Rồng - nguồn cảm hứng sáng tạo trong mỹ thuật Việt

10/02/2024 08:48 GMT+7 | Văn hoá

Đón Tết Giáp Thìn 2024, hình tượng con rồng - biểu tượng linh vật của năm được giới tạo hình lựa chọn sáng tạo với nhiều hình dáng, chất liệu, sắc thái đa dạng, góp phần làm đẹp cho cuộc sống, tạo niềm vui cho những người yêu nghệ thuật. 

Hình tượng những con rồng hiện diện khắp nơi như một lời chúc mừng năm mới đến mọi người, mọi nhà trong những ngày đầu Xuân năm mới.

Năm Thìn nở rộ tác phẩm mỹ thuật về rồng

Trong 12 con giáp, rồng là con vật không có trong đời thực nhưng lại là con vật cùng lúc mang hai biểu tượng, đó là biểu tượng của vương quyền trong thời phong kiến và biểu tượng tín ngưỡng, xuất hiện nhiều trong mỹ thuật Việt Nam. Những ngày đầu Xuân năm mới, nhiều họa sỹ trên khắp mọi miền đất nước đã vẽ và trưng bày nhiều tác phẩm hội họa vẽ rồng, như một lời chúc mừng năm mới đến bạn bè, công chúng.

Triển lãm "Mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024" của Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sỹ Nguyễn Tiến Dũng "Chào Giáp Thìn 2024" bằng tác phẩm acrylic mang hình tượng con rồng uy nghiêm. Họa sỹ Lê Văn Thìn tạo hình rồng kỳ công trong bức sơn mài "Long Vân Khánh hội". Họa sỹ Đỗ Ngọc Dũng với tác phẩm "Long thổ chủ" đa màu sắc, giàu hình tượng.

Rồng - nguồn cảm hứng sáng tạo trong mỹ thuật Việt - Ảnh 1.

Tranh rồng được nghệ nhân ưu tú làng tranh Đông Hồ sáng tạo cho những người tuổi Thìn. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Nhóm họa sỹ G39 giới thiệu hàng chục tác phẩm mỹ thuật sáng tạo hình tượng con rồng từ nhiều chất liệu gồm sơn dầu, bột mầu, sơn mài, giấy dó, acrylic đến gốm Hương Canh, gốm Phù Lãng… Có thể kể đến, bộ tác phẩm gốm "Rồng ẩn" của nghệ sỹ Nguyễn Hồng Quang, tác phẩm "Cùng chơi với rồng" của họa sỹ Nguyễn Quốc Thắng, "Giáp Thìn" của họa sỹ Hoàng Phương Liên, tác phẩm gốm "Tiên rồng" của nghệ sỹ Vũ Hữu Nhung, "Rồng thiền" của Vương Linh, "Rước rồng" của Lê Thiết Cương, "Xuân Long" của Lê Thư Hương…

Ở lĩnh vực điêu khắc, chào đón năm Giáp Thìn 2024, nghệ nhân, họa sỹ Nguyễn Tấn Phát (Hà Nội) đã chọn hình tượng rồng thời Lý để sáng tạo 1.000 tác phẩm tượng sơn mài. Điểm nhấn trong bộ sưu tập rồng của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát năm nay là chiếc ghế rồng cao 1,65m, rộng 2m, được chế tác từ sơn mài trên gỗ lũa, dát 2.500 lá vàng, khảm vỏ cửu khổng (bào ngư), vỏ trứng… Ghế có hình con rồng với 5 móng vững chãi và mạnh mẽ, đuôi rồng như lá bồ đề, tư thế uốn lượn mang đậm ý nghĩa về văn hóa cội nguồn người Việt.

Chào đón Xuân 2024, nhà điêu khắc Vũ Dũng đã dày công thiết kế, tạo dáng tượng rồng ngậm ngọc cuộn tròn ẩn mình trong mây với tên gọi "Hí Long Vân" để cho ra thị trường. Các sản phẩm "Hí Long Vân" đều được chế tác tỉ mỉ và hoàn toàn thủ công. Mỗi đường nét, chi tiết đều được tạo ra với sự tận tụy, không chỉ đẹp mắt, còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật và nhân văn bền vững. Theo nhà điêu khắc Vũ Dũng, "Hí Long Vân" là biểu tượng của sự kiên định, tự tin và chờ đợi vận hội, hướng về tương lai, thể hiện khát khao, nỗ lực không ngừng của con người…

Nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Tuyên giới thiệu bộ sưu tập "Vũ điệu Bách Long" với hàng trăm tác phẩm gốm phù điêu thể hiện linh vật rồng, mang đậm bản sắc văn hóa thuần Việt. Mỗi tác phẩm, mỗi con rồng được chế tác theo một hình dáng, tư thế khác nhau, biểu hiện sinh động sức mạnh, thần thái uy dũng, tôn nghiêm, vẻ mềm mại, uyển chuyển, vui tươi và cả sự huyền bí, tâm linh…

Rồng - nguồn cảm hứng sáng tạo không ngừng

Những năm gần đây, xu hướng sáng tạo những linh vật con giáp theo năm ở các khu vực công cộng được nhiều địa phương quan tâm. Xuân Giáp Thìn năm nay, những đường hoa, cổng chào tạo tác hình con rồng độc đáo được nhiều địa phương xây dựng để chào đón năm mới.

Tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, hình ảnh linh vật rồng được các nghệ nhân tạo tác từ hàng ngàn chiếc lu, hũ bằng sành của làng nghề truyền thống ở Tương Bình Hiệp là một điểm nhấn độc đáo trong việc sử dụng sản phẩm truyền thống để tạo nên một linh vật đầu năm đầy ý nghĩa, thu hút sự quan tâm của người dân địa phương và du khách.

Rồng - nguồn cảm hứng sáng tạo trong mỹ thuật Việt - Ảnh 2.

Bức tranh rước rồng cổ (bên trái) và rước rồng mới. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Tại tỉnh Phú Yên, đường hoa Xuân Giáp Thìn và linh vật rồng với chủ đề "Xuân dân tộc", linh vật rồng được đặt ở các đại cảnh gồm cổng "Hội Long vân", cổng "Lưỡng Long chầu nguyệt"… thu hút sự quan tâm của công chúng.

Tại thành phố Huế, linh vật rồng được lấy cảm hứng thiết kế từ "Ấn Quốc gia tín bảo" - bảo vật hoàng cung Triều Nguyễn với dáng rồng bay lên, mang khí thế hiên ngang, ung dung tự tại, như một lời cầu chúc cho một năm mới tốt lành, phát triển và bứt phá.

Hưởng ứng xu thế chế tạo linh vật rồng đón Xuân, nhiều nghệ nhân đã tạo tác hình tượng con rồng từ cây cảnh, thu hút sự quan tâm của người dân. Đó là nghệ nhân Nguyễn Văn Hải (ở xã Hải Bắc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) với mô hình linh vật rồng dài 20m làm từ cây duối, do ông tự tay cắt tỉa, uốn cành và tạo khung. Đầu rồng có 4 râu, 2 sừng và bờm. Mắt rồng hướng về viên ngọc phía trước, miệng há với ý nghĩa "rồng phun châu, nhả ngọc" mang lại may mắn, tài lộc trong năm mới.

Nhiều nhà vườn trồng quất cảnh đã chế tạo hình những câu quất, quýt cảnh có hình con rồng với những thế khác nhau như rồng bay, rồng uốn, lượn với nhiều hình thù độc, lạ tung ra thị trường, phục vụ nhu cầu của khách hàng. Có thể kể đến, nghệ nhân Trương Ngọc Xuân (Đồng Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chỉnh sửa, tạo tác cặp cây quất rồng uốn, rồng lượn, hay nghệ nhân Trần Văn Ninh, Nguyễn Duy Tân, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre…

Theo họa sỹ Bằng Lâm, rồng là con vật không có trong đời thực nên các nghệ sỹ tạo hình rất thích sáng tạo. Họ được thoải mái tưởng tượng, bay bổng và đưa nhiều ý tưởng mới mẻ, kết hợp từ truyền thống đến hiện đại vào trong tác phẩm, qua đó, gửi lời chúc tốt lành, an vui và kỳ vọng thành công trong năm mới.

Nói về ý nghĩa của linh vật rồng, Tiến sỹ Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cho rằng, con rồng với những giá trị biểu trưng thẩm mỹ gắn với đời sống xã hội như một điềm lành. Trong di sản cung đình, con rồng biểu trưng cho quyền lực và gắn liền với hoàng đế… Khi thấy hình tượng rồng xuất hiện, đó là sự may mắn, sự trường tồn…

Họa sỹ Lê Thiết Cương cho rằng, từ xa xưa, rồng là con vật cùng một lúc mang hai biểu tượng, đó là biểu tượng của vương quyền trong thời phong kiến và biểu tượng tín ngưỡng, vì rồng nằm trong bộ tứ Long, Ly, Quy, Phượng. Rồng cũng là con vật mang biểu tượng của một trong 12 con giáp. Trải qua hơn 1.000 năm, với các thời kỳ từ Lý, Trần, Hồ, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Lê Mạt, Nguyễn, hình tượng rồng đã có nhiều thay đổi, từ tạo hình, bố cục đến chất liệu. Điều dễ nhận thấy là rồng thời Lý mượt mà, tinh tế, uốn lượn mềm mại. Rồng thời Trần nhìn bề mặt giống rồng thời Lý nhưng tinh thần thì khác, thô và khỏe hơn. Rồng thời Lê sơ chú trọng chi tiết, cụ thể, ít chất trang trí cách điệu. Rồng thời Mạc bỏ hẳn lối uốn khúc hình sin của thời Lý Trần, tuy ít uốn lượn nhưng vẫn mềm mại, tạo cảm giác mộc mạc giản dị. Rồng thời Lê Trung Hưng và Lê Mạt có hai đột phá là phần thân ở đoạn giữa, có thêm một nhịp võng xuống tạo thành hình yên ngựa, có hình mây lửa ở đuôi, bờm hoặc kết hợp rồng và những đám mây lửa hòa cùng nhau, rồng thời Nguyễn là vẻ đẹp của cầu kỳ, kỹ lưỡng, chau chuốt...

Cũng theo họa sỹ Lê Thiết Cương, cách thức thể hiện rồng qua các thời kỳ từ đục đẽo chạm khắc cho đến đúc, gò, đắp nổi và chủ yếu ở dạng phù điêu. Rồng có mặt ở trên tất cả các chất liệu, đá, đất nung, gỗ, gốm, đồng, sơn mài. Rồng có ở nhiều dạng bố cục, chữ nhật, tròn, lá đề, bán nguyệt. Phương pháp tạo hình rồng kết hợp với những đề tài khác cũng làm hình tượng rồng càng trở nên phong phú như cá hóa rồng (tháp Đăng Minh đời Trần, đình Lỗ Hạnh đời Mạc, đĩa gốm Chu Đậu thế kỷ XV...); Rồng hóa mây (lan can đá ở cổng vào Văn Miếu); Tiên nữ cưỡi rồng (đình Lỗ Hạnh thời Mạc và ở chùa Keo thời Lê Trung Hưng); Rồng ôm chữ Phúc (chùa Bối Khê, thời Lê Trung Hưng); Rồng ngậm chữ Thọ (đền Phú Đa, thời Lê Mạt); Rồng chầu chữ Phật (chùa Kim Liên, Tây Hồ thời Lê sơ); Lưỡng long chầu nhật rất phổ biến trên nóc đình chùa đền miếu… Từ những hình tượng con rồng trong truyền thống, trong di sản mỹ thuật xưa, các nghệ sỹ, nghệ nhân hôm nay đang tiếp tục sáng tạo những hình tượng, cùng rồng đi từ truyền thống đến hiện đại.

Tại Việt Nam, hình tượng rồng đã trở nên thân thuộc trong cuộc sống của người dân. Người ta dễ dàng nhận ra hình ảnh rồng trong không gian đình, chùa, miếu, lăng... Hình ảnh rồng không chỉ là biểu tượng về vẻ đẹp, là nguồn cảm hứng sáng tạo trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau, đó còn là biểu tượng truyền thống, là hồn của văn hóa Việt, tâm hồn Việt.

Phương Hà/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm