Đi tìm chân dung Shakespeare

11/03/2009 18:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Từ lâu chúng ta vẫn quen thuộc với chân dung William Shakespeare qua bản khắc của Martin Droeshout được in trong tuyển tập First Folio xuất bản năm 1623, bảy năm sau khi nhà viết kịch vĩ đại người Anh qua đời. Nhưng giờ đây, giáo sư Stanley Wells ở Đại học Birmingham tin rằng mình đã phát hiện ra bức chân dung duy nhất của Shakespeare được vẽ khi tác giả của những Romeo và Juliet, Vua Lear, Giấc mộng đêm Hè... còn sống.

Chân dung một người quyền quý

Mô tả một người đàn ông có đôi mắt đen, đẹp trai và mặc trang phục thuộc triều đại Nữ hoàng Elizabeth I, bức chân dung này đã đến với công chúng hôm 9/3 qua, trong triển lãm tại Phòng trưng bày Chân dung Quốc gia ở London (Anh). Bức tranh thể hiện một người đàn ông giàu có. Mặc dù William Shakespeare (1564 - 1616) xuất thân từ tầng lớp thấp kém - cha ông là thợ làm bao tay - nhưng sau này nhà soạn kịch đã trở thành một người có địa vị xã hội cao. “Ông mặc trang phục đắt tiền có viền đăng ten ở cổ. Nhiều người vẫn hình dung sai về Shakespeare, nhưng bức tranh này cho thấy đây là một người quyền quý”, giáo sư Stanley Wells nói.
 
Bức chân dung được in trong cuốn First Folio

Bức tranh nói trên nằm “phủ bụi” nhiều thế kỷ trong nhà của dòng họ Cobbe ở Dublin (Ireland) và mãi sau này cũng không ai mảy may nghĩ đó có thể là một chân dung của Shakespeare. Cách đây 3 năm, nhà phục chế nghệ thuật Alec Cobbe đã tới triển lãm Searching For Shakespeare tại Phòng trưng bày Chân dung Quốc gia và bắt gặp tại đó một bức tranh từng được coi là chân dung của Shakespeare, do Cornelis Janssen - họa sĩ Hà Lan làm việc ở Anh đầu thế kỷ 17 - vẽ nên. Bức tranh này thuộc sở hữu của thư viện Shakespeare Folger ở Washington DC (Mỹ). Nhìn ngắm họa phẩm đó, Cobbe nhận thấy nó gần giống với bức tranh nằm trong bộ sưu tập của gia đình mình. Ông đã đề nghị Wells - một người bạn cũ - hỗ trợ thẩm định bức tranh.

Hai người tiến hành xác định niên đại khung gỗ bức tranh của dòng họ Cobbe và các kết quả thẩm định đã đưa ra chứng cứ thuyết phục rằng, chiếc khung này có niên đại vào khoảng năm 1610 - lúc Shakespeare 46 tuổi. Cũng theo họ, đây là tác phẩm gốc để từ đó các họa sĩ sau này vẽ những chân dung khác về nhà soạn kịch vĩ đại người Anh.

Hai ông Wells và Cobbe còn xác định được rằng bức chân dung nói trên ban đầu thuộc quyền sở hữu của bá tước Southampton, Mạnh Thường Quân của Shakespeare. Bên cạnh đó, hai ông còn đang viết một cuốn sách về mối quan hệ giữa Southampton và Shakespeare. 

Tranh cãi

Tuy nhiên, các tuyên bố của Wells và Cobbe vẫn đang gây tranh cãi, đặc biệt từ khi một số chuyên gia nghi ngờ bản thân bức tranh do Janssen vẽ có thể không phải là chân dung của Shakespeare.
 
Bức chân dung nằm trong bộ sưu tập của gia đình Cobbe

Chủ sở hữu đầu tiên của bức tranh này là Charles Jennens, một người sống ở Leicestershire (Anh). Jennens mua nó vào năm 1770 và in trong cuốn Vua Lear được xuất bản cùng năm.

Thư viện Shakespeare Folger đã mua bức tranh này tại một cuộc đấu giá hồi năm 1932 vì tin rằng đây có thể là chân dung của nhà soạn kịch. Nhưng kể từ đó, những tranh cãi đã nổi lên. Nhiều người đoán rằng đấy có thể là chân dung của Edward De Vere, bá tước Oxford. Từ cuối những năm 1960, thư viện Shakespeare Folger lại cho rằng đây là chân dung của Sir Thomas Overbury, một nhà thơ, người qua đời vào năm 1613 sau khi bị Frances Howard - nữ bá tước vùng Essex - đầu độc bởi ông đã ngăn cản bà tái hôn.

Người phụ trách nghệ thuật và các bộ sưu tập đặc biệt tại thư viện Shakespeare Folger - Erin Blake - thừa nhận bức chân dung mà nơi này đang sở hữu là phiên bản từ bức tranh trong bộ sưu tập của dòng họ Cobbe. Nhưng theo bà, không thể xác nhận hai bức tranh này đều vẽ Shakespeare do vẫn chưa tìm được bất cứ tài liệu nào để khẳng định điều đó. Bản thân bà Tarnya Cooper, người phụ trách các bộ sưu tập thế kỷ 16 và 17 của Phòng trưng bày Chân dung Quốc gia, cũng cho rằng: “Chúng tôi không nghĩ người trong tranh là Shakespeare mặc dù họa phẩm này ra đời vào thời điểm 1600 - 1610”.
 
Lương Tuấn Vĩ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm