Phát triển bền vững đất nước bằng động lực văn hóa…

04/01/2024 08:43 GMT+7 | Văn hoá

Ngành văn hóa cần tự tin hơn, bản lĩnh hơn, mạnh mẽ hơn để phát huy tối đa sức mạnh của nền văn hóa, vượt qua những thách thức để tăng tốc phát triển nhanh và bền vững trong lĩnh vực này. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 với chủ đề "Phát huy vai trò động lực của văn hóa, thể thao và du lịch đối với sự phát triển bền vững đất nước".

Hội nghị do Bộ VH,TT&DL tổ chức sáng 3/1 theo hình thực trực tiếp và trực tuyến đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tiếp tục có những biến chuyển tích cực trong văn hóa

Báo cáo tổng kết nhiệm vụ năm 2023, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng đánh giá: Năm 2023 - năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm từ 2021 tới 2025 - đã đi qua với nhiều dấu ấn về kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa của đất nước.

Phát triển bền vững đất nước bằng động lực văn hóa… - Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN

Ngành văn hóa đã bám sát phương châm hành động của Chính phủ năm 2023 "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả", phương châm của ngành "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến" được đề ra từ đầu nhiệm kỳ, tiếp tục thay đổi căn bản, toàn diện tư duy "làm văn hóa" sang "quản lý Nhà nước về văn hóa", tiếp tục có những chuyển biến tích cực và đạt được kết quả quan trọng trên một số phương diện.

Theo đó, toàn ngành đã chủ động rà soát các "khoảng trống" trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch để tham mưu đề xuất Chính phủ, Quốc hội nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước thông qua công cụ pháp luật, đồng thời "khơi thông" nguồn lực, "kiến tạo" sự phát triển mà điểm nhấn quan trọng được Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội giao chủ trì xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển bền vững đất nước bằng động lực văn hóa… - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TTXVN

Toàn ngành đã tập trung tham mưu trúng, đúng, kịp thời cho cấp ủy Đảng trong việc cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về văn hóa. Chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam với 3 nội hàm "Dân tộc, Khoa học và Đại chúng" được lan tỏa, các thành tố về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới được lượng hóa, để vận dụng trong quá tình thực hiện, được nhiều tỉnh thành làm cơ sở trong xây dựng ban hành nghị quyết chuyên đề về văn hóa để có thể nhận định: Nhận thức về văn hóa đã có sự thay đổi theo hướng tích cực và cho phép kỳ vọng "Nhận thức đúng sẽ hành động đẹp".

Ngoài ra, ngành văn hóa cũng quan tâm mạnh mẽ hơn tới việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Điểm nhấn là với sự quan tâm, chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam lần thứ nhất đã thành công, làm cơ sở cho việc đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành chiến lược mới về phát triển công nghiệp văn hóa trong giai đoạn tới.

"Công tác xây dựng môi trường văn hóa gắn với xây dựng con người văn hóa đã đi đúng hướng, lấy địa bàn cơ sở làm trọng tâm, nhân dân là chủ thể để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa" - Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng.

"Văn hóa là sức mạnh nội sinh của một dân tộc"

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Những năm gần đây, vai trò, vị trí của ngành VH,TT&DL được nâng lên cả về nhận thức và hành động. Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định: Văn hóa là sức mạnh nội sinh của một dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa soi đường cho quốc dân đi, văn hóa mang tính dân tộc, khoa học và đại chúng, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội…

Phát triển bền vững đất nước bằng động lực văn hóa… - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khai mạc hội nghị. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, Thủ tướng đã chỉ rõ 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024 với ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Cụ thể, ngành văn hóa cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, tập trung triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nuớc về văn hóa, nhất là kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; quyết tâm tạo đột phá trong công tác thể chế hóa, hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển VH,TT&DL; Chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa.

Phát triển bền vững đất nước bằng động lực văn hóa… - Ảnh 5.

Thủ tướng Phạm Minh Chính xem biểu diễn một số loại hình văn hoá truyền thống dân tộc. Ảnh: TTXVN

Ngoài ra, ngành văn hóa cũng cần tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản, văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, khai thác di sản; từng bước giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; đa dạng hóa các hình thức truyền thông, giáo dục về di sản; Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn để phát triển văn hóa, thể thao và du lịch nhanh và bền vững.

Phát triển bền vững đất nước bằng động lực văn hóa… - Ảnh 6.

Phấn đấu năm 2024, ngành Du lịch đón và phục vụ 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 110 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ du lịch ước đạt 850 nghìn tỷ đồng. Ảnh: TTXVN

Liên quan đến lĩnh vực du lịch, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho ngành văn hóa cần tổ chức đánh giá, tổng kết việc thi hành Luật Du lịch 2017; sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đổi mới mạnh mẽ phương thức, nội dung xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm tăng cường kết nối hạ tầng dịch vụ, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm, giữ khách du lịch; phấn đấu năm 2024, ngành du lịch đón và phục vụ 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế,110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch ước đạt 850 nghìn tỷ đồng.

Phát triển bền vững đất nước bằng động lực văn hóa… - Ảnh 7.

Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã thông qua hồ sơ đề cử, công nhận Quần thể Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng cũng chỉ đạo cần quan tâm hơn nữa việc chăm lo đời sống, động viên tinh thần, hỗ trợ vật chất thiết thực; phát triển nguồn nhân lực, con người cho lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; đồng thời nghiên cứu, hoàn thiện chính sách lâu dài, phù hợp đối với các văn nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên và người làm việc trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch, tạo điều kiện tốt nhất để họ yên tâm công tác, cống hiến.

Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết quốc gia, liên kết quốc tế với phương châm "một cung đường, nhiều điểm đến", xây dựng "con đường di sản quốc gia, "con đường di sản quốc tế", quan tâm kết nối thể thao "con người với con người, từ trái tim đến trái tim"; quan tâm tiếp cận bình đẳng thể thao, du lịch nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, toàn thể những người làm công tác văn hóa, thể thao và du lịchsẽ phát huy truyền thống tốt đẹp, kết quả đã đạt được, tiếp tục chung sức, đoàn kết, đồng lòng; kỷ luật hơn, quyết tâm hơn, đổi mới sáng tạo hơn nữa, cống hiến nhiều hơn nữa; xứng đáng là những "chiến sĩ xung kích" trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, vì mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Một vài điểm nhấn nổi bật của ngành văn hóa năm 2023

Năm 2023, tổng số khách du lịch quốc tế ước đạt trên 12,5 triệu lượt khách, vượt mục tiêu đề ra (8 triệu lượt), đạt mục tiêu đã điều chỉnh; tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt khách, vượt 5,8% so với kế hoạch năm.

Tổng thu từ du lịch ước đạt 672.000 tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023. Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới tại Lễ trao giải thưởng du lịch thế giới năm 2023.

Công tác ngoại giao văn hóa được triển khai tích cực, Việt Nam trúng cử thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027 với số phiếu rất cao. Hội An, Đà Lạt chính thức gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

11 chương trình chính trị nghệ thuật trong khuôn khổ 5 chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước cùng với 6 chương trình Tuần văn hóa, Lễ hội du lịch và văn hóa Việt Nam tại nước ngoài trong năm 2023 đã góp phần quảng bá đất nước Việt Nam tươi đẹp, an toàn với nền văn hóa đặc sắc tới đông đảo bạn bè quốc tế.

Phạm Huy

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm