Scandal trọng tài và những điều trông thấy

10/06/2013 10:57 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Phần lớn (nếu không muốn nói là tất cả) các TT hiện đang tham gia điều khiển các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam (V-League, giải hạng Nhất, cũng như Cúp QG), đều “chân trong chân ngoài”. Họ có thể là giảng viên Đại học hay Trung học, hoặc cán bộ Sở, Trung tâm, có người còn là doanh nhân…

Trọng tài Đinh Hải Dương (trái), một trong 4 trọng tài bị nghi ngờ nhận tiền bồi dưỡng ở trận Thanh Hóa-HA.GL. Ảnh: V.V

Rất khó để làm tốt nhiều việc cùng một lúc, nhưng bóng đá là của cả xã hội, nên luôn khuyến khích mọi đối tượng khác nhau cùng tham gia cuộc chơi, gọi là chung tay vào. Mặc dù vậy, sai ở đâu phải xử ở đó, chứ nhất định không thể du di!

Làm thêm

“Vì mê nên tôi đi học cái nghề cầm còi và đã điều khiển đủ thể loại các trận đấu ở mọi cấp độ. Nhưng, trong thâm tâm tôi luôn ý thức được mình là nhà giáo. Một nhà giáo làm trọng tài, nên đạo đức nghề là điều mà mọi người có thể tin tưởng vào tôi”, TT Ngô Quốc Hưng từng chia sẻ trên TT&VH như thế hơn một năm về trước.

Ông Ngô Quốc Hưng vốn là giáo viên thể chất, thuộc biên chế Đại học Hải Phòng, nên việc tham gia vào cuộc chơi bóng đá, theo ông nói, cũng chỉ là muốn thỏa mãn đam mê. Những người như ông Hưng và từng nói như ông có mà đếm không xuể. Bản thân cựu phó Ban TT Đoàn Phú Tấn, người mới bị đình chỉ chức vụ vào hôm qua, cũng đã là Phó Hiệu trưởng một trường THCS ở Hà Nội.

Chúng ta còn nhớ là sau SEA Games 2005, ông Lê Thế Thọ, Phó Chủ tịch VFF, đồng thời là Phó trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại kỳ Đại hội trên đất Philippines, trưởng đoàn bóng đá U23 Việt Nam, đã chủ động xin rút lui khi vụ dàn xếp tỷ số bị phát hiện. Ông Thọ rút bởi không hoàn thành nhiệm vụ, như ông nói, chứ không phải từ chức, bởi bóng đá với ông chỉ là cuộc chơi thôi.

“Bóng đá là của cả xã hội, người tham gia vào bóng đá, cũng là vì cái chung, vì cái tốt, nên đừng nghĩ hay ham hố chuyện chức quyền gì ở đây. Tôi làm gì có chức mà xin từ?”, ông Thọ từng phát biểu như thế.

Và kiếm thêm

Ai cũng có thể nói vì đam mê hay vì cái chung được, nhưng giữa nói và làm không phải bao giờ cũng đồng bộ. Không phủ nhận đam mê hay khái niệm mỹ miều nào đó đại loại thế, nhưng một khi đã chấp nhận đi “làm thêm”, ắt phải có nhu cầu “kiếm thêm”. Vậy giới TT Việt Nam, trong quá khứ và cả hiện tại, kiếm thêm bằng cách nào. Chắc chắn không đơn thuần chỉ là khoản thù lao (hợp pháp).

Trong một câu chuyện kể lúc trà dư tửu hậu, một vài TT chia sẻ câu chuyện có ông giám sát nọ, hễ cứ đi công cán là rủ rê các TT đánh bài. “Trước đây, chúng tôi thường đến địa phương và ăn nghỉ ở đó cả tuần trước khi trận đấu diễn ra vào cuối tuần chứ không như bây giờ. “Chế độ” được BTC địa phương lo đầy đủ rồi, nên thoải mái lắm. Rảnh nên anh em thường tụ tập sát phạt”, một TT cho biết.

Nghi án tiêu cực vụ TT năm 2005 nổ ra, bắt đầu bằng những rò rỉ từ chính người trong cuộc khi tỷ lệ ăn chia không đều. Cả một đường dây của TT Lương Trung Việt và đồng phạm được lôi ra ánh sáng và ngày đó, đã có người lo lắng rằng, nếu cơ quan điều tra càng làm tới, sẽ không còn TT điều khiển các trận đấu ở giải quốc nội nữa, nên mới chỉ dừng lại ở đó.

Sau vụ năm 2005, giới “vua áo đen” bắt đầu biết sợ hơn, nhưng nói như bầu Kiên, họ (TT) còn “hoạt động” tinh vi hơn so với trước đây. Cụ thể, vẫn có những đội bóng sẵn sàng “chích” và vẫn có TT chủ động đề nghị các CLB chi tiền, nếu muốn được hưởng lợi. Tức là cung và cầu luôn song hành với nhau. Khoản bồi dưỡng nhỏ lớn tùy nhu cầu và tùy mức độ quan trọng, nhưng tóm lại là có.

TÙY PHONG
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm