Góc Anh Ngọc: Italia & Hiệu ứng scandal

29/05/2012 11:38 GMT+7 | Bóng đá Italy

(TT&VH)- Trước những giải đấu lớn mang tính thế giới mà Italia sau đó đăng quang, cụ thể là Espana 82 và World Cup 2006, những scandal dàn xếp tỉ số đã xảy ra và gần như tiêu diệt niềm tin của giới hâm mộ vào đội bóng Thiên thanh bởi mức độ nghiêm trọng của chúng với calcio.

Cuộc điều tra của Viện công tố Cremona bắt đầu từ tháng 6/2011 với những trận đấu và cầu thủ bị nghi vấn ở Serie B giờ đã loang sang Serie A, với mức độ nghiêm trọng ngày một lớn. Việc HLV trưởng đội tuyển Italia Prandelli gạt tuyển thủ Criscito khỏi danh sách sơ tuyển để đăng kí với UEFA, trong khi rộ lên những tin tức nói về khả năng bị kỉ luật lâu dài của Antonio Conte, người vừa đưa Juventus lên đỉnh cao vinh quang ở mùa bóng vừa kết thúc, cho thấy vụ scandal càng ngày càng có khả năng làm rung chuyển calcio đến tận gốc rễ của nó. Vấn đề không phải là các CLB ở các hạng, với các cầu thủ và cả các HLV và quan chức đội bóng đã bị mua chuộc để đem đến lợi nhuận cho những tập đoàn tội phạm tầm cỡ xuyên quốc gia, mà ở chỗ việc dàn xếp tỉ số diễn ra dễ quá, đơn giản quá, khi người ta sẵn sàng bán mình để làm sai lệch tỉ số hàng loạt trận đấu. 



Sức mạnh tinh thần làm nên vinh quang 2006, còn năm nay?- Ảnh Internet

Câu hỏi đặt ra: Nếu vụ Totonero 1980 đã làm sụp đổ cả một thế hệ tuyển thủ Italia nhưng lại là động lực lớn lao để bóng đá Ý nhìn lại mình, thanh lọc những “con sâu” và tiếp sức cho họ vô địch thế giới; nếu vụ Calciopoli 2006 đã quét sạch một thế hệ cầu thủ và quan chức Italia trong vụ scandal lớn nhất trong lịch sử nước Ý lại là động lực để đoàn kết đội tuyển và đưa nó đến Cúp vàng, thì vụ scandal 2012 sẽ có tác động thế nào với đội Italia ở EURO năm nay? Vụ Totonero suýt nữa đã lấy đi cơ hội vô địch Espana 82 khi dính đến cả siêu tiền đạo Paolo Rossi, người chỉ kịp mãn hạn trước khi giải bắt đầu. Năm 2006, vụ scandal dính líu đến Juventus và Milan, lúc ấy đã là xương sống và linh hồn của đội tuyển, và theo lời khẳng định của HLV Lippi, chính vụ bê bối ấy (mà bản thân con trai ông cũng liên lụy), đã gắn kết các cầu thủ thành một khối, khi tất cả cùng cố gắng thể hiện rằng họ không có tội và họ hoàn toàn trung thực. Ở cả hai giải đấu ấy, các cầu thủ đã chiến đấu với một sức mạnh khác được tiếp thêm từ scandal: sức mạnh tinh thần chống lại bất công và sự nghi ngờ của dư luận. Chính Juventus mùa này cũng đã đoạt Scudetto nhờ biến những phản ứng trước bất công mà họ cho là có một thế lực nào đó giáng vào họ trong vụ Calciopoli thành sức mạnh. Tất cả những chiến thắng từ scandal đều có một “mẫu số chung”: sức mạnh có được nhờ coi mình là nạn nhân.

Năm 2012 này, mức độ nghiêm trọng của vụ dàn xếp tỉ số do Viện công tố Cremona tiến hành có lẽ chưa đủ khả năng để tác động dữ dội lên đội Thiên thanh, khi mới chỉ có một tuyển thủ Ý bị nghi ngờ và ngay tức khắc bị loại. Sự dính líu nhiều hay ít của Conte vào scandal cũng không thể làm rung chuyển cái khối Juve đã đổ bê tông vào đội tuyển. Nếu ai đó nghĩ rằng, đội tuyển Ý cần một lực đẩy lớn lao từ các scandal để chiến thắng ở EURO 2012 này, người đó có thể hơi lí tưởng hóa những chiến thắng theo cách ấy. Italia ở giải đấu này thành bại hay không là ở chính họ. Những gì đang diễn ra trong vụ scandal và số phận của Conte trên thực tế làm xói mòn niềm tin của người hâm mộ và một lần nữa đẩy cả calcio, cái nền cơ bản của đội tuyển Ý, vào tăm tối, khi lại tác động nghiêm trọng đến Juventus, không bi kịch như 6 năm trước, nhưng có thể sẽ tạo ra những xáo trộn lớn ở một giải VĐQG vốn đã mất đi sự ổn định kể từ ngày họ không còn sản sinh ra những cầu thủ thật sự tài ba, những nhà vô địch năm 2006.

Anh Ngọc

www.facebook.com/blvanhngoc


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm