Sống chậm cuối tuần: Làm chủ phương tiện

23/06/2023 11:04 GMT+7 | Văn hoá

Tôi rất hâm mộ những người biết làm chủ phương tiện, vì họ có kỹ năng tốt. Người như thế luôn tự tin và chủ động. Nhất là với những người lớn tuổi, khi họ có kỹ năng tốt, họ luôn trẻ hơn tuổi của mình. Tư duy và lao động luôn làm chúng ta trẻ lại.

1. Tỉ phú Warren Buffett là một tấm gương lớn về chuyện này. Ông tự lái một chiếc xe cũ, rất ít xài tiền, nhưng luôn vận động đầu óc, và luôn ở tốc độ cao trong tư duy. Người như thế trẻ lâu lắm. Vì họ chỉ "tham" kiến thức, tham trí tuệ, không tham tiền. Hàng tỉ đô đối với họ chỉ để chứng minh năng lực làm việc. Biết cho đi chính là biết sống.

Tôi không có tiền nhiều, không phải tỉ phú, nhưng tôi cũng biết cho đi. Như thế, cũng tạm coi là biết sống. Nhờ thế, đầu óc tôi luôn thanh thản. Biết làm "rỗng" đầu óc để có thể tích chứa, chúng ta luôn vui với bất cứ tuổi nào. Bây giờ hay quên một số thứ, nhưng như thế là hợp quy luật bộ nhớ.

Lại nhớ, cách đây 30 năm, một quan chức hay rao giảng về chuyện "Chúng ta phải tăng cường độ "bít" (bit) thông tin". Tôi nghe không hiểu gì cả, nhưng tôi biết vị quan chức này cũng chẳng biết gì hơn tôi về công nghệ thông tin. Nói những điều mình không biết, thì còn khó hơn cho "lạc đà qua lỗ kim", như Kinh thánh dạy.

Sống chậm cuối tuần: Làm chủ phương tiện - Ảnh 1.

Nhà thơ Thanh Thảo trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh:quangngaitv.vn

Nhưng biết tới đâu nói tới đó, không biết nói ngay là không biết, thì rất dễ sống. Nhiều khi, có những điều mình biết rồi, nhưng lại quên đi, vì ít thực hành nó, thì coi như mình lại trở về không biết.

Ngay với cái laptop tôi đang dùng, cũng vậy. Nhiều thao tác mình đã từng học qua bạn bè em út, đã biết nhưng ít dùng, để lâu, quên mất. Lại phải nhờ thằng cháu tốt bụng và am hiểu công nghệ thông tin nó giúp cho.

Nhưng phải nói thật, một khi mình đã ở "ngoài vùng phủ sóng" của một kiến thức nào đó, thì rất khó để mình tiếp cận lại được kiến thức ấy, dù có cơ hội, dù kiến thức ấy cũng không lớn.

2. Lại nói, anh em bạn bè biết tôi thường viết báo kiếm nhuận bút, nên cứ nghĩ mỗi bài tôi viết chắc phải được nhiều tiền lắm, vì họ thấy tôi cứ cắm cổ viết tối ngày. Xin nói ngay: không phải đâu ạ! Tôi vừa nhận được một nhuận bút từ một tờ báo không nhỏ (vì chưa dám nói là tờ báo lớn), nhuận bút cho một bài viết khá tâm huyết của tôi có giá… 200.000đ. Hẻo quá, phải không ạ!

Nhưng nếu ngồi nghĩ sâu hơn một chút, thì 200.000đ là hơn nửa ngày công của một người lao động chân tay rồi đấy. Mình viết bài, chỉ mất khoảng 1 tiếng đồng hồ, lại ngồi trong phòng mát, thậm chí có bật máy lạnh nếu hôm ấy trời nóng, mà được nhận những 200.000đ nhuận bút, thì cũng nên vui, nên khà lên một tiếng sảng khoái cho đời nó tươi, chứ có gì phải bực bội hay u uất?

Sống chậm cuối tuần: Làm chủ phương tiện - Ảnh 2.

Chém gió trên cái điện thoại dù thông minh tới đâu cũng khó mang lại cho mình thu nhập dù ít ỏi

Biết làm chủ phương tiện, không có nghĩa phương tiện ấy lập tức cho mình thu nhập cao. Cũng không phải vì mình đã viết báo hơn nửa thế kỷ mà tiền nhuận bút ít mình lại chê, như thế người ta nói mình ỷ sống lâu lên lão làng, chê tiền ít là có ý trách người ta không biết năng lực viết báo quá nhiều năm của mình.

Biết làm chủ phương tiện thì phải biết khiêm nhường. Biết khiêm nhường thì người ta mới thuê mình làm. Người ta chịu thuê mình, thì mình có thu nhập, dù ít. Còn hơn, mình cứ ảo tưởng về năng lực của mình, rồi chẳng ai thuê mình cả, mình chẳng kiếm được đồng bạc lẻ nào cả, thì lấy đâu thu nhập.

3. Bây giờ, phương tiện hàng ngày mỗi người dân Việt Nam hay dùng nhất, chính là cái điện thoại, gọi là "điện thoại thông minh". Nghe cái tên đã thấy oai rồi, còn cắm mặt vào điện thoại suốt ngày thì được chu du tận phương trời nào nữa, nhiều khi quên cả thời gian và công việc không được thông minh lắm mà mình phải làm. Dẫu không thông minh lắm nhưng làm thì có tiền, còn chém gió trên cái điện thoại dù thông minh tới đâu cũng khó mang lại cho mình thu nhập dù ít ỏi. Đây tôi chỉ nói những người bình thường, không nói những bậc gọi là "KOLs" hay gì ấy, họ có thể kiếm rất nhiều tiền từ cái điện thoại thông minh. Nghĩa là họ cũng thông minh gần ngang cái điện thoại đắt tiền mà họ sở hữu.

Tôi thì không thông minh, cũng không thích dùng điện thoại thông minh, dù có mua một chiếc. Chỉ thỉnh thoảng dùng để gọi qua zalo, đỡ tốn tiền. Gọi cho bạn thân, chém gió một chú cho đỡ buồn, vậy thôi. Không hy vọng gì nhiều.

Xem ra, bây giờ có quá nhiều phương tiện thông minh và trên cả thông minh, nếu mình không sử dụng được, thì cũng rất uổng. Nhớ hồi tôi mới dùng laptop, tôi cũng phải đánh vật với nó rất nhiều ngày. Có khi, mình viết xong bài báo, đang rất sảng khoái, thì tới lúc phải "bấm gửi" cho thư ký tòa soạn, không biết mình lỡ "bấm bậy" chỗ nào, mà bài báo của mình bay mất tiêu. Thế là phải cắm cổ viết lại, chao ôi là khổ!

Cái khổ do không làm chủ được phương tiện, nó rành rọt lắm.

200.000đ là hơn nửa ngày công của một người lao động chân tay rồi đấy. Mình viết bài, chỉ mất khoảng 1 tiếng đồng hồ, lại ngồi trong phòng mát, mà được nhận những 200.000đ nhuận bút, thì cũng nên vui, nên khà lên một tiếng sảng khoái cho đời nó tươi" - nhà thơ Thanh Thảo.

Nhà thơ Thanh Thảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm