Ai sẽ "cứu" Zimbabwe?

26/06/2008 04:08 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH Online) - Thủ lĩnh đối lập Morgan Tsvangirai tưởng như đã đắc cử Tổng thống Zimbabwe. Vậy mà giờ đây, ông phải trốn vào đại sứ quán Hà Lan xin tị nạn chính trị. Cuộc bầu tổng thống Zimbabwe bỗng trở thành màn hài kịch khi chỉ còn duy nhất tổng thống đương nhiệm Mugabe tranh cử!

Lánh nạn trong đại sứ quán

Tại cuộc bầu tổng thống hồi đầu tháng 4, ông Morgan Tsvangirai – thủ lĩnh phong trào đối lập MDC –vượt lên dẫn đầu và tưởng như đã thắng cử. Nhưng do có sự gian lận của phe cầm quyền, rốt cuộc số phiếu dành cho ông được xác nhận chỉ đạt 48%, chưa đủ quá bán và vì thế ông tiếp tục phải bước vào vòng bầu thứ hai, vòng bầu trực tiếp giữa ông và ứng cử viên cao phiếu thứ hai chính là tổng thống đương nhiệm Robert Mugabe (được cho là đạt 43%).


Sứ quán Hà Lan ở Harare, nơi ông Tsvangirai đang ẩn náu

Theo kế hoạch, vòng bầu trực tiếp giữa Tsvangirai và Mugabe sẽ diễn ra vào ngày mai 27/6. Nhưng cuối tuần qua Tsvangirai đã phải vội ra tuyên bố rút khỏi vòng bầu này vì lo sợ bị đe dọa tính mạng.

Mặc dầu đã tuyên bố rút lui, dường như người ta vẫn không để ông yên. Cách đây ba hôm, nhận được tin mật báo cho biết quân đội đang trên đường tới nhà riêng của ông. Tsvangirai đã phải chạy trốn ngay vào tòa nhà sứ quán Hà Lan ở thủ đo Harare.

Ngay sau đó tờ nhật báo Herald của chính phủ Zimbabwe đăng bài phỏng vấn tướng Augustine Chihuri, chỉ huy lực lượng cảnh sát quốc gia, đánh giá việc Tsvangirai bỏ chạy chỉ là hành động "bôi nhọ" cuộc bầu cử vòng hai (!?)

Mối lo ngại của Tsvangirai hoàn toàn có cơ sở. Bởi trước đó ông Mugabe, người ngồi trên ghế tổng thống Zimbabwe suốt 28 năm qua, đã tuyên bố sẽ giữ quyền lực bằng mọi giá và các nhà quan sát cho rằng để đạt được điều đó, Mugabe sẽ đàn áp mạnh tay hơn, bất chấp việc Hội đồng bảo an LHQ đã ra nghị quyết lên án "chiến dịch bạo lực đang diễn ra chống lại các phe phái đối lập" ở Zimbabwe.

"Chỉ có Chúa mới thay thế được tôi"

Bản thân ông Tsvangirai từng nhiều lần bị bắt, bị đánh đập tới mức phải nhập viện. Cách đây khoảng một tháng, khi Tsvangirai chuẩn bị từ nước ngoài trở về Zimbabwe để vận động cử tri cho vòng bầu trực tiếp, Phong trào Dân chủ vì sự thay đổi (MDC) đã cảnh báo về một âm mưu ám sát nhằm vào ông. Bất chấp nguy cơ, Tsvangirai vẫn trở về.

Ngay sau đó, một cấp phó của ông đã bị bắt vì các cáo buộc phản bội tổ quốc, với cái án tử hình treo lơ lửng trên đầu. Nhà của một cấp phó khác vừa bị cướp phá và những người lớn tuổi sống trong gia đình ông bị đánh đập tàn nhẫn. Bản thân Tsvangirai liên tục bị bắt giữ mà không rõ lý do. Cho tới trước hôm chạy trốn vào sứ quán Hà Lan, ông đã bị bắt tới 7 lần.
 

Thủ lĩnh đối lập Tsvangirai 

Người ủng hộ Tsvangirai thì bị khủng bố bằng bạo lực. Theo các nhóm bảo vệ nhân quyền, từ vòng bầu thứ nhất vào đấu tháng 4 cho tới nay, đã có 86 thành viên thuộc MDC của ông bị giết chết, 10.000 căn nhà của những gia đình ủng hộ MDC bị phá hoại, khiến khoảng 20 vạn người phải chạy nạn.

Tình hình đó buộc ông Tsvangirai ra quyết định rút lui: "Mugabe đã tuyên chiến và chúng tôi không thể tham gia cuộc chiến đó. MDC không thể buộc cử tri phải bỏ phiếu trong ngày 27/6 khi những lá phiếu có thể lấy mạng của họ". Còn Mugabe cũng không hề giấu giếm khi tuyên bố MDC và Tsvangirai sẽ chẳng bao giờ nắm được cây gậy quyền lực. "Chỉ có Chúa mới thay thế được tôi" - Mugabe tuyên bố xanh rờn hôm 24/6.

Ai sẽ "cứu" Zimbabwe?

Bất chấp việc Tsvangirai bỏ cuộc, Mugabe vẫn quyết tâm tiến hành cuộc bầu cử lại theo đúng thời hạn đã định với lý do hành động của đối thủ là "vi hiến". Và tất nhiên trong bối cảnh hiện nay, một chiến thắng dễ dàng cho ông ta là điều gần như chắc chắn. Mugabe sẽ tiếp tục nắm cương Zimbabwe, mặc dầu ông đã biến quốc gia châu Phi này thành nước kiệt quệ và lạm phát cao nhất thế giới (160.000%/năm!), dân chúng cơ cực trong khi giới lãnh đạo vẫn thỏa sức đục khoét.

Trước tình hình trên, một số "giải pháp B" đã được cân nhắc. LHQ kêu gọi Zimbabwe không tổ chức cuộc bầu cử lại. Mỹ, Anh và một số quốc gia châu Âu tuyên bố sẽ không công nhận kết quả bầu cử. Nhóm này cũng lên kế hoạch công nhận ông Tsvangirai là Tổng thống dựa trên kết quả bầu cử lần đầu. Tuy nhiên kế hoạch đã bị LHQ bãi bỏ. Một giải pháp nữa được tính tới là dùng sức mạnh quân sự để can thiệp. Nhưng cho tới nay, Nam Phi, quốc gia giàu tiềm lực và có nhiều ảnh hưởng lên Zimbabwe, đã từ chối tham gia, còn các nước khác như Botswana, Mozambique và Zambia cũng không có động tĩnh gì.
 
Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm