Phòng, chống đuối nước cho trẻ em trong dịp hè

30/05/2023 13:26 GMT+7 | Bạn cần biết

Mỗi khi mùa hè đến, cụm từ "đuối nước" lại mang đến nỗi lo, sự ám ảnh cho các gia đình và cộng đồng. Vì vậy, chủ động giúp cho con em ứng phó với vấn đề này bằng cách nắm chắc những nguyên tắc để phòng, chống đuối nước là vô cùng cấp thiết.

Liên tiếp xảy ra các vụ trẻ em đuối nước

Vừa mới đầu hè, tại nhiều địa phương trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ trẻ em đuối nước thương tâm. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 trường hợp tử vong vì đuối nước, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tai nạn đuối nước là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với trẻ em. Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), trong 5 năm qua, số vụ tai nạn đuối nước chiếm tỷ lệ lớn chỉ sau sự cố, tai nạn liên quan đến cháy nổ. Nhưng số người thiệt mạng do đuối nước lớn hơn rất nhiều 8 loại hình sự cố tai nạn.

Phòng, chống đuối nước cho trẻ em trong dịp hè - Ảnh 1.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong 10 năm qua, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong 10 năm qua, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người, là một trong những nguyên nhân hàng đầu về tử vong ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi trên thế giới. Tại Việt Nam, hằng năm đều có nhiều trẻ em tử vong do đuối nước, thậm chí nhiều trẻ biết bơi vẫn tử vong do bơi tại khu vực nước sâu nguy hiểm, hoặc do cứu bạn. Các vụ trẻ em đuối nước xảy ra tập trung vào những tháng hè.

Theo ThS Nguyễn Hoàng Phương, chuyên gia Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, những năm qua, hoạt động dạy bơi cho trẻ đã được quan tâm và phát triển tại nhiều địa phương. Nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu thế nào được coi là biết bơi. Một số người cho rằng chỉ cần bơi được vài chục mét, hoặc có người hiểu đơn giản xuống nước không bị chìm là biết bơi. Trẻ cũng chưa nhận biết được những nơi, khu vực nguy hiểm, chưa có kỹ năng thoát hiểm khi gặp nạn...

Vì vậy, chủ động giúp cho con em ứng phó với vấn đề này bằng cách nắm chắc những nguyên tắc để phòng chống đuối nước là vô cùng cấp thiết.

Bộ Công an vừa đưa ra khuyến nghị các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ em, cứu người bị đuối nước, thoát nạn khỏi vùng nước xoáy.

Phòng, chống đuối nước cho trẻ em trong dịp hè - Ảnh 2.

Do thiếu sân chơi dịp hè, nhiều trẻ em ra suối chơi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN

Kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em

Đuối nước có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, kể cả những người bơi thành thạo cũng có thể bị đuối nước. Nếu không được cấp cứu kịp thời, xử lý đúng cách có thể để lại các tổn thương nặng nề lên tim, phổi, thần kinh, thậm chí gây ngừng tim, ngừng thở và tử vong.

Trẻ em có thể bị đuối nước ở bất cứ đâu, tại nhà, tại trường học, khi theo bố mẹ đi nghỉ mát, trên đường đi học về... Nhưng phổ biến nhất là trẻ rủ nhau tắm, khi một cháu bị đuối nước, các cháu còn lại tìm cách cứu nhau hoặc bám giữ nhau dẫn đến có vụ nhiều cháu tử vong một lúc.

Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới những tai nạn đuối nước thương tâm là do thiếu sự giám sát của người lớn, sự chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ...

Mặt khác, tai nạn đuối nước còn do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi. Thực tế đã ghi nhận những trường hợp trẻ đã biết bơi nhưng khi gặp tai nạn vẫn không thể tự cứu mình…

Vì vậy, theo các chuyên gia, trước hết phải dạy trẻ biết bơi. Cùng với việc học bơi, cần dạy kỹ năng an toàn cho trẻ.

Đó là dạy cho các em các kiến thức an toàn khi tham gia môi trường nước và nhận biết môi trường nước nguy hiểm để không xuống chơi, xuống bơi. Hoặc giúp các em có kỹ năng nhận biết vùng nước sâu, nguy hiểm để phòng tránh.

- Kỹ năng thoát nạn khỏi vùng nước xoáy

+ Nhận biết dòng nước xoáy

Dòng nước xoáy là một dòng nước chảy mạnh từ bờ ra biển. Nguyên nhân của hiện tượng này là do khi sóng biển liên tục đưa nước vào bờ, sẽ tạo thành một dòng xoáy chảy mạnh ngược từ bờ ra biển.

Thông thường dòng xoáy ở biển hình thành dưới mặt nước, có màu xanh thẫm (do có độ sâu hơn vùng xung quanh). Trên bề mặt nước khu vực này thường không có sóng "bạc đầu" xô vào bờ.

Phòng, chống đuối nước cho trẻ em trong dịp hè - Ảnh 3.

Hướng dẫn cho học sinh các động tác bơi. Ảnh: Danh Lam-TTXVN

+ Đặc điểm dòng nước xoáy

Dòng xoáy ở biển rất nguy hiểm, vận tốc dòng chảy có thể đạt đến 2,5m/giây, chiều rộng từ 1- 3m, chiều dài dòng chảy có thể đạt đến vài chục mét. Với vận tốc này thì khó ai có thể bơi ngược dòng chảy này để vào bờ. Trên thực tế, rất nhiều người bị hoảng loạn khi gặp tình huống này và đã cố bơi ngược trở lại vào bờ, tuy nhiên với cách này hầu hết mọi người đều bị chết đuối.

- Kỹ năng thoát hiểm

Khi đang tắm biển mà gặp phải vùng xoáy, dòng chảy mạnh mọi người cần lưu ý và thực hiện một số thao tác sau:

+ Hãy cố gắng giữ bình tĩnh và hiểu rằng, dòng nước không cuốn bạn chìm xuống đáy mà chỉ kéo bạn ra xa bờ thôi. Tuyệt đối không bơi ngược dòng chảy;

+ Đối với người biết bơi: Hãy bơi ngang hoặc theo hướng chéo xuôi theo dòng chảy và dần tách ra khỏi dòng chảy, sau đó bơi vòng cung dần tiến vào bờ;

+ Đối với người không biết bơi hoặc đã đuối sức: Hãy thả lỏng và giữ cho cơ thể nổi, trôi theo dòng chảy. Đến khi thấy dòng chảy đã yếu thì cố gắng bơi chéo tách khỏi dòng chảy và bơi vòng vào bờ hoặc ra hiệu cho cứu hộ hoặc mọi người ứng cứu.

Để phòng chống đuối nước với trẻ em, chuyên gia khuyến nghị, các địa phương cần rà soát các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ để chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong dịp nghỉ hè, mùa mưa bão và mùa nước nổi.

Phòng, chống đuối nước cho trẻ em trong dịp hè - Ảnh 4.

Các em học sinh tham gia học bơi, phòng chống đuối nước. Ảnh: Thanh Tuấn - TTXVN

Cụ thể, cần làm rào chắn, biển cảnh báo tại hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm... để nhắc nhở và cảnh báo trẻ em. Các dụng cụ chứa nước trong gia đình phải có rào chắn, nắp đậy.

Các trường phổ thông cần đưa nội dung về phòng, chống đuối nước, thương tích ở trẻ em vào nhắc nhở thường xuyên trong các buổi sinh hoạt ở lớp, sinh hoạt chào cờ.

Các khu vực bơi công cộng phải được giám sát bởi nhân viên cứu hộ được huấn luyện về các kỹ thuật cứu hộ.

Kiến thức cứu và sơ cứu ban đầu cho người bị đuối nước

Tuỳ vào tình hình thực tế và năng lực của mỗi cá nhân mà có phương pháp, biện pháp cứu người bị đuối nước sao cho phù hợp. Để đảm bảo vừa cứu được người bị nạn và vừa an toàn cho người ứng cứu, chúng ta có thể chia ra một số trường hợp sau:

- Trường hợp người tham gia cứu nạn không biết bơi hoặc biết bơi nhưng không đủ khả năng trực tiếp cứu người bị nạn:

Khi người tham gia cứu nạn không biết bơi thì cần phải bình tĩnh suy xét và nhanh chóng quan sát xung quanh tìm những vật có khả năng cứu người như cành cây, can nhựa, phao cứu sinh, dây thừng hoặc các vật thể nổi khác; sau đó đưa (hoặc quăng) các vật dụng đó đến vị trí người bị nạn để họ bám, víu rồi kéo dần người bị nạn vào bờ. Cụ thể như sau:

+ Trường hợp nạn nhân ở gần bờ, người cứu nạn có thể sử dụng tay hoặc cành cây để kéo nạn nhân lên bờ;

+ Trường hợp vị trí của nạn nhân ở cách xa bờ, không thể sử dụng tay hoặc cành cây để cứu, khi đó có thể sử dụng các vật như phao tròn, dây thừng…, nhanh chóng quăng đến vị trí người bị nạn để họ có thể bám vào phao, dây và bơi dần vào bờ;

+ Trong trường hợp người bị nạn ở quá xa bờ, vượt khỏi tầm quăng đến của các phương tiện cứu nạn như dây thừng, phao kéo… thì người cứu phải bằng mọi cách hô hoán, gọi cứu trợ để cứu người bị nạn một cách nhanh nhất có thể.

Phòng, chống đuối nước cho trẻ em trong dịp hè - Ảnh 5.

Cách sơ cứu đúng khi bị đuối nước. Nguồn: Suckhoedoisong.vn

- Khi người cứu nạn biết bơi nhưng chưa có kỹ năng cứu đuối nước, để cứu được nạn nhân, người cứu nạn phải thực hiện một số bước sau:

+ Sử dụng phao tròn (phao có dây kéo thì càng tốt) hoặc các vật thể nổi khác để bơi ra gần nạn nhân. Nếu nạn nhân còn tỉnh táo thì ra ký hiệu cho nạn nhân bám vào phao rồi sau đó vừa bơi vừa kéo phao đưa nạn nhân vào bờ. Trường hợp nạn nhân đã đuối sức, người cứu nạn nên tiếp cận nạn nhân từ phía sau, đưa phao (hoặc vật thể nổi) ra phía trước mặt nạn nhân, dùng 2 tay luồn dưới 2 nách nạn nhân từ sau ra trước và bám vào phao đã đặt phía trước, giữ cho đầu nạn nhân nổi và sau đó bơi ngửa đưa nạn nhân vào bờ.

+ Trong trường hợp không có phao hoặc các vật thể nổi, người cứu nạn có thể sử dụng một sợi dây thừng buộc quanh eo mình và để dư một đoạn có độ dài nhất định để cho nạn nhân bám vào (chiều dài phần dây dư khoảng từ 3 đến 5 mét), đầu dây còn lại sẽ được cố định vào một điểm chắc chắn trên bờ hoặc do một người trên bờ giữ đầu dây. Khi bơi gần đến vị trí nạn nhân hãy hô to hoặc ra ký hiệu và quăng đầu dây đã để dư cho người bị nạn cầm, sau đó ra ký hiệu cho người trên bờ kéo dây vào hoặc người cứu nạn vừa bơi vừa co dây kéo theo nạn nhân di chuyển dần dần vào bờ.

Lưu ý: Trong mọi trường hợp cứu đuối nước, nếu nạn nhân đang vùng vẫy mạnh thì người cứu nạn tuyệt đối không được trực tiếp ôm nạn nhân và không để nạn nhân bám vào người mình. Vì khi đó, nạn nhân đang bị hoảng loạn sẽ ôm và siết chặt có thể làm cho cả nạn nhân và người cứu nạn cùng bị đuối nước.

- Trường hợp người cứu nạn biết bơi và có kỹ năng cứu đuối nước:

+ Người cứu nạn sẽ bơi tiếp cận từ phía sau nạn nhân, nếu nạn nhân nằm sấp thì tiến hành lật ngửa nạn nhân để phần mặt nhô cao hơn mặt nước. Tiếp đó, dùng 2 tay xốc vào nách nạn nhân từ phía sau rồi bơi ngửa đưa nạn nhân vào bờ.

Ngoài ra, người cứu nạn có thể dùng 2 tay ôm chặt 2 bên đầu nạn nhân, giữ cho nạn nhân nằm ngửa phần mặt nạn nhân nhô cao hơn mặt nước, người cứu bơi ngửa để đưa nạn nhân vào bờ.

+ Trong một số trường hợp khi nạn nhân gần chìm, tuỳ vào tình hình thực tế mà người cứu nạn có thể nắm cổ áo, nắm tóc nạn nhân từ phía sau và sử dụng kiểu bơi ếch nghiêng để kéo nạn nhân vào bờ. Lưu ý trong tất cả các trường hợp phải giữ cho mặt nạn nhân luôn ngửa và nổi trên mặt nước.

Phương Phương/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm