Phát triển thương hiệu 'Huế - Kinh đô áo dài' (kỳ 1): Những dấu ấn của 3 năm và… gần 300 năm

11/07/2023 11:15 GMT+7 | Văn hoá

(LTS) Cuối tuần qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức hội thảo khoa học Hướng phát triển của áo dài trong đời sống đương đại. Đây được coi là bước tiến tiếp theo kể từ hội thảo khoa học Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam được tổ chức cách đây 3 năm (9/7/2020), đặc biệt là sau khi tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành Quyết định phê duyệt đề án Huế - Kinh đô áo dài vào tháng 3 vừa qua.

Nhân dịp này, Thể thao và Văn hóa xin giới thiệu loạt bài viết của họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm Trung tâm Hỗ trợ và phát triển áo dài ngũ thân truyền thống - CLB Đình làng Việt.

Những dấu ấn của "Kinh đô áo dài"

Ngày 29/3/2023 vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt đề án Huế - Kinh đô áo dài. Đây là nỗ lực hướng tới mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị áo dài truyền thống Huế, hình thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc. Đề án là tiền đề để triển khai có hiệu quả hoạt động quảng bá, tôn vinh áo dài Huế, thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển, khẳng định áo dài Huế - áo dài Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, hướng đến phát triển thương hiệu Huế - Kinh đô áo dài.

Trong lịch sử phát triển của áo dài, chúng ta có thể thấy những mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời cũng như biến đổi của trang phục áo ngũ thân tay chẽn (mà sau này còn gọi là áo dài):

1. Năm 1744: Chúa Nguyễn Phúc Khoát cải cách trang phục Đàng Trong, quy định người Đàng Trong mặc áo ngũ thân.

2. Năm 1827- 1837: Vua Minh Mạng cải cách trang phục trên toàn quốc, thống nhất áo ngũ thân phổ biến mặc trong toàn cõi Việt Nam.

3. Từ năm 1930 - 1940: Họa sĩ Cát Tường - Lê Phổ cách tân áo ngũ thân nữ.

4. Năm 2020 đến nay: Huế phục hưng áo ngũ thân và có đề án Huế - Kinh đô áo dài.

Phát triển thương hiệu 'Huế - Kinh đô áo dài' (kỳ 1): Những dấu ấn của 3 năm và… gần 300 năm - Ảnh 1.

Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, tác giả bài viết, trong trang phục áo dài ngũ thân tại hội thảo. Ảnh: Bảo Minh

Trước năm 2020, phong trào may, mặc áo dài ngũ thân đã được khởi động bởi những hội, nhóm,cá nhân nhưng chưa thực sự lan tỏa mạnh mẽ và tác động tới nhận thức của xã hội. Từ hội thảo khoa họcHuế - Kinh đô áo dài Việt Nam (UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức vào 9/7/2020) và đặc biệt, sự kiện cán bộ công chức Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế hưởng ứng mặc áo ngũ thân chào cờ đầu tháng (7/9/2020) đã tạo tiếng vang quan trọng tới đông đảo người dân trong và ngoài nước. Ít nhiều, tiếng vang này đã khiến mọi người phải tìm hiểu về áo ngũ thân - gốc của áo dài hiện đại ngày nay.

Trong bối cảnh hiện nay, khi trang phục áo dài Việt Nam đang có xu hướng xa rời bản sắc văn hóa Việt, đề án Huế - Kinh đô áo dài là một cuộc chấn hưng trang phục truyền thống Việt Nam. Không những nâng cao nhận thức về giá trị di sản văn hóa của áo dài, đề án còn là động lực phát triển kinh tế của Thừa Thiên - Huế.

Chuyển biến trong nhận thức

Tại hội thảo năm 2020, chúng ta còn bàn đến vấn đề "đâu mới là áo ngũ thân chuẩn" với những tranh luận gay gắt của các nhà nghiên cứu. Nhưng tới nay, mọi việc đã sáng tỏ. "Trong những năm gần đây, nhiều hội thảo về áo dài đã được Trung ương và tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức, đã góp phần làm sáng rõ giá trị văn hóa của áo dài Huế, khẳng định Thừa Thiên - Huế là vùng đất gắn bó với quá trình hình thành, bảo tồn và phát huy giá trị áo dài truyền thống Huế" (Đề án Huế - Kinh đô áo dài).

Không những vậy, nhiều tư liệu, hình ảnh về áo ngũ thân được công bố rộng rãi trên internet. Trong gia đình, dòng tộc các tư liệu, hiện vật gốc về áo ngũ thân cũng được mọi người quan tâm và công bố rộng rãi. Đây là minh chứng cho tác động của Huế - Kinh đô áo dài tới nhận thức của cộng đồng về một di sản quý cần được bảo tồn.

Cùng với đó là sự chuyển biến trong nhận thức về giá trị thẩm mỹ của áo dài, đặc biệt là áo dài của nam giới. Cũng tại hội thảo Huế  - Kinh đô áo dài Việt Namnăm 2020, đại biểu tham dự vận nhiều loại trang phục áo dài khác nhau như áo ngũ thân, áo dài cách tân theo kiểu Ấn Độ, áo dài may theo kiểu sân khấu, áo sơ mi… Nhưng chỉ ít tháng sau, tại Tọa đàm Phục hưng Quốc phục Việt và đưa áo dài truyền thống vào cuộc sống đương đại (19/12/2020) đã vắng bóng những trang phục khác kiểu, thay vào đó là áo ngũ thân.

Phát triển thương hiệu 'Huế - Kinh đô áo dài' (kỳ 1): Những dấu ấn của 3 năm và… gần 300 năm - Ảnh 2.

Biểu đồ lịch sử của áo dài

Tới hội thảo Phát huy giá trị áo dài thời Nguyễn trong đời sống đương đại, xây dựng Huế trở thành Kinh đô áo dài Việt Nam (22/12/2022), áo ngũ thân đã được các đại biểu chọn sử dụng mặc tham dự, không khí hội thảo đậm chất truyền thống.

Không chỉ ở Huế, tại các sự kiện văn hóa quan trọng trong nước, hình ảnh trang phục áo ngũ thân đã hiện diện nhiều hơn, ngày càng đúng và đẹp hơn. Thông qua các kênh truyền thông, áo ngũ thân đã được nhiều người biết đến và tìm may, mặc - đặc biệt là áo ngũ thân dành cho nam giới.

Nhiều kênh truyền thông lớn đã lựa chọn tuyên truyền, đưa hình ảnh áo ngũ thân đến với công chúng, và không thể thiếu thông tin về áo ngũ thân ở Huế cùng phòng trào Huế mặc áo dài ngũ thân. Từ Huế, trào lưu này đã tác động đến truyền thông và nhận thức của xã hội về giá trị áo dài. Tên áo ngũ thân đã dần thành tên thường gọi của nhiều người.

Hiện nay, trong các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng và các sự kiện quan trọng khác, áo ngũ thân đã được lựa chọn sử dụng nhiều hơn và đang trở thành xu hướng mới của giới trẻ. Tại Huế, lượng du khách thuê trang phục truyền thống để tham quan di tích và chụp ảnh đã tăng lên rất nhiều so với thời điểm trước năm 2020. Tại Hà Nội, du khách trẻ tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long cũng thích lựa chọn trang phục truyền thống. Bạn trẻ cả nước khi chụp ảnh kỷ yếu phần nhiều cũng lựa chọn trang phục truyền thống, dần thay thế các trang phục khác.

Tại nhiều sự kiện nghệ thuật giải trí, sự kiện quảng bá văn hóa, du lịch… người tổ chức cũng đã dần thay thế các trang phục áo dài cách tân bằng trang phục áo ngũ thân.

Điển hình, ngày 2/10/2022, trong chương trình Chung kết Đường lên đỉnh Olympia tại Thái Bình, ê kíp thực hiện của VTV3 đã sử dụng 300 bộ áo ngũ thân và tạo hiệu ứng tích cực tới các học sinh, sinh viên, thầy cô giáo và phụ huynh xem chương trình. Điều này cũng cho hiệu quảcủa việc sử dụng trang phục đúng truyền thống trong các chương trình văn hóa nghệ thuật.

Tại Huế, từ năm 2020, nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế đã đưa áo ngũ thân làm trang phục biểu diễn. Ngoài những tác phẩm kịch đòi hỏi trang phục phù hợp với bối cảnh lịch sử, có thiết kế riêng thì ở các tiết mục âm nhạc, nghệ sĩ của Nhà hát cũng sử dụng trang phục áo ngũ thân để biểu diễn. Theo lãnh đạo Nhà hát, từ khi sử dụng áo ngũ thân làm trang phục biểu diễn thay cho các loại áo dài hiện đại, anh em nghệ sĩ nhận được sự quan tâm và cổ vũ của khán giả nhiều hơn. Sau mỗi chương trình, khán giả thường xin chụp ảnh chung và hỏi thăm về áo ngũ thân, cũng như nơi may trang phục này.

Vừa qua, chúng tôi cũng may mắn được tư vấn cho các đoàn nghệ thuật của Đại học FPT, Nhạc viện TP.HCM thay đổi trang phục biểu diễn âm nhạc dân tộc. Khi mặc áo ngũ thân biểu diễn, trang phục và âm nhạc truyền thống đã hòa quyện vào nhau khiến khán giả thích thú khi thưởng thức.

Qua câu chuyện này, chúng ta thấy rõ hiệu quả của trang phục này trên sân khấu, thấy rõ vai trò và sự ảnh hưởng của các nghệ sĩ trong việc quảng bá trang phục truyền thống.

Chỉ hơn 3 năm, với sự nỗ lực của Sở VH,TT Thừa Thiên Huế, sự đồng lòng của các cấp lãnh đạo tỉnh cũng như cộng đồng, việc phục hưng trang phục áo dài ngũ thân truyền thống đã đạt được những thành tựu rất to lớn. Không chỉ là phong trào hay khẩu hiệu, tác động tích cực của Đề án Huế - Kinh đô áo dài đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người trong và sau đại dịch Covid-19.

Từ câu chuyện áo dài ở Huế, nhận thức của cộng đồng về trang phục truyền thống - di sản cha ông đã có sự thay đổi. Từ đề án Huế - Kinh đô áo dài, chúng ta thấy rõ sự tiên phong, thể hiện vai trò định hướng của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, cụ thể là lãnh đạo, cán bộ công chức Sở VH,TT Thừa Thiên - Huế cùng một số sở, ngành của tỉnh. Ngoài xây dựng và hoàn thiện thể chế, cán bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế còn đi đầu trong việc mặc, vận động quảng bá giá trị áo ngũ thân. Sự lan tỏa này không chỉ trong Sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, mà đã lan tỏa rộng khắp.

"Không chỉ riêng ở Huế, tại các địa phương, nhiều nhà may áo dài đã bổ sung áo ngũ thân làm sản phẩm của mình. Các sản phẩm này dần dần điều chỉnh theo dáng áo ngũ thân truyền thống thời Nguyễn" - họa sĩ Nguyễn Đức Bình.

(còn tiếp)

Nguyễn Đức Bình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm