Dư luận quốc tế lên án Trung Quốc gây căng thẳng ở Biển Đông

09/05/2014 11:00 GMT+7 | Trong nước

Ngày 8/5, Bộ Ngoại giao Mỹ một lần nữa bày tỏ quan ngại về những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định tình hình căng thẳng hiện nay là do Trung Quốc gây ra.

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn phát biểu của Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf trong cuộc trả lời phỏng vấn tại trung tâm báo chí ở thủ đô Washington nhấn mạnh việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam là một hành động khiêu khích và vô cùng nguy hiểm, nó có thể dẫn đến những tính toán sai lầm và kéo theo các hành động khiêu khích khác, làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Những gì đã và đang diễn ra ở Biển Đông hoàn toàn trái ngược với những điều Mỹ mong muốn. Bà Marie Harf kêu gọi giải quyết căng thẳng và tranh chấp một cách hòa bình, đồng thời nhấn mạnh các tuyên bố chủ quyền phải dựa trên luật pháp quốc tế.

Cùng ngày, Hội Hữu nghị Italy-Việt Nam cũng lên án việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam là hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, làm gia tăng căng thẳng, đe dọa an ninh và hòa bình trong khu vực.

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, Hội Hữu nghị Italy-Việt Nam phản đối hành động đơn phương của Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan cùng toàn bộ tàu ra khỏi khu vực Hoàng Sa. Thông qua ấn phẩm Mekong cũng như trang web của mình, Hội sẽ đưa những thông tin cập nhật liên quan đến tình hình Biển Đông, những phân tích và tư liệu lịch sử nhằm chứng minh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam để người Italy hiểu hơn về vấn đề này.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, báo chí Đức ngày 8/5 tiếp tục đưa tin về hành động của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou-981 trong vùng biển của Việt Nam và triển khai hàng chục tàu hải quân hỗ trợ cho hành động khiêu khích này trên Biển Đông.

Tờ Deutsche Welle dẫn lời chuyên gia Ernest Bauer thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ cho rằng hành động đơn phương của Trung Quốc đã vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, đi ngược với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) mà Trung Quốc và các nước ASEAN ký năm 2002.

Cùng ngày, tờ Tagesschau dẫn lời Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales (Australia) cho rằng việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào Vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam là hành động gây hấn cao độ, đặc biệt khi có tới hơn 70 tàu các loại, từ tàu ngư chính nhỏ tới tàu hải quân, tham gia bảo vệ giàn khoan. Giáo sư Carl Thayer khẳng định đó là hành động bất hợp pháp.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm