Shakespeare trong điệu bộ hát tuồng

31/03/2009 13:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Như TT&VH đã đưa tin, Thêm mộng giấc mộng đêm hè đã được Cliff Moustache chuyển thể từ vở kịch của W. Shakespeare và có đêm diễn thể nghiệm khá thành công tại Nhà hát Thế giới Trẻ (125 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM) vào tối 29/3. Đến với vở diễn này, người xem thấy tinh thần của Shakespeare trong điệu bộ hát tuồng, trong ca khúc, và cả trang phục Việt Nam - một kiểu tương tác và tiếp biến về văn hóa.

Từ một giấc mộng

Trong khoảng 40 vở kịch tiêu biểu của W. Shakespeare (1564-1616), có đến gần một nửa thuộc thể loại hài kịch, phần còn lại thuộc bi kịch và kịch lịch sử. Nhưng trên thế giới, người ta vẫn thường chú ý đến các vở bi kịch (tragedies) như Romeo và Juliet, Macbeth, Hamlet, Vua Lear, Othello, Antony và Cleopatra… Riêng trong thể loại hài kịch, Giấc mộng đêm hè vẫn được đề cập nhiều nhất, vì nó thuộc vào thời kỳ sáng tác sung mãn nhất của tác giả (1590-1600), và vì nó có một tinh thần rất Á Đông, kiểu Trang Tử: cuộc đời là giấc mộng. Với người Tây phương thời bấy giờ, đây là một kiểu suy nghĩ rất tân kỳ, nên tạo được sự chú ý đáng kể.
 
Cảnh trong Thêm một giấc mộng đêm hè

Khi chuyển thể vở này thành Thêm một giấc mông đêm hè, Cliff Moustache vẫn giữ nguyên tinh thần đó, vẫn cho tất cả các tình huống tưởng chừng éo le, nực cười vào trong một giấc mộng. Thật hay mộng chỉ là một cái cớ; một khoảnh khắc hay một định mệnh, thì cũng chỉ vậy thôi. Vấn đề là khi trong giấc mộng, hay khi đi ra ngoài giấc mộng đó, người ta đã sống như thế nào, đã làm gì để đối diện với các thị phi, vượt qua các cám dỗ, lừa mị… để đi đến tình yêu đích thực, và hạnh phúc.

Khán giả, nếu chưa đọc kịch bản văn học Giấc mộng đêm hè, rất dễ bị hoang mang trước cách xử lý khá tân kỳ của Cliff Moustache, khi vở diễn được thu lại trong khoảng 1 tiếng và diễn chỉ có 1 màn. Các lớp diễn cứ tuần tự xuất hiện, pha trộn với nhiều yếu tố về hình thể, về thị giác, về âm thanh, và cả đặc trưng văn hóa – một kiểu kịch lồng trong kịch, mộng lồng trong mộng. Như trong vở Macbeth, Shakespeare cũng đã đề cập lại ý này qua một câu thoại nổi tiếng: “Cuộc đời là một vở kịch tồi, được kể bởi một thằng khùng, đầy âm thanh và cuồng nộ”.
 
Đến “nới rộng” giấc mộng

Tuy nhiên, trong khoảng 7 ngày lưu trú tại Việt Nam, đạo diễn Cliff Moustache đã “tương kế” để kết hợp khá cởi mở với các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM, để bằng điệu bộ và cách cảm của riêng họ, “họ muốn thể hiện như thế nào cũng được” – đạo diễn cho biết. Xem đêm diễn, cũng chính là các nhân vật trong kịch của Shakespeare, nhưng các nghệ sĩ trên sân khấu ngày hôm nay có thể mặc áo dài, mặc váy ngắn, đồ hát bội, quần tây áo sơ mi, áo thanh niên xung phong… Cũng có thể hát bài Cây trúc xinh, Lý cây bông, hay các ca khúc Việt Nam hiện đại; cũng có thể đọc thơ Hàn Mặc Tử, dùng tiếng lóng, lời chửi thề... Thậm chí, bối cảnh của khu rừng chính là công viên 30/4, còn tòa lâu đài thì chính là nhà thờ Đức Bà (tại TP.HCM) – được chiếu bằng máy phóng.
 
Cảnh trong Thêm một giấc mộng đêm hè
 

Thêm một giấc mộng đêm hè có thể được nhận diện qua 3 khía cạnh: 1) hình thể của hát tuồng; 2) “nội dung” của kịch cổ điển Tây phương; 2) ngôn ngữ của kịch nói hiện đại.

Lý giải về sự pha trộn và Việt hóa này, đạo diễn cho biết: nếu làm như quy củ của tác phẩm thì đầu tư rất lớn, thời gian chuẩn bị phải lâu dài, nhưng chưa chắc đạt hiệu quả, vì vở này trên thế giới đã có rất nhiều đoàn kịch nghệ chuyên nghiệp diễn thành công rồi, mình mà làm lại y chang, nắm phần thua là chắc chắn. Với lại, với tư cách của người sáng tạo, làm sao để thay đổi và mang hơi hướng của thời đại mình, điều ấy quan trọng hơn. Tôi cũng muốn tìm hiểu xem nếu nhìn vở diễn này từ bối cảnh Việt Nam thì sẽ như thế nào. Ngoại trừ thời gian vở diễn được rút gọn, có rất nhiều chi tiết được “nới rộng” như vừa đề cập ở trên. Nhưng điều nới rộng nhất của “giấc mộng” này, là ở tính tương tác vào hoàn cảnh, nơi vở diễn được thể hiện. Đạo diễn không muốn mang diễn viên, trang phục và nếp suy nghĩ từ nước này sang nước khác, mà đến đâu, xem người ở đó nghĩ gì về vở diễn này và “chính họ diễn cho khán giả của họ xem”.

Một điểm cũng đáng để suy nghĩ nữa là ở mức đầu tư khá thấp cho mô hình kịch thể nghiệm này. Nhìn cách bài trí sân khấu và trang phục “hiện đại” cho một vở diễn cổ điển, khán giả cũng đủ biết họ không tốn nhiều tiền. Cách làm này, có thể không phù hợp với các sân khấu kinh doanh, nhưng lại hiệu quả với các mô hình trường đại học, các hội nghề nghiệp. Cliff Moustache và Nguyễn Nghiêu Khải Thư (nghiên cứu sinh nghệ thuật học ĐH Berkely, Mỹ) đã có 5 năm kinh nghiệm tại Việt Nam, họ đã thực hiện nhiều dự án sân khấu thể nghiệm, thu hút được sự chú ý.

Như Hà
 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm