Tướng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” làm việc thiện

21/12/2011 13:03 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Trong 12 ngày đêm từ 18 - 29/12/1972, quân dân ta đã lập một kỳ tích lịch sử: bắn rơi 23 máy bay B-52 của gặc Mỹ, làm nên một “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” chấn động địa cầu.

Tôi tìm gặp một trong những người anh hùng của trận đánh ấy, trung tướng Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân và thật xúc động khi biết ông đang dành hết tâm sức của mình để trợ giúp những mảnh đời bất hạnh.

Một quả đạn, một B-52

Không khó để tôi tìm nhà ông bởi nó nằm ngay đường Lê Trọng Tấn - Hà Nội, bên cạnh Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân nơi ông từng có những năm tháng gắn bó. Nhưng để gặp ông không phải chuyện dễ, bởi hầu hết thời gian ông đi “lo chuyện xã hội”, đỡ bận rộn một chút, ông lại về quê chăm sóc mẹ già đau yếu ở Hưng Yên. Bởi vậy, sau nhiều lần hẹn tôi mới có dịp gặp ông.

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt sinh ra và lớn lên tại Tân Phúc (Ân Thi, Hưng Yên). Năm 1965 lực lượng tên lửa chính thức được thành lập, ông được cấp trên điều về làm trợ lý quân nhu của Tiểu đoàn 93, Trung đoàn 278. Tại đây ông được cấp trên lựa chọn đi học chuyên ngành sĩ quan điều khiển tại Liên Xô.

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt (bìa trái) trò chuyện với trung tướng Phạm Tuân

Trở về nước tham gia đội hình chiến đấu của Tiểu đoàn 93, được tham gia đánh trận đầu tiên ở Hoà Bình và hạ được một chiếc F-105. Tháng 6/1967 về Tiểu đoàn 57 của Trung đoàn 261, ông cùng kíp chiến đấu bắn hạ 10 máy bay địch, trong đó có 4 chiếc B-52, đáng nhớ nhất là trận đánh đêm 20 rạng ngày 21/12/1972, với 2 quả đạn tiểu đoàn của ông diệt 2 chiếc B-52.

Vào đêm 20/12/1972, “cơn sốt” thiếu đạn đã bất ngờ ập đến với Tiểu đoàn 57 của Nguyễn Văn Phiệt và các tiểu đoàn tên lửa khác tại mặt trận Hà Nội. Do vậy, mãi tới đợt chiến đấu thứ ba trong đêm, Tiểu đoàn 57 mới được lệnh đánh.

5 giờ chiều báo động từ sở chỉ huy Đoàn Thành Loa được truyền xuống các trận địa, 5 phút sau Tiểu đoàn 57 đã sẵn sàng chiến đấu. Máy bay đã xuất hiện trên bảng tiêu đồ 9x9 của tiểu đoàn, kiểm tra lại tiểu đoàn chỉ còn 3 quả đạn đang sẵn sàng trên bệ phóng (xe đi nhận thêm đạn chưa về kịp). Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt ra quyết tâm cho cả kíp chiến đấu, dùng 1 đạn tên lửa diệt 1 chiếc B-52.

Theo đường chì tiêu đồ, tốp mục tiêu mang số hiệu 318 tiến rất nhanh, trên đài 1 và đài ra đa bổ trợ đều có mục tiêu và xác định chắc chắn là B-52. Nguyễn Văn Phiệt lệnh cho 2 đài chọn dải nhiễu so sánh, xác định tính chất giải nhiễu. Giải nhiễu B-52 đã được kíp trắc thủ chọn đúng, nhanh chóng bám sát, sẵn sàng chờ lệnh.

Khi B-52 vào đến cự ly 32, Nguyễn Văn Phiệt lệnh cho sĩ quan điều khiển Nguyễn Đình Kiên phóng 1 quả. Nhưng khi ấn nút đạn không rời bệ phóng. Không để vụt mất cơ hội, phải chớp lấy thời cơ có lợi, Tiểu đoàn trưởng lệnh phóng quả 2, đạn rời bệ nhìn rõ trên màn hiện sóng, bắt được tín hiệu ở cự ly 28km, các trắc thủ nhanh chóng bám sát, thận trọng khéo léo đưa đạn đến mục tiêu chính xác. Đạn nổ. Cả kíp trắc thủ đồng thanh hô: “Nổ! Tiêu diệt mục tiêu”. Lập tức trắc thủ báo cáo: “Mục tiêu bốc cháy ở hướng Tây-Nam”, đó là 5 giờ 9 phút”.

Mọi người chưa kịp trao đổi rút kinh nghiệm về trận đánh thì tiếng của đồng chí tiêu đồ lại vang lên “B- 52, cự ly 45km”. Nguyễn Văn Phiệt lệnh cho 2 đài chọn giải nhiễu và so sánh. Sau 1 phút kíp chiến đấu đã xác định mục tiêu ở cự ly 30km. Nguyễn Văn Phiệt úy lạo các anh em “Cố gắng còn 1 quả đạn cuối, chúng ta phải đổi bằng một B-52”, lập tức lệnh phát sóng, bắt mục tiêu ở cự ly 29km.

Sau lệnh phóng đạn dứt khoát: “Phóng!”, quả đạn rời bệ phóng. Trên màn hiện sóng 2 tín hiệu tiến sát vào nhau và một tiếng nổ vang lên, kíp chiến đấu đồng thanh hô: “Mục tiêu bị tiêu diệt”. Trắc thủ cũng báo “Mục tiêu bốc cháy rơi tại chỗ”. Đó là chiếc B-52 trong tốp B-52 số 532 rơi tại khu chợ Thá, gần núi Đôi, lúc 5 giờ 19 phút. Như vậy, với 10 phút bằng 2 quả đạn cuối cùng Tiểu đoàn 57 đã bắn rơi 2 máy bay B- 52, đạt kỷ lục về hiệu suất diệt B-52 trong toàn chiến dịch.

Máy bay Mỹ rải thảm Hà Nội trong chiến tranh phá hoại

Miệt mài làm việc thiện

Chiến tranh đi qua nhưng để lại những hậu quả nặng nề, nhiều con em cựu chiến binh bị tật nguyền do di chứng chất độc da cam.

Đau xót trước bất hạnh của đồng đội, cách đây gần 10 năm, trung tướng Nguyễn Văn Phiệt đã bàn với nhiều đồng đội tổ chức trung tâm nuôi dưỡng và dạy nghề cho những số phận bất hạnh. Trung tâm nhân đạo Hồng Đức ra đời trên phố Lạc Trung, Hà Nội. Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt đã trích tiền tiết kiệm của mình, vận động anh em đồng đội ủng hộ thêm, đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm giúp sức.

Mặt khác, ông liên hệ với Hội Chữ thập đỏ các quận, huyện, thu nhận trẻ bị nhiễm chất độc da cam, khuyết tật, con em các cựu chiến binh khó khăn, người già cô đơn về trung tâm, để chăm sóc phục hồi chức năng và dạy nghề.

Để duy trì hoạt động bền vững của trung tâm, trên cương vị giám đốc, ông mời giáo viên dạy nghề mây tre đan, nghề may, thêu cho các em, rồi lặn lội tìm nơi tiêu thụ. Trời chẳng phụ công người, các sản phẩm các em làm ra đều được bao tiêu hết. Nhờ đó, nhiều em có thể tự lo liệu cuộc sống và cưu mang thêm nhiều người có cùng cảnh ngộ.

Tại cơ sở dạy nghề mây tre đan đặt tại chùa Di Đà thuộc thôn Bạch Liên, xã Liên Phương (Thường Tín, Hà Nội), các em bị tật nguyền còn khả năng lao động được chăm sóc, chỉ bảo ân cần. Những đôi tay của các em bị khuyết tật, chậm rãi, cẩn trọng với những múi đan, nút thắt trên sản phẩm, tuy có lúc nhớ lúc quên, song các em làm việc khá hăng say. Sát cánh cùng các em còn có các cô giáo tình nguyện và những người nông dân của xã Liên Phương, mỗi khi nông nhàn, họ lại vào đây để giúp đỡ các em.

Tiếng lành đồn xa, hiện Trung tâm nhân đạo Hồng Đức có sự hiện diện của rất nhiều trường hợp thiếu may mắn từ khắp nơi tụ về, cùng với đó là ngày càng nhiều những tấm lòng hảo tâm cùng chung sức với trung tướng Nguyễn Văn Phiệt. Họ không chỉ nể phục ông bởi bản lĩnh, trí tuệ thao lược trên chiến trường mà họ còn khâm phục tấm lòng nhân ái bao dung của người lính anh hùng.

Nguyễn Thành Trung

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm