Rubik bóng đá: Sao lại trách Fred?

14/07/2014 20:37 GMT+7 | World Cup 2018

1. Trên khán đài sân Mane Garrincha, trong trận tranh hạng 3 với Hà Lan, một chú bé người Brazil, mắt hình như hơi hoe đỏ, mặc áo thi đấu của Selecao, đội một chiếc mũ và sơn màu quốc kỳ trên má, giơ cao một tấm bìa. Trên đó viết: “Tại sao ai cũng chỉ trích Fred nếu như anh ta thật sự chẳng làm gì cả?”.

Rất mỉa mai. Đúng là Fred chẳng làm gì cả. Tính cho tới loạt bán kết thì anh ta là cầu thủ chạy ít nhất giải đấu (so với các cầu thủ đã chơi 6 trận). Fred chơi như một người vô hình và vô dụng. Đúng là ngoài cú ngã vờ trong trận khai mạc và kiếm cho Brazil một quả penalty thì anh ta “chẳng làm gì cả”. Người ta chỉ trích Fred vì điều đó.

Nhưng tại sao lại chỉ trích Fred khi anh ta chẳng làm gì cả? Câu hỏi rất hay: Cái kết cục thê thảm mà người Brazil có được ở giải đấu năm nay, không phải là hậu quả của việc “không làm gì cả”. Người ta phải tự phá hoại, tự hủy diệt, thì mới ra được nông nỗi ấy.

2. Brazil đã tự hủy diệt chính mình. Nếu trên sân có 11 cầu thủ như Fred, tức là cứ nhận bóng rồi mất bóng, chạy loăng quăng không chủ đích thì có thể đối phương còn bị gây nhiễu.

Hãy nhìn lại cái cách mà Thiago Silva lúng túng trong tình huống tấn công ngay đầu trận của Hà Lan để rồi buộc phải phạm lỗi với Robben dẫn đến quả phạt đền, thì hiểu rằng đó là hành vi tự phá hoại.

Hãy nhìn lại cái cách mà TRUNG VỆ (xin được viết hoa từ này) David Luiz liên tục bỏ vị trí để dâng cao y hệt như một tay CĐV cởi truồng thục mạng chạy trong sân hòng gây sự chú ý,  tạo ra liên tiếp những khoảng trống cho Đức và Hà Lan ghi bàn, thì hiểu rằng đó là hành vi tự phá hoại.

Hãy nhìn cái cách mà họ khóc lóc trước loạt sút luân lưu với Chile, rồi đội trưởng Thiago Silva xin không đá mà ngồi đờ đẫn nhìn đồng đội quyết định số phận của đội bóng, thì hiểu rằng cứ “ngơ ngác” như Fred chính ra lại đáng tôn trọng. Fred ít nhất không cho thấy dấu hiệu của sự hoảng loạn.

Một tập thể mà không ai làm gì cả, như Bồ Đào Nha chẳng hạn, cũng chỉ thua Đức đến 0-4 là hết. Ít ra là các trung vệ của họ cũng không cuống cuồng chạy sang phần sân bên kia mong trở thành anh hùng.

3. Chưa bao giờ người ta thấy đội chủ nhà của World Cup lại rơi vào tâm lý hoảng loạn như thế. Ngay cả Nam Phi, nước chủ nhà yếu nhất trong lịch sử (theo bảng xếp hạng FIFA) cũng đã chơi với khí chất của những người đàn ông.

Brazil có lẽ đã tự hủy diệt chính họ bởi sức ép đè lên vai là quá lớn. Chính các cầu thủ cũng thừa nhận rằng mình cảm thấy có trách nhiệm, và là một phần của đám đông những người biểu tình ở ngoài sân bóng.

Tất nhiên là trong lịch sử, những đội bóng thi đấu vì sứ mệnh chính trị đã từng có nhiều. Barcelona của kỷ nguyên độc tài Franco, hay là đội tuyển Argentina trong kỷ nguyên độc tài Videla (World Cup 1978), hay thậm chí là đội tuyển Nigeria của World Cup 2014 (một đất nước đang trải qua thời kỳ tang tóc với đầy các vụ khủng bố). Nhưng chưa bao giờ người ta phải trả 14 tỷ USD để đổi lấy cơ hội chứng kiến đội nhà vô địch.

Ngay từ khi World Cup còn chưa diễn ra thì nó đã không còn là chuyện của bóng đá nữa rồi. Nên mọi phân tích chiến thuật với Brazil đều là vô nghĩa.

Bởi thế nên khi người ta nói rằng Brazil “vấp ngã để đứng dậy”, thì đó là một hiện thực xa vời. Đất nước Brazil cần vượt qua những mâu thuẫn về kinh tế-xã hội trước rồi lúc đó mới mong có những cầu thủ không hoảng loạn bước ra sân.

ĐỨC HOÀNG
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm