Golf và các tổng thống Mỹ

26/11/2011 09:08 GMT+7 | Golf

(TT&VH Cuối tuần) - Chính trị và golf từ lâu đã có mối liên hệ mật thiết, từ đầu thế kỷ 20, khi William Taft trở thành tổng thống đầu tiên của Mỹ thừa nhận công khai tình yêu của ông với những cây gậy và quả bóng, tới những nhà lãnh đạo hiện đại như Barack Obama và George W. Bush. Presidents Cup vừa kết thúc tuần này lại một lần nữa khẳng định mối quan hệ đó. 

Tổng thống Barack Obama là một người rất mê golf - Ảnh Getty

Một trong những tổng thống Mỹ khác, Gerald Ford, chính là chủ tịch danh dự đầu tiên của Presidents Cup, diễn ra lần thứ chín giữa đội Mỹ và đội quốc tế tại câu lạc bộ golf Royal Melbourne, Australia. Đội Mỹ đã giành chiến thắng với tỉ số 19-15. Thủ tướng Australia Julia Gillard đã trở thành người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm cương vị chủ tịch danh dự khi 24 golfer giỏi nhất thế giới không đến từ châu Âu có mặt ở Melbourne cho một loạt lượt đấu bắt đầu từ thứ Năm tuần trước.

Những người Mỹ đã hoàn toàn áp đảo tại sự kiện hai năm một lần này kể từ giải lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1994, với bảy chiến thắng và một trận hòa. Chiến thắng duy nhất của đội quốc tế diễn ra cũng chính ở câu lạc bộ golf Melbourne ở giải năm 1998, và cựu thủ tướng Australia John Howard là chủ tịch khi đó.

Bush và cha ông đều đã đảm nhận cương vị này, trong khi năm 2000, Bill Clinton trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên của nước Mỹ đóng vai trò chủ tịch danh dự. Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki (năm 2003) và Thủ tướng Canada Stephen Harper (2007) cũng từng đảm nhận vai trò nghi lễ này.

Tất cả các golfer tham gia giải không nhận được một xu tiền thưởng nào, và lợi nhuận thu được sẽ sử dụng cho mục đích từ thiện, với khoản tiền 23 triệu USD đã được chuyển cho các dự án ở 15 quốc gia kể từ năm 1994. Trong khi nguồn gốc của tên gọi còn chưa rõ ràng, khi chính nhà tổ chức PGA Tour cũng không thể đưa ra câu trả lời xác đáng, việc giải đấu có liên hệ với những chính trị gia hàng đầu thế giới là không thể phủ nhận.

Ông Obama, chủ tịch năm 2009, đã tiếp bước một danh sách dài những chủ nhân còn tại vị của Nhà Trắng yêu thích môn golf. Bằng chứng hùng hồn nhất cho điều này là vào ngày 2/5 năm nay, ngày mà ông tuyên bố thủ lĩnh Al-Qaeda Osama bin Laden đã bị lực lượng đặc nhiệm của hải quân Mỹ tiêu diệt tại Pakistan. Vào buổi sáng sẽ có bài phát biểu trước toàn bộ quốc dân, Tổng thống Obama đã tìm cách giảm bớt sự chú ý bằng một trận golf tại sân của căn cứ không quân Andrews tại Maryland. Tuy nhiên, cũng dễ hiểu là ông chỉ chơi chín lỗ thay vì 18 lỗ như thường lệ. Nhưng Obama không phải là người duy nhất bước đi trên các đồi cỏ khi đảm nhận vị trí lãnh đạo cường quốc số một hành tinh trong phòng Bầu dục.

Người đầu tiên phải nhắc đến có lẽ là tổng thống quá cố John F. Kennedy. Những đoạn video quay lại cảnh JFK chơi golf mà bạn có thể tìm thấy dễ dàng trên mạng cho thấy ông là một golfer tài năng ra sao, dù không như Obama, Kennedy hiếm khi trực tiếp thừa nhận ông thích chơi golf. Trong cuộc vận động tranh cử năm 1960, Kennedy đã làm tất cả mọi thứ ngăn những người đồng bào Mỹ phát hiện ra rằng ông không chỉ mê golf, mà còn chơi không hề kém dân chuyên nghiệp với những cú vung gậy chuẩn mực. Một phần bởi lẽ trước đó, trong suốt hai nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Dwight Eisenhower, Kennedy đã mô tả ông ta như một người chỉ quan tâm đến việc hạ thấp số gậy chuẩn hơn là chăm lo cho đời sống của người dân Mỹ.

Thế cho nên, Eisenhower có lẽ đáng được thừa nhận là tổng thống Mỹ say mê golf nhất, đến mức ông mạo hiểm sinh mạng chính trị của mình và bị các đối thủ phe Dân chủ chỉ trích là dành quá nhiều thời gian trên sân golf. Eisenhower thậm chí đã cho xây một đồi quả vào năm 1954 ngay tại Nhà Trắng, cách phòng Bầu dục không bao xa, để giúp ông vẫn có thể vừa làm việc, vừa có thời gian chơi golf. Đồi quả đó tồn tại đến tận ngày nay. Vị tướng năm sao này còn là thành viên của câu lạc bộ golf quốc gia Augusta, nơi có một cái cây ở lỗ thứ 17 được đặt theo tên ông.

Tổng thống Mỹ phục vụ lâu đời nhất, Franklin D. Roosevelt (tại vị 1933-1945) cũng là một golfer đầy nhiệt huyết. Ông chơi golf từ năm 12 tuổi và đã tự mình dọn dẹp một khu đất trong khu bất động sản rộng 16.000 mét vuông để làm thành một sân golf chín lỗ. Không may cho FDR, bệnh bại liệt khiến ông không thể chơi golf trong phần lới phần đời trưởng thành, nhưng vị tổng thống đã lãnh đạo nước Mỹ qua cuộc chiến tranh thế giới thứ hai và cuộc đại khủng hoảng chưa bao giờ nguôi tình yêu với môn thể thao này. Ông luôn giữ một chiếc bật lửa có hình quả bóng golf trên bàn mình trong phòng Bầu dục. Một trong những di sản ông để lại, ngoài chính sách Kinh tế mới và việc biến nước Mỹ thành siêu cường số một toàn cầu, là chương trình cộng đồng dẫn tới việc xây dựng hơn 300 sân golf ở địa phương bằng ngân sách quốc gia, khiến môn thể thao cấp cao này dễ tiếp cận hơn với những người Mỹ bình thường. Hiện giờ vẫn còn một sân golf công cộng ở Philadelphia được đặt theo tên FDR.

Người tiền nhiệm của ông Obama, George W. Bush (2001-2009) cũng chưa bao giờ che giấu mọi người về thú vui chơi golf của ông và với tính cách hơi cao bồi, mỗi khi bước đi trên những đồi quả, Bush con luôn kéo theo một hàng dài giới truyền thông. Một trong những dịp như thế, ông đã có câu lỡ lời nổi tiếng được phát đi trên toàn thế giới. Khi được hỏi về bạo lực ở Trung Đông khi đang chơi golf, Bush nói với các phóng viên: “Tôi kêu gọi tất cả các nước làm tất cả những gì họ có thể để ngăn những kẻ khủng bố giết người. Cảm ơn các bạn”. Bush dừng một chút, rồi nói: “Giờ xem cú đánh này nhé!”

Tiger Woods hài lòng

Tiger Woods là người đánh gậy cuối cùng mang về chiến thắng cho đội Mỹ ở Presidents Cup và anh khẳng định đã cảm thấy mình sắp trở lại với phong độ đỉnh cao. Một tuần trước đó, Woods cũng kết thúc thứ ba ở Australian Open tại Sydney. “Có cảm giác như tôi được chơi trên sân nhà vậy”, Woods nói sau chiến thắng ở Presidents Cup. “Tôi rất hài lòng với những tiến bộ tôi đạt được ở đây cùng (HLV của anh) Sean (Foley). Một tuần lễ thật dễ chịu đã kết thúc… Tôi rốt cuộc đã có thể chơi với cảm giác như thường lệ của mình tại các giải chính thức”.

Muto vô địch trên sân nhà

Golfer người Nhật Bản Toshinori Muto đã có thành tích tám gậy dưới chuẩn, ít hơn bốn gậy so với đối thủ người Tây Ban Nha Gonzalo Fernando-Castano, để vô địch giải Dunlop Phoenix được tổ chức tại chính Nhật Bản. Muto có chín cú birdie và một lỗ bị bogey. Đây là chiến thắng đầu tiên của anh ở một giải Japan Tour sau hai năm. Tổng giải thưởng cho Dunlop Phoenix là 2,5 triệu USD.

Trần Trọng


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm