàn thành ngọn hải đăng cao 3 tầng được xây dựng bằng những gạch đá vụn thu thập từ những ngôi nhà đổ nát bị phá hủy sau thảm họa sóng thần. Công trình của anh được hoàn thành với sự giúp đỡ của 300 sinh viên địa phương, những người đã bị ảnh hưởng nặng nề sau thảm họa.

Người dân địa phương tham gia kéo thẳng ngọn hải đăng
của nghệ sĩ sắp đặt Tsubasa Kato tại Fukushima

Thực ra ban đầu, Kato rất miễn cưỡng tham gia dự án sáng tạo này. Song những trải nghiệm được làm việc bên cạnh người địa phương đã khiến thái độ của Kato thay đổi nhanh chóng. “Khi tôi có mặt ở Fukushima, người dân địa phương đang phá dỡ những ngôi nhà đổ, dọn dẹp những đống đổ nát và tôi đã có cơ hội được xây dựng một thứ gì đó mới mẻ cho cộng đồng” – Kato nói tại một phòng trưng bày ở Tokyo.

Kato cho biết, dù phải đối diện với muôn vàn khó khăn sau thảm họa động đất, nhưng anh nhìn thấy rõ sự lạc quan của hàng ngàn người tập trung đứng xem ngọn hải đăng được kéo thẳng lên.

Trong khi đó, nghệ sĩ manga Moeko Fujii (25 tuổi) thì bày tỏ: “Manga rất phổ cập và được độc giả mọi lứa tuổi tìm đọc, nên việc đưa thảm họa này vào manga cũng là cách hữu hiệu để chuyển tải cảm xúc tới công chúng” - Fujii nói.

Riêng nhóm nghệ thuật gồm 6 thành viên mang tên ChimPom lại có cách tiếp cận mang tính “đối đầu” hơn với thảm họa này. Họ thể hiện nỗi tức giận của công chúng trước khủng hoảng hạt nhân. Nhóm này đã sản xuất một băng video mang tựa đề  Real Times, trong đó ghi hình ảnh họ tới khu vực Fukushima Daiichi bị tê liệt và kéo một lá cờ trắng phía trên dấu tích của nhà máy hạt nhân. Họ còn vẽ lên đó hình ảnh mặt trời đỏ trước khi biến nó thành một biểu tượng cảnh báo về chất phóng xạ.

Ryuta Ushiro, trưởng nhóm ChimPom, đã bác bỏ quan điểm cho rằng có những dự án mang động cơ chính trị. “Khi cố gắng tạo nên một thứ gì đó, chia sẻ trải nghiệm cùng nhau, thì rất khó tránh khỏi không đụng chạm đến chính trị. Vấn đề ở đây không phải là các dự án có mang tính chính trị hay không, mà là chúng có mang mục đích kết nối mọi người với nhau hay không” - Ushiro nói.

Việt Lâm (lược dịch)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm