Phi công Mỹ lật tẩy F-22

12/05/2012 11:31 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Các phi công Mỹ đã lần đầu tiên công khai nói rằng họ không chỉ cảm thấy sợ hãi trong việc điều khiển F-22 Raptor, loại máy bay chiến đấu được xem là hiện đại và đắt nhất trong lịch sử nước Mỹ, mà còn bị quân đội tìm cách bịt miệng để ngăn họ không nói ra khiếm khuyết của thứ vũ khí vẫn được tâng bốc lên tận mây xanh này.

Những nhân vật dũng cảm này là phi công lái F-22 Josh Wilton và Jeremy Gordon.

Nỗi sợ mang tên F-22

Tuần trước, cả hai đã xuất hiện trong chương trình 60 phút của Đài truyền hình CBS để nói về nỗi thống khổ của các phi công F-22.

Họ cho biết bất chấp việc Không lực quảng bá F-22 bằng những mỹ từ lấp lánh, chiếc máy bay này có vấn đề liên quan tới hệ thống cung cấp dưỡng khí và đây là nguyên nhân gây ra cái chết của 1 phi công, khiến một người gần chết và khoảng một chục người khác đã lâm vào những tình huống thực sự hoảng sợ.

Cả hai nằm trong số ít các phi công F-22 đã từ chối bay F-22 và bị đe dọa. Gordon kể rằng 2 tuần sau khi từ chối bay F-22, anh đã bị triệu tập lên một ủy ban quân sự gồm nhiều sĩ quan cao cấp. "Tôi được người ta yêu cầu đưa ra quyết định ngay trong ngày, hoặc bay tiếp hoặc đi tìm việc khác" - Gordon nói.

"Đã có nhiều phi đội xin từ bỏ việc lái máy bay F-22 và đã có những lời đe dọa trả đũa" - Wilson cho biết - "Đã có những đe dọa về việc đánh giá năng lực phi công, trong đó người ta úp mở về việc tước đi đôi cánh của chúng tôi và bắt chúng tôi làm công việc tạp vụ. Và trong trường hợp của tôi là bị đuổi khỏi Không lực".

Cần biết rằng Wilson và Jeremy Gordon là những phi công dày dạn kinh nghiệm của lực lượng không quân Vệ binh Quốc gia ở Virginia. Cả hai được sự đảm bảo của nghị sĩ Adam Kinzinger để nói ra sự thực liên quan tới F-22.

Giới chức Không lực Mỹ và tập đoàn Lockheed Martin, nơi sản xuất những chiếc F-22, đã từ chối tham gia vào cuộc phỏng vấn trực tiếp với ABC News. Nhưng tuần trước, Không lực Mỹ có ra thông báo nói rằng an toàn là ưu tiên số 1 của họ. Không lực cũng khẳng định các "trường hợp trong đó phi công bộc lộ dấu hiệu ngạt thở khi bay" là rất hiếm gặp, chỉ vài chục trường hợp trên hàng ngàn giờ bay an toàn.

F-22 - sức mạnh thực sự hay cỗ máy giết phi công?

Hiện đại tối tân... nhưng chỉ để khoe mẽ

Tuần trước, Không lực Mỹ cũng chính thức nhận chiếc F-22 cuối cùng từ Lockheed Martin, qua đó hoàn tất đơn đặt hàng 187 chiếc máy bay chiến đấu thế hệ 5.

F-22 Raptor là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Mỹ và cũng là chiếc máy bay thế hệ thứ 5 duy nhất nằm trong trang bị chính thức của một quân đội trên thế giới. Đặc điểm nổi bật của F-22 là khả năng tàng hình, có được nhờ sử dụng thiết kế phản xạ sóng ra-đa, vật liệu hấp thụ sóng ra-đa, hình dáng ống xả động cơ giúp giảm yếu tố nhận dạng nguồn nhiệt và phát ra tiếng ồn thấp khi hoạt động.

Với tốc độ bay hành trình tối đa lên tới Mach 1,82 (1.932km/h), F-22 được đánh giá là rất cơ động, ở cả tốc độ siêu âm và dưới âm. F-22 giấu vũ khí trong thân để giảm sự phản xạ tín hiệu ra-đa. Nó sử dụng tên lửa tầm xa AIM-120 và tầm ngắn AIM-9 Sidewinder, bên cạnh khả năng mang bom có điều khiển JDAM và nhiều bom thông thường.

Khi xài hết tên lửa, máy bay sẽ có thể dùng tới vũ khí tự vệ cuối cùng là một khẩu pháo M61A2 Vulcan 20 mm với 480 viên đạn, đủ cho 5 loạt bắn.

Với ngần ấy tính năng ưu việt, F-22 được Không lực Mỹ quảng bá là chiếc máy bay chiến đấu hiện đại và mạnh nhất thế giới hiện nay, không có đối thủ xứng tầm.

Nhưng mức giá của nó có thể khiến người ta phải lắc đầu lè lưỡi. Theo tính toán của Phòng Thống kê Chính phủ Mỹ (GAO) công bố tháng 4 năm nay, chương trình F-22 có chi phí 79 tỉ USD tiền đóng thuế của dân. Điều này có nghĩa nếu tính cả quá trình nghiên cứu, phát triển và sản xuất, mỗi chiếc máy bay có mức giá lên tới 420 triệu USD, đắt nhất trong lịch sử Mỹ.

Nhưng dù hiện đại tối tân, F-22 chưa một lần tham chiến. F-22 không xuất hiện ở Iraq, Afghanistan và Libya. Và chiếc máy bay siêu hiện đại, siêu đắt này hóa ra chỉ được dùng để người Mỹ... khoe mẽ rồi lại "đắp chiếu".

Khiếm khuyết chết người

Dù được tung lên mây xanh, F-22 vẫn là thứ vũ khí có khiếm khuyết.

Hiện F-22 có tỉ lệ tai nạn cao nhất trong tất cả các máy bay của Không lực Mỹ đang sử dụng, với 4 chiếc đã bị rơi và 2 phi công tử nạn.

Vụ tai nạn mới nhất xảy ra ngày 16/11/2010 làm đại úy Jeffrey Haney thiệt mạng. Cái chết của Jeff Haney gây rất nhiều tranh cãi. Haney đang điều khiển F-22 bay huấn luyện ở Alaska hồi tháng 11/2010, khi lỗi hệ thống đã cắt đứt hoàn toàn nguồn dưỡng khí của anh.  Haney không phát ra một tín hiệu cảnh báo nào khi chiếc máy bay của anh bổ nhào và chỉ chưa đầy một phút sau, nó đã đâm xuống mặt đất với tốc độ siêu âm.

Sau cuộc điều tra kéo dài, Ủy ban điều tra tai nạn của Không lực chẳng tìm thấy nguyên nhân nào gây ra sự cố trong hệ thống cung cấp dưỡng khí của máy bay. Họ kết luận Haney là người phải chịu trách nhiệm gây ra tai nạn, bởi anh đã quá để ý tới vấn đề dưỡng khí và không lái máy bay theo những gì được huấn luyện.

Nhưng chị gái của Haney, Jennifer, nói với ABC News rằng em cô đã ngất xỉu khi cố gắng cứu lấy bản thân. Bằng cách đổ lỗi cho anh, Không lực muốn đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận tới khiếm khuyết bí ẩn của F-22.

Được biết, kể từ năm 2008, có ít nhất 25 trường hợp phi công F-22 đã báo cáo về việc mắc phải các triệu chứng giống như ngạt thở khi đang bay. Trong một trường hợp như thế, một viên phi công thậm chí đã mất khả năng điều khiển máy bay, để nó tụt xuống thấp tới mức phạt vài ngọn cây, trước khi anh lấy lại được sự kiểm soát và trở về căn cứ an toàn. Năm ngoái, Không lực Mỹ đã đình chỉ hoạt động của những chiếc F-22 trong gần 5 tháng để điều tra. Nhưng tới nay vẫn chẳng có ai biết sự cố nằm ở đâu.

Tường Linh (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm