Vụ bắt cóc ở Nigeria: Các nữ sinh trốn thoát vẫn còn hoảng sợ

12/05/2014 11:00 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - “Chúng tôi thà chết đi còn hơn. Chúng tôi chạy vào bụi rậm. Chỉ có chạy và chạy” – đó là lời của một trong số các nạn nhân bắt cóc may mắn trốn thoát những chiếc xe tải của lực lượng Hồi giáo cực đoan Boko Haram trong đêm định mệnh 14/4.

Với nỗi sợ hãi trong giọng nói và ánh mắt, nữ sinh giấu tên đã tường thuật lại cuộc trốn thoát về làng kéo dài đầy nguy hiểm và kịch tính đến nín thở.

Cô gái nói trong khi bốn bề tối đen như mực, cô và hai người bạn học khác đã lần theo hướng một đám cháy để tìm đường về nhà.

Trong cuộc trò chuyện cùng CNN, một nữ sinh khác cho biết cô vẫn chưa hết bàng hoàng bởi những gì đã xảy ra trong đêm 14/4. Khi được hỏi về những kẻ bắt cóc, cô gái không nói được gì ngoài câu: “Tôi cảm thấy rất sợ” vì chưa thể lấy lại bình tĩnh và quá hoảng loạn.

Hiện trường Trung học ở Chibok đã tạm ngưng hoạt động nhưng nữ sinh này nói nếu trường học mở cửa trở lại thì cô cũng không tiếp tục đi học vì nỗi ám ảnh kinh hoàng của vụ bắt cóc.

Phóng viên CNN (trái) đang phỏng vấn một trong các nữ sinh may mắn trốn thoát

Giới chức Nigeria cho biết các chiến binh Boko Haram đã bắt cóc 276 cô gái tại ngôi trường nội trú ở làng Chibok, bang Borno và biến mất trong một khu rừng.

Người dân sống gần rừng kể lại họ được cảnh sát địa phương báo rằng những kẻ khủng bố đang trên đường đến khu vực này và ngay sau đó, họ tiếp tục nhận được các cuộc điện thoại từ gia đình và bạn bè nạn nhân ở nhiều làng xung quanh về đoàn xe tải, xe bán tải và xe máy của các tay súng Boko Haram: “Họ đang đến chỗ bạn đấy. Hãy chạy đi!".

Dân địa phương cho biết cảnh sát đã gọi cho quân tiếp viện nhưng không một ai đến hỗ trợ. Tất cả mọi người, gồm cả cảnh sát đã phải chạy trốn vào bụi rậm trong cuộc tấn công táo bạo của lực lượng Hồi giáo cực đoan trong khi các nữ sinh không hay biết gì và vẫn đang ngủ trong ký túc xá.

Đây cũng chính là lí do chính quyền ông Goodluck Jonathan phải đối mặt với hàng loạt sự chỉ trích khi Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc chính phủ Nigeria không có đủ lực lượng quân đội để ngăn chặn cuộc tấn công.

Từ sau vụ bắt cóc táo bạo của các tay súng Boko Haram, rất nhiều trạm kiểm soát trên đường từ thủ đô Abuja đến Chibok đã được thành lập. Nhiều trạm được quân đội quản lý. Những trạm khác cũng được bảo vệ địa phương canh giữ với nhiều vũ khí.

Tại mỗi trạm kiểm soát, lực lượng an ninh sẽ hỏi về điểm đến của các hành khách qua trạm, kiểm tra phía trong xe và đôi khi sẽ yêu cầu xuất trình hộ chiếu.

Những người đàn ông ở từng khu vực có trạm kiểm soát làm việc cả ngày, thậm chí tuần tra an ninh suốt đêm. Mỗi người đều mang một con dao, một cây cung và mũi tên tẩm độc, hoặc một khẩu súng tự chế.

Nhiều người trong làng hy vọng điều này sẽ tạo áp lực lên chính phủ để các cơ quan điều tra hành động nhiều hơn trong việc giải cứu các cô gái.

Hôm 10/5, Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan bày tỏ ông đã rất lo lắng về tình hình các nữ sinh bị bắt cóc và cho biết chính quyền đã bắt đầu tiếp nhận sự hỗ trợ về lực lượng của các quốc gia khác, trong đó có Mỹ.

“Chúng tôi hứa với thế giới rằng các cô gái sẽ được quay trở về”, ông Jonathan khẳng định.

Giám đốc CIA John Brennan nói với kênh truyền hình Fusion rằng Hoa Kỳ đang làm “tất cả mọi thứ có thể” để xác định vị trí của các nạn nhân.

Các quan chức Mỹ và Anh ở Abuja đang nỗ lực trợ giúp chính phủ Nigeria tìm kiếm các cô gái, bao gồm tư vấn đàm phán với lực lượng Boko Haram và lên kế hoạch giải cứu các thiếu niên bị bắt cóc trong khi Trung Quốc và Pháp tuyên bố góp sức hỗ trợ. Ngoài ra, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng cam kết sẽ gửi một nhóm các chuyên gia chống khủng bố đến Nigeria.

Hải Yến
Theo CNN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm